Về làng cổ An Châu

09:11, 31/05/2020

Nghe nhiều người thông tin, ở làng An Châu, xã Nga My (Phú Bình) có 4 ngôi nhà cổ hàng trăm năm thuộc sở hữu của các ông Nguyễn Văn Chí, Tạ Văn Thảnh ở xóm Cũ, Trần Văn Thả và chị Tạ Thị Thúy cùng ở xóm Ngọc Thượng. Trong đó, có ngôi nhà được người đến trả giá trên 8 tỷ đồng mà gia chủ vẫn nhất quyết không bán. Tò mò, tôi đã tìm về làng…

Những viên ngọc quý giữa làng quê

Qua cổng làng mộc mỹ nghệ An Châu được xây dựng khang trang, tôi cho xe chạy trên con đường bê tông rộng rãi dẫn vào căn nhà được dựng cách đây khoảng 200 năm của chị Tạ Thị Thúy. Vật liệu chính làm nên ngôi nhà có vẻ đẹp cầu kỳ, sang trọng là gỗ với kết cấu theo lối “nội tự ngoại khách” gồm 5 gian 2 dĩ. Trong đó, 3 gian chính giữa được dùng riêng đặt bàn thờ tổ tiên và làm nơi để tiếp khách, hai bên là gian buồng. Bước vào nhà, tôi có cảm giác yên bình, thân thuộc. Nền nhà cao, trong và ngoài hiên được lát gạch bổ màu đỏ. Gian giữa có sập, khán thờ, ngai thờ và các vật dụng như lục bình, đèn nến, đỉnh hương. Hai bên khán thờ là câu đối được khắc tỉ mỉ. Ngắm nghía kỹ từng gian nhà, tôi bắt gặp trong khung nhà gỗ, những vị trí như đầu dư, cốn, xà nách, nóc, xà, đầu bẩy... có hình vảy rồng, hoa lá. Đầu dư chạm khắc hình đầu rồng, đầu bẩy có khắc hình chữ thọ, tất cả đường nét với hoa văn chạm trổ tinh tế, hài hòa. Hai bên nhà đều được dựng vách gỗ lụa đố vỏ măng màu nâu trầm mang vẻ đẹp cổ kính và trang nghiêm.

Gia đình chị Thúy thường tổ chức các hoạt động họp mặt, cúng giỗ tổ tiên trong ngôi nhà cổ để gắn kết các thành viên của gia đình. Chị kể: Năm 2010, có người ở Bắc Ninh không biết nghe ai giới thiệu đã đến tìm gặp gia đình tôi trả giá ngôi nhà 3 tỷ đồng. Năm 2016, lại có khách vào mặc cả trên 8 tỷ đồng nhưng gia đình tôi đã bàn bạc và nhất trí không bán. Bởi các con cháu tuy chưa giàu có nhưng đều đủ ăn, đủ mặc, vì thế việc gìn giữ gia phong, bảo tồn nét văn hóa của tổ tiên để lại là điều cần thiết. Tiền bạc có thể nay còn, mai mất nhưng nếp nhà không thể ngày một, ngày hai có được.

Bên trong ngôi nhà cổ của gia đình chị Tạ Thị Thúy.

Cùng chung quan điểm như chị Thúy, anh Trần Văn Thả đang sở hữu ngôi nhà  phủ mái ngói vẩy cá rêu phong đã có tuổi đời hơn 1 thế kỷ trong làng chia sẻ: Nhà gắn với truyền thống gia đình, cội nguồn tổ tiên nên tôi không nỡ phá bỏ. Mỗi lần nhìn thấy ngôi nhà, như nhìn thấy hình bóng của các cụ. Năm 2008, nhà bị hỏng phần cột, hoành, tôi đã nhờ các thợ trong tổ mộc của làng khôi phục lại, giữ nguyên được nét văn hóa xưa của người Việt. 

Ngoài nhà chị Thúy, anh Thả, trong làng An Châu hiện có 2 ngôi nhà cổ tuổi đời trên dưới 100 năm và có hàng chục ngôi nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ xưa. Dù là ngôi nhà cấp 4 bình dị, đơn sơ của gia chủ vốn có đời sống thuần nông hay nhà bằng gỗ cấu trúc cầu kỳ sang trọng của gia chủ có điều kiện, tất cả đều toát lên vẻ đẹp cổ kính. Những ngôi nhà ấy thực sự là những viên ngọc quý của làng quê. Và chủ nhân của những ngôi nhà đều có chung cảm nhận ở trong nhà cổ, họ thấy thực sự thảnh thơi, hòa mình cùng thiên nhiên, thấy mọi áp lực của cuộc sống được giải tỏa.

Nghề phục dựng nhà cổ

Theo các cụ cao tuổi trong làng, An Châu xưa gồm 11 xóm, là làng cổ có từ lâu đời. Từ thời phong kiến, làng đã đón các nghệ nhân nghề mộc từ các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh... về truyền dạy cho người dân làm nhà gỗ, đồ mộc gia dụng, hoành phi, câu đối, đồ thờ và trang trí nội thất. Qua nhiều năm, nghề mộc mỹ nghệ tại An Châu ngày càng phát triển và lớn mạnh. Năm 2013, An Châu được UBND tỉnh công nhận là làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống. Làng nghề hiện có 17 xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, trong đó có 1 xưởng chuyên phục dựng và làm mới nhà gỗ giả cổ. Khoảng 5-7 năm trở lại đây, nhiều người dân trong làng yêu thích lối kiến trúc nhà cổ nên đã thuê thợ dựng gần 20 ngôi nhà gỗ giả cổ. Mỗi ngôi nhà kiểu này có giá tầm 800 triệu đồng tới trên 1 tỷ đồng thậm chí 2-3 tỷ đồng tùy loại gỗ, diện tích gia chủ cần hay độ tinh xảo, hoa văn và các chi tiết được chạm khắc trên cột nhà. Bởi vậy, các gia đình phải có điều kiện kinh tế mới có thể làm được. Việc lượng khách hàng ưa thích loại nhà này tăng mạnh đã đem lại nguồn kinh tế lớn cho các hộ làm nghề.

