Dưới lất phất mưa Xuân, vùng chè xã Tức Tranh (Phú Lương) dường như cũng xanh hơn và những búp chè tủa dày hơn, mập hơn.
Đứng từ đồi chè đầu xóm Tân Thái, phóng tầm mắt hướng về vùng chè cụm Khe Cốc - nơi vừa được UBND tỉnh công nhận 5 làng nghề chè là: Minh Hợp, Bãi Bằng, Tân Thái, Đập Tràn và Khe Cốc, chúng tôi thấy trên đồi, dưới bãi, đâu đâu cũng trải dài một mầu xanh mát của chè. Ông Phan Văn Tuyến, Trưởng xóm Tân Thái vui mừng nói: Xuân này, bà con vui lắm vì làng vừa xây được chiếc cổng to ngoài đầu xóm, trên có dòng chữ đỏ chói: “Làng nghề chè truyền thống xóm Tân Thái kính chào quý khách”. Còn nhớ, hôm khánh thành cổng làng, nhiều cụ cao niên cũng chống gậy ra xem, còn trẻ con thì tíu tít nắm tay nhau đứng vòng quanh đo xem cái cổng to tới cỡ nào. Tết đến nhà ai cũng thấy bà con nói chuyện sản xuất, chế biến chè sao cho thơm, ngon nhất để thương hiệu chè làng nghề cụm Khe Cốc ngày càng nối tiếp.
Tức Tranh là vùng chè trọng điểm của huyện Phú Lương, không chỉ bởi có diện tích chè lớn mà chất lượng chè ở đây cũng thơm ngon không thua kém các vùng chè ngon khác. Chè Khe Cốc từ lâu đã rất nổi tiếng bởi độ nồng, đượm được trồng sôi trên chất đất sạch kiềm và uống dòng nước trong mát từ các khe suối nguồn của con sông Cầu. Bởi có diện tích chè lớn và chất lượng chè hảo hạng nên hiện nay, Tức Tranh là xã có số làng nghề nhiều nhất tỉnh, toàn xã có 8 làng nghề về chè, ngoài cụm Khe Cốc có 5 làng được công nhận cuối năm 2011 còn 3 làng đã được công nhận trước đó là: Gốc Gạo, Thác Dài và Quyết Thắng.
Đồng chí Trịnh Văn Tường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tức Tranh có 24 xóm, trên 2.000 hộ với gần 9.000 nhân khẩu. Bà con ở đây hầu hết là người miền xuôi lên làm kinh tế, cây chè bắt đầu được bà con đưa vào trồng từ những năm 1970 và phát triển mạnh từ năm 1997 đến nay. Mỗi năm, xã trồng mới và trồng lại được khoảng 50ha, hiện diện tích chè toàn xã là trên 1.000ha. Ngoài việc mở rộng diện tích chè, bà con trong xã còn tích cực thay thế các giống chè mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào thâm canh như: LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên… đến nay, khoảng 40% diện tích chè của xã là các giống chè cành, do vậy năng suất, chất lượng chè ngày càng tăng. Năm 2011, sản lượng chè búp tươi toàn xã đạt trên 9.200 tấn, cao hơn năm 2010 gần 200 tấn. Đời sống của người trồng chè vì thế ngày càng được nâng lên. Hiện, toàn xã còn 218 hộ nghèo, giảm trên 100 hộ so với năm 2010.
Năm 2011 là năm thắng lợi của người làm chè toàn tỉnh nói chung và xã Tức Tranh nói riêng bởi thời điểm cuối năm, giá chè tăng cao hơn so với bình quân chung các năm trước từ 30-50 nghìn đồng/kg. Chị Cao Thị Linh, xóm Thác Dài cho biết: Gia đình tôi có 5 sào chè, mỗi năm được thu 8 lứa, mỗi lứa khoảng 40kg chè khô, bán được gần 6 triệu đồng, nhưng đó là những năm trước giá chè vào khoảng 150-160 nghìn đồng/kg. Riêng từ khoảng tháng 10-2011 đến Tết nguyên đán Nhâm Thìn, tôi bán giá trên 200 nghìn đồng/kg, loại ngon còn bán được giá 300 nghìn đồng/kg, mỗi lứa thu trên 8 triệu đồng. Cho đến thời điểm này, loại chè ngon vẫn giữ giá trên 200 nghìn đồng/kg. Cứ đà này, đời sống người dân vùng chè sẽ tiếp tục được nâng lên.
Mùa Xuân năm nay, thời tiết rất thuận lợi cho bà con sản xuất nông nghiệp trong đó có sản xuất chè. Những năm trước, mùa Xuân thường khô hạn, mực nước ở các ao hồ xuống thấp, gây thiếu nước sản xuất, vì thế người dân phải huy động hết công suất các trạm bơm và máy bơm gia đình để bơm nước từ các khe suối, phục vụ sản xuất chè vụ Xuân. Riêng năm nay, từ đầu mùa, thời tiết thường có mưa phùn, nhất là từ Tết Nguyên Đán đến nay, rất thuận lợi cho chè ra búp. Trên những bãi chè xanh thắm thuộc xóm Khe Cốc, các búp chè đua nhau vươn cao.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xóm, ông Trần Trung Thành, Trưởng xóm Khe Cốc cho biết: Đặc thù của xóm là không có hồ, ao lớn, chỉ có con suối chảy ngang một góc xóm, nên những năm trước, bà con rất vất vả trong việc bơm nước tưới chè. Toàn xóm có trên 60ha chè, để tưới hết diện tích này, có hộ phải kéo dây 500-600m mới tới đồi bãi nhà mình, đấy là chưa kể có năm hạn hán suối cạn bà con phải gạn từng ghánh nước để tưới chè. Dừng chân ngay trước bãi chè của nhà mình, ông Thành cho biết thêm: Diện tích chè này của gia đình tôi vì cách xa suối nên có năm còn phải bỏ lứa chè Đông do thiếu nước, còn vụ Xuân thường phải mượn thêm ống bơm nước để dẫn nước về mới đảm bảo sản xuất. Nhưng năm nay, gia đình tôi chưa phải bơm lần nào mà chè đã sắp cho thu hoạch, chỉ mươi hôm nữa là tôi bắt đầu hái lứa đầu của năm. Không chỉ chè của gia đình tôi, mà năm nay, do có mưa nên đến thời điểm này, bà con trong xóm chưa nhà nào phải chạy máy bơm nước tưới chè, các diện tích đã lên xanh, một số nơi đã bắt đầu cho thu hoạch. Đây là dấu hiệu tốt cho một năm sản xuất mới và chúng tôi cũng hy vọng sẽ tiếp tục gặt hái những mùa búp non đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.