Tảo hôn và những câu chuyện buồn, Kỳ 1: Không mới nhưng vẫn “nóng”

Huệ Dinh 08:47, 23/02/2023

Trong cuộc sống hiện đại, Thái Nguyên vẫn có khá nhiều trường hợp tảo hôn. Năm 2022, toàn tỉnh thống kê được 74 trường hợp tảo hôn, tăng 13 vụ so với năm trước. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đằng sau cuộc sống hôn nhân của nhiều đôi trẻ đang ở tuổi vị thành niên là những câu chuyện “cười” ra nước mắt. Và hơn cả là những hệ lụy dài lâu mà thế hệ con, cháu phải gánh chịu…

Tảo hôn - câu chuyện chưa bao giờ hết “nóng”, nhất là  ở miền núi, vùng cao trên địa bàn tỉnh. Thậm chí, ở nhiều bản người Mông, lũ trẻ mới lớn coi việc lấy vợ, lấy chồng ở tuổi vị thành niên như là “một chiến tích”, “món trang sức” để nâng cao giá trị bản thân. Những cuộc hôn nhân ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã mang đến bao câu chuyện “cười” ra nước mắt.

Cha mẹ tảo hôn, con… cũng tảo hôn

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cặp kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định. Thông tin từ Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh, Võ Nhai luôn là địa phương có số trường hợp tảo hôn nhiều nhất tỉnh. Năm 2022, địa phương này có 50 cặp tảo hôn.

Trong cái lạnh của một sớm mùa Xuân, khu Đồng Ươm, Tân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai) - nơi có hơn 70 hộ người dân tộc Mông sinh sống, khá yên ắng. Hầu hết các ngôi nhà đều khép hờ cửa và không thấy chủ. Cùng đồng chí cán bộ văn hóa - xã hội xã Dân Tiến, chúng tôi đến ngôi nhà vách gỗ đơn sơ, cũ kỹ để gặp đôi trẻ tảo hôn (tự dọn về ở chung với nhau năm 2022).

Ngôi nhà tạm bợ, nơi cặp vợ chồng tảo hôn Đ.Q.C - L.T.H (ở khu Đồng Ươm, Tân Tiến, xã Dân Tiến, Võ Nhai) và bố mẹ của C. sinh sống.
Ngôi nhà tạm bợ, nơi cặp vợ chồng tảo hôn Đ.Q.C - L.T.H (ở khu Đồng Ươm, Tân Tiến, xã Dân Tiến, Võ Nhai) và bố mẹ của C. sinh sống.

Từ chia sẻ của cán bộ địa phương, chúng tôi được biết “nhân vật chính” trong cuộc tảo hôn này là cô bé L.T.H, sinh năm 2006 và cậu trai Đ.Q. C, sinh năm 2004. Khi chúng tôi đến, C. đi làm thuê cho một xưởng gỗ trong xã, còn H. đang ngồi buồn bã trước hiên nhà. H. cho biết: Em là người dân tộc Mông, ở bản Khuôn Ngục, xã La Hiên (Võ Nhai), về đây làm dâu. Chúng em quen nhau qua Facebook. Em đang mang thai tháng thứ 2 và công việc chính là ở nhà trông con của anh trai chồng.

Do chưa làm được nhà nên hai vợ chồng H. phải ở nhờ trong căn nhà đã cũ cùng bố mẹ chồng. Nghỉ học từ năm lớp 8, khi chưa lấy chồng, H. đi làm công nhân cho các công ty trong, ngoài tỉnh. Từ ngày về đây, ở quanh quẩn “xó” nhà, H. buồn chán và cảm thấy hối hận khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân quá sớm… Trong câu chuyện với H., chúng tôi cảm nhận ở cô bé một nỗi cô đơn khi phải rời xa gia đình quá sớm để về một vùng đất xa lạ.

Chia tay cô bé, vừa đi được vài bước, tôi bắt gặp một cậu “choai choai” người nhỏ thó, mặt “búng ra sữa” đang phóng xe máy trên đường. Dường như đã quá quen với cán bộ xã, cậu choai đi xe chậm lại và chào hỏi chúng tôi rất lễ phép. Sau đó, cậu “khoe” với chúng tôi về người vợ mới của mình đầy hào hứng khiến đồng chí cán bộ xã vô cùng bất ngờ. Trường hợp này vừa về ở với nhau được một đôi tuần nên cả cán bộ xã và Trưởng bản chưa thể nắm được.

Khi được hỏi chuyện, cậu bé giới thiệu mình là H.V.D, sinh năm 2006, mới lấy vợ là L.T.N, sinh năm 2009, là người ở Lân Thùng, Phương Giao (Võ Nhai). Không làm đám cưới, không ồn ào, đôi trẻ tự dọn về ở chung. Bởi thế, chính quyền địa phương không thể phát hiện nếu “người trong cuộc” không khai ra.