Anh Tạ Văn Cường, Trưởng làng nghề, cũng là chủ xưởng phục dựng nhà cổ. Năm 2008, anh đã tập hợp nhóm thợ chuyên phục dựng và làm mới nhà cổ với khoảng 20 thợ (người cao tuổi nhất là gần 60, người ít tuổi nhất mới ngoài 20) với thu nhập trung bình từ 250-300 nghìn đồng mỗi ngày. Riêng thợ cả có tay nghề cao, tiền công làm một ngày không dưới 400 nghìn đồng. Nếu làm nghề mộc mỹ nghệ bình thường đòi hỏi sự kỳ công và kiên nhẫn 5 thì nghề dựng nhà cổ phải cần 9-10. Để thiết kế và dựng nhà gỗ giả cổ, anh Cường và các thợ phải nắm vững kiến thức về kiến trúc cổ, công năng sử dụng, cũng như khiếu thẩm mỹ. Bên cạnh đó, tự học hỏi, tìm hiểu lịch sử kiến trúc truyền thống, tìm tòi, tạo các mẫu hoa văn phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương, cũng như phong thủy và tính cách gia chủ. Gần 10 năm qua, anh đã tham gia phục dựng, làm mới hàng chục công trình nhà gỗ giả cổ cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Anh Tạ Văn Cường, Trưởng làng nghề mộc mỹ nghệ An Châu, chủ xưởng phục vụ nhà cổ đang hướng dẫn công nhân trong xưởng làm việc.

Trọn một ngày ở làng gỗ mỹ nghệ An Châu, tôi được anh Cường đưa đi tham quan nhiều ngôi nhà cổ do nhóm thợ của anh dựng. Nhà của anh Cường, sát đó là nhà của em trai Tạ Văn Khải, trong xóm là gia đình anh Tạ Văn Dưỡng... Những ngôi nhà ấy đã trở thành một phần hồn cốt của làng quê xưa và tô điểm sắc diện mới cho nông thôn Việt. Vừa đi, tôi vừa miên man suy nghĩ và giả định: Nếu ở đây mở dịch vụ cho khách đến tham quan, tìm hiểu các nét văn hóa tại các ngôi nhà cổ trong làng, rồi trải nghiệm tại các xưởng mộc trong làng nghề mộc mỹ nghệ, nghe các nghệ nhân giới thiệu về nét độc đáo của kiến trúc nhà cổ thì tuyệt biết mấy. Anh Tạ Văn Cường nghe tôi chia sẻ, liền bảo: Nếu Nhà nước đầu tư phát triển du lịch cho bà con nơi đây thì chúng tôi mừng quá. Còn gì vui bằng khi chúng tôi vừa nâng cao thu nhập vừa quảng bá được những nét văn hóa, lịch sử lâu đời của làng quê mình tới đông đảo nhân dân.

Gìn giữ văn hóa song hành với phát triển kinh tế

Tìm hiểu lịch sử làng An Châu tôi được biết, ngoài những ngôi nhà cổ mang kiến trúc văn hóa độc đáo vùng đồng bằng Bắc Bộ, hay những ngôi nhà gỗ giả cổ tô điểm sắc màu tươi mới cho làng quê, nơi đây còn sở hữu cụm di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp tỉnh là đình chùa An Châu. Cụm di tích nằm trên một quả đồi rộng thoai thoải, bao bọc xung quanh bởi cánh đồng và nhiều cây bóng mát. Điều đặc biệt ở cụm di tích này theo bản khảo tả di tích thì ở trong chùa có quả chuông đúc từ thế kỷ XVII. Đây là quả chuông lớn nhất được tìm thấy trên địa bàn tỉnh, thuộc loại “Đại hồng chung” khắc nhiều chữ Hán Nôm, có đường nét khá tinh vi, điêu luyện, bố cục, hình dáng và trang trí hoa văn thanh thoát, nét chạm trơn tru. Trong cụm di tích còn giữ được nhiều hiện vật quý, có cả văn chỉ tương truyền thờ Đức thánh Khổng Tử.

Rời khỏi làng An Châu khi bóng chiều tà đổ xuống, tôi cho xe chạy chầm chậm trên đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội chạy qua làng. Tôi thấy mừng lây với người dân khi thấy tuyến đường của dự án đoạn chạy qua làng gần 1km hiện đã được trải áp phan rộng rãi, thuận tiện cho việc đi lại và giao thương. Đây cũng là một lợi thế không nhỏ để xã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch.

Làng cổ An Châu đang sở hữu những vẻ đẹp về giá trị văn hóa, cảnh quan, kiến trúc, lịch sử tiêu biểu hiếm nơi nào có được và có thể khai thác để phát triển du lịch. Nếu thời gian tới được các cấp chính quyền quan tâm, định hướng để địa phương xây dựng đề án, có quy hoạch cụ thể thu hút doanh nghiệp đầu tư khai thác, chắc chắn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao cho xã Nga My và những người nông dân nơi đây. Khi phát triển du lịch làng cổ, có thể kết nối với cụm di tích vua Lý Nam Đế của xã Tiên Phong, T.X Phổ Yên (cách đó 1km) và các điểm di tích khác của huyện Phú Bình và nhiều địa phương khác.