Thái Nguyên: Điểm đến thành công của các nhà đầu tư
.

Thái Nguyên: Điểm đến thành công của các nhà đầu tư

TNĐT 17:53, 18/10/2023
 

Với quan điểm ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, sản xuất sạch; với quyết tâm tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, Thái Nguyên đã và đang trở thành điểm đến của nhiều dự án. Câu chuyện về những yếu tố tạo sức hút với các nhà đầu tư của tỉnh Thái Nguyên được đồng chí Lê Kim Phúc, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên, phân tích trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên dưới đây.

 
 

P.V: Sự bứt phá và tăng trưởng công nghiệp của Thái Nguyên thời gian qua là một điểm sáng của vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội, trong đó công tác thu hút đầu tư đóng vai trò rất quan trọng. Đồng chí có thể thông tin một số kết quả nổi bật của tỉnh về thu hút đầu tư thời gian gần đây?

 

Đồng chí Lê Kim Phúc: Thái Nguyên được đánh giá là một “điểm sáng”, nơi nhiều nhà đầu tư (NĐT) tin tưởng, lựa chọn để triển khai dự án, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian qua, tỉnh ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư, đại diện các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội, triển khai các dự án, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

9 tháng qua, mặc dù phải đối mặt với khó khăn chung của kinh tế thế giới cũng như trong nước, Thái Nguyên vẫn thu hút thêm 27 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 171,1 triệu USD; 14 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 75,07 triệu USD.

Như vậy, lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 197 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 10,5 tỷ USD. Trong đó có 156 dự án FDI nằm trong các KCN. Kết quả này khẳng định Thái Nguyên là nơi có môi trường đầu tư tốt, là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, giúp kim ngạch xuất khẩu của tỉnh luôn đứng ở tốp đầu cả nước; đồng thời thể hiện sự nỗ lực của tỉnh trong thu hút đầu tư.

 
 

P.V: Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (BQLCKCN) thời gian qua đã có những giải pháp gì để góp phần vào thành công chung đó, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Lê Kim Phúc: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự phối hợp của các sở, ban, ngành, BQLCKCN tỉnh thời gian qua đã nỗ lực phát huy vai trò, chức năng, đồng hành với TP. Sông Công, TP. Phổ Yên, huyện Phú Bình phát triển hạ tầng các KCN; tham mưu xây dựng, triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư... vào địa bàn.

Tại các KCN, cơ bản các DN đang hoạt động ổn định, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn một số khó khăn, tồn tại như: Tiến độ giải phóng mặt bằng còn chậm, một số DN gặp vướng mắc về TTHC, công tác phối hợp trong triển khai các dự án có lúc thiếu thống nhất...

 

Vì vậy, Ban đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc, kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các DN trong khu công nghiệp. Chúng tôi thường xuyên tổ chức đối thoại với DN, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các DN.

Bên cạnh đó, Ban cam kết hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; thường xuyên tổ chức đối thoại với DN bằng nhiều hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong khu công nghiệp; tích cực phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp.

P.V: Sau khi Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được thông qua, tỉnh nói chung, BQLCKCN tỉnh nói riêng có những giải pháp gì để đón làn sóng đầu tư mới, thưa đồng chí?

 
 
 

Đồng chí Lê Kim Phúc: Với chiến lược phát triển toàn diện, trọng điểm, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.

Hiện nay, Thái Nguyên đang khẩn trương triển khai Quy hoạch tỉnh, tập trung nguồn lực xây dựng những tuyến giao thông kết nối với các trung tâm công nghiệp, triển khai xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp mới nhằm đón “làn sóng” đầu tư những năm tới.

Tỉnh được quy hoạch 12 KCN với tổng diện tích 4.245ha, trong đó có 1 khu công nghệ thông tin tập trung; quy hoạch 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha, sẵn sàng đón các nhà đầu tư.

Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chú trọng cải thiện môi trường đầu tư bằng các giải pháp như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường trọng điểm; tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu, cụm công nghiệp…

 

BQLCKCN tỉnh đang tích cực phối hợp triển khai công tác quy hoạch những KCN mới như: KCN Yên Bình 2, Yên Bình 3, Tổ hợp Đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên, KCN Thượng Đình...

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Và đặc biệt, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Ban sẽ tham mưu cho tỉnh tìm kiếm, lựa chọn các NĐT có tiềm năng, năng lực tài chính mạnh; ưu tiên những dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, chuyên môn hóa cao; phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử và sản xuất kim loại, ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường... 

 
 
 
 
 
 
 
 

 


Từ khóa:

môi trường đầu tư

thu hút đầu tư

Thái Nguyên

điểm đến

thành công

nhà đầu tư

ban quản lý các KCN tỉnh


Xem thêm bình luận