Đáng nói, bố mẹ của các cặp đôi C - H và D - N cũng như hầu hết các cặp vợ chồng thế hệ 6X, 7X, 8X ở các bản người Mông trên địa bàn tỉnh đều kết hôn ở tuổi vị thành niên. Đặc biệt, nhà D. có 6 anh chị em (D. là thứ 5) thì 5 người đều được dựng vợ, gả chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn, còn một em út mới đang học lớp 8…

Anh Hoàng Thế Nhân, cán bộ văn hóa - xã hội xã Dân Tiến (Võ Nhai):

"Xây dựng gia đình khi chưa đủ tuổi trưởng thành, thể chất chưa phát triển toàn diện, nhận thức còn hạn chế, điều kiện kinh tế lại khó khăn nên cuộc sống hôn nhân của lũ trẻ khó bền vững".

Cách đây 15, 20, 30, 40 năm, khi bước sang tuổi 14, 15, 16…, trai gái ở các bản người Mông của Thái Nguyên đi bộ vài trăm cây số lên các tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng, Hà Giang… để tìm đối tượng kết hôn. Còn vài năm trở lại đây, dưới sự hỗ trợ của mạng xã hội, lũ trẻ mới lớn làm quen với nhau qua Zalo, Facebook rồi yêu xa và cuối cùng “đằng” trai hẹn gặp “đằng” gái và “đưa nàng về dinh” bằng chiếc xe “bình bịch”.

Tương tự, tại Đồng Hỷ, nhiều cặp đôi ở các bản người Dao, người Mông cũng sống đời chồng vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn. Năm 2022, lực lượng y tế thống kê có 20 trường hợp tảo hôn và Hợp Tiến là địa phương “dẫn đầu” với 6 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp sinh năm 2007 là L.T.P, xóm Đèo Bụt và T.T.H, xóm Cao Phong. Tại Định Hóa, năm qua cũng thống kê được 3 trường hợp tảo hôn.

Tình trạng này càng trở nên báo động khi ngay tại địa bàn TP. Thái Nguyên cũng có 1 trường hợp. Ngoài ra, tại phường Trung Thành (TP. Phổ Yên), mới đây (trong tháng Giêng), có gia đình đã vội tổ chức lễ thành thân cho đôi trẻ đều sinh năm 2005 vì “bác sĩ bảo cưới”.

Những chuyện “cười” ra nước mắt

Sự ngây ngô của những đứa trẻ làm chồng, làm vợ ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng sẽ lấy đâu ra tiền để nuôi con, cô bé L.T. H nhìn xa xăm và lắc đầu. Cô bé còn quá nhỏ để cảm nhận được trách nhiệm của người làm cha, mẹ. H. cũng không thể trả lời được câu hỏi ấy khi không có việc làm, cả ngày chỉ quanh quẩn ở nhà và toàn bộ chi phí sinh hoạt của gia đình chỉ trông vào số tiền làm thuê 200 nghìn đồng/ngày của người chồng vừa bước sang tuổi 19.

 

Ông Đinh Ngọc Văn, Chi cục phó Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình tỉnh:

"Năm qua, tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở miền núi, vùng cao mà còn xuất hiện ở nơi có trình độ dân trí cao như TP. Thái Nguyên. Đây là một thực tế rất đáng lo ngại".

Cậu bé D. cũng không cho chúng tôi câu trả lời về việc vợ chồng sẽ làm gì để nuôi sống bản thân. Hiện, hai vợ chồng D - N đang ở cùng gia đình người anh trai. Vì vậy, ngoài việc giúp đỡ anh trai trông cháu nhỏ, làm các công việc lặt vặt trong nhà thì đôi vợ chồng “trẻ con” ấy vẫn đang được người anh trai của D. nuôi ăn, ở.

Rõ ràng, các ông bố, bà mẹ hoặc “bề trên” của các cặp đôi có thể ngăn chặn tình trạng tảo hôn. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế nên họ (như bố mẹ, anh chị của cặp C- H, D – N) và nhiều hộ người dân tộc Mông khác vẫn để con cái kết hôn trước khi đến tuổi được phép kết hôn.

Ở những khu vực miền núi, vùng cao, tảo hôn được sự “hùa theo” của cha mẹ, anh chị. Ở thành thị, nhiều bậc cha mẹ biết rõ tảo hôn là vi phạm pháp luật nhưng vẫn phải “cắn răng” chịu đựng. Chị H.T.T ở phường Trung Thành (TP. Phổ Yên) buộc phải cho con gái sinh năm 2005 kết hôn mà lòng đau như cắt. Biết rằng tương lai nhiều trắc trở nhưng do đôi trẻ đã “trót dại” nên chị đành “thuận theo tự nhiên”. Để các con bớt khổ thì gánh nặng tài chính về ăn uống, sinh hoạt của đôi trẻ vẫn phải do bố mẹ hai bên chu cấp. Đây sẽ là câu chuyện dài với những thấp thỏm, lo âu của các bậc làm cha, mẹ có con kết hôn khi chưa đủ tuổi…

(Còn nữa)