“Bác sĩ gây mê hồi sức luôn cần sự chính xác, tỉ mỉ, tập trung, còn nhiếp ảnh lại cần chút bay bổng, chất nghệ sĩ, phiêu lưu lãng tử, tôi cảm thấy cả hai công việc đều có điểm chung là cần say mê, nhiệt huyết” - đó là chia sẻ của anh Trần Đoàn Huy (sinh năm 1981), đang công tác tại Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên.
Một ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp trò chuyện với nhiếp ảnh gia Trần Đoàn Huy, nghe anh chia sẻ về sự nghiệp, niềm đam mê với nghề “tay ngang” là nhiếp ảnh. Với công việc chính là một bác sĩ gây mê hồi sức, lịch làm việc hàng ngày của anh dày đặc. Anh nói: Người ta thường bảo, đây là một công việc thầm lặng, đi trước về sau, quả không sai. Thông thường, trong mỗi cuộc phẫu thuật, ê-kíp gây mê là những người đến phòng mổ sớm nhất để làm công tác chuẩn bị, rồi đến việc của bác sĩ phẫu thuật.
Để cân bằng lại với guồng quay của công việc, sau những ca kíp trực căng thẳng, anh Huy đã tìm đến với niềm đam mê nhiếp ảnh. Ngược thời gian 19 năm về trước, cậu sinh viên Y khi ấy mới ra trường, để thỏa mãn niềm đam mê, anh tự sắm cho mình một chiếc máy ảnh du lịch cũ và chụp tất cả mọi thứ trong tầm mắt.
Từ đó, anh tự tìm hiểu bố cục, ánh sáng của mỗi tác phẩm mình được xem, nghiên cứu các bài giảng về nhiếp ảnh để học hỏi. Khi thấy những bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế, anh tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật làm sao chụp đẹp như vậy. Đồng thời chịu khó học hỏi những đàn anh đi trước để nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm. Anh đi nhiều nơi, ghi lại nhiều khoảnh khắc sinh động về phong cảnh thiên nhiên, con người trong sinh hoạt, lao động; chụp tại các sự kiện thời sự, chính trị của tỉnh góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương Thái Nguyên.
Dành thời gian rảnh rỗi hiếm hoi, anh lại vác máy dong duổi trên những cung đường, đến những nơi có cảnh đẹp ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Giới chơi ảnh thường bảo đi chụp ảnh phong cảnh thì hên xui như đi câu. Có khi đi cả chục chuyến cũng chỉ chọn được 1-2 bức ảnh tâm đắc.
Có những chuyến anh đi chụp ảnh tại thung lũng Bắc Sơn (Lạng Sơn). Khung cảnh tại đây vào tháng 7 là mùa đẹp nhất trong năm, tuy nhiên thời tiết thời điểm này lại đa phần là mưa. Có khi đến nơi gặp mưa, không chụp được, anh lại nằm lán chờ tạnh rồi về.
Về bức ảnh kế trên, anh Huy kể: Trạm viba trên đỉnh núi Nà Lay là địa điểm lý tưởng để ngắm toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp, nhất là vào lúc hoàng hôn và bình minh. Cánh đồng lúa Bắc Sơn là những mảng màu sắc khổng lồ đan xen giữa ruộng lúa chín, lúa xanh, ruộng vừa được gặt. Thời điểm tôi chụp bức ảnh là khi Mặt trời khuất dần, sương tràn xuống, khói lam chiều bảng lảng. Đây là một trong những tác phẩm tham dự Triển lãm ảnh nghệ thuật Quốc tế Việt Nam năm 2017.
Trước đây, nhiều người chụp ảnh phải mạo hiểm leo lên những đỉnh núi, ngôi nhà cao tầng mới có được những tấm ảnh với góc nhìn mới lạ, thì nay công nghệ đã giúp nhiếp ảnh gia giảm bớt những vất vả, nguy hiểm đó. Nhiều khi chỉ cần ở một chỗ, điều khiển Flycam là có thể chụp được nhiều góc ảnh mà mắt thường khó có thể thấy. Ngoài ra, sự xuất hiện của nhiều phần mềm chỉnh sửa ảnh cũng giúp nhiếp ảnh có sự thay đổi lớn.
Những tác phẩm ảnh của anh Trần Đoàn Huy được rất nhiều người yêu thích. Nhiều người đã ngỏ ý muốn mua bức ảnh để phóng to, treo trong phòng làm việc, hay phòng khách. Anh cho chúng tôi xem rất nhiều tác phẩm bản thân ưng ý, như: “Mùa vàng Bắc Sơn”, “Thác mưa rơi Thần Sa” hay “Mâm xôi Mù Cang Chải”, “Đồi chè”, “Bức họa đồng quê”…
Các tác phẩm ảnh này được tham gia nhiều triển lãm ảnh trong nước và quốc tế như: Triển lãm ảnh về Việt Nam tại Cộng hòa Séc, Triển lãm ảnh quốc tế tại Na Uy, các triển lãm ảnh toàn quốc qua các năm. Đặc biệt, anh đã nhiều lần đoạt giải tại các cuộc thi nhiếp ảnh trong tỉnh, khu vực miền núi phía Bắc…
|
Chúng tôi được biết anh Trần Đoàn Huy là người thành lập và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nhiếp ảnh trẻ Thái Nguyên với gần 150 thành viên và CLB “Sẻ chia hơi ấm”. CLB “Sẻ chia hơi ấm” hiện có hơn 100 thành viên sinh sống ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Hai CLB này thường xuyên tổ chức những chuyến đi xa sáng tác kết hợp các hoạt động thiện nguyện.
Hoạt động âm thầm gần 10 năm nay, CLB đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, tạo được dấu ấn trong cộng đồng. Một điểm đặc biệt của những chuyến đi kết hợp là thành viên của CLB gặt hái được nhiều tác phẩm ảnh tốt, ấn tượng. Các thành viên sẽ in khổ lớn để bán, đấu giá, lấy tiền đó để làm kinh phí thực hiện các chương trình thiện nguyện tiếp theo.
Với vai trò là chủ nhiệm 2 CLB, anh Trần Đoàn Huy đã tổ chức những chuyến đi sáng tác kết hợp thiện nguyện đến nhiều tỉnh như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Giang..; tại Thái Nguyên thì tổ chức ở những huyện vùng cao như Đồng Hỷ, Võ Nhai…