Khó khăn trong xây dựng đời sống văn hóa ở Sảng Mộc

10:20, 24/09/2012

Từ khi thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (năm 1995) đến nay, xã Sảng Mộc (Võ Nhai) chưa có xóm nào được công nhận đạt Làng văn hóa (Khu dân cư văn hóa). Nguyên nhân có nhiều, song cơ bản là do tỷ lệ hộ nghèo của các xóm, bản cao và công tác tuyên truyền tới nhân dân để họ biết, hiểu và thực hiện phong trào này ở đây còn nhiều bất cập…

Theo các tiêu chí để được công nhận khu dân cư văn hóa, chỉ xét riêng về tiêu chí điện thì 4/10 xóm ở Sảng Mộc chưa có điện, tương ứng với đó, 4 xóm này không thuộc diện để bình xét danh hiệu trên. Còn về tiêu chí hộ nghèo, hiện, xã có 612 hộ, trong đó còn 298 hộ nghèo (chiếm 48,7%). Một số xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao, không đạt tiêu chí để bình xét Khu dân cư văn hóa như: Khuổi Mèo (97,4%); Tân Lập (64,9%); Khuổi Uốn (63,1%); Nà Lay (53,5%)… Mặc dù trong 2 năm qua (2010-2011), xã đã được đầu tư trên 11 tỷ đồng mở mới một số tuyến đường nhưng hiện ở Sảng Mộc chưa có mét đường bê tông nào tới các xóm, bản, như vậy có nghĩa 10/10 xóm đều không đạt tiêu chí này. Còn về nhà văn hóa - nơi sinh hoạt cộng đồng thì hiện 9/10 xóm ở Sảng Mộc nhà văn hóa vẫn là nhà tạm, chưa đáp được ứng được nhu cầu sinh hoạt, hội họp của người dân.

 

Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng Hữu Cao, Trưởng xóm Tân Lập cho biết: Xóm cách trung tâm xã 12km. Đường đi lại còn khó khăn, cộng với chưa có điện, các phương tiện nghe nhìn của bà con thiếu thốn khiến cuộc sống của 60 hộ dân trong xóm dường như tách biệt với thế giới bên ngoài. Hơn nữa, do trình độ nhận thức của người dân không đồng đều nên rất khó để tuyên truyền, vận động họ thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (TDĐKXDĐSVHƠKDC). Hiện xóm còn 37 hộ nghèo, 5 hộ đói. Số hộ này phần lớn bị cái nghèo đeo đẳng do thiếu đất sản xuất, số ít đất canh tác đều ở núi cao, thường xuyên bị khô hạn và cho năng suất thấp. Cũng như xóm Tân Lập, xóm Khuổi Uốn hiện còn 14/19 hộ nghèo, cận nghèo. Từ trước đến nay, xóm chỉ có khoảng 4-5 người là học hết THCS, số người mù chữ trong xóm còn nhiều. Xóm có khoảng 8 mẫu ruộng, chia đều cho trên 80 khẩu trung bình mỗi người dân chỉ có khoảng 1 sào ruộng. Diện tích này phần lớn ở đồi cao có năm bị mất trắng do hạn hán kéo dài.

 

Để được công nhận đạt danh hiệu KDC văn hóa, đối với khu vực miền núi, các xóm phải cơ bản đáp ứng được các tiêu chí như: có từ 60% số hộ trở lên có đời sống kinh tế ổn định, giảm tỷ lệ nghèo từ 3%/năm trở lên, không có hộ đói; từ 50% trở lên số hộ được dùng điện; có tụ điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí công cộng, duy trì các sinh hoạt văn hóa thể thao truyền thống của dân tộc; không có tệ nạn xã hội phát sinh; có từ 70% trở lên số trẻ em trong độ tuổi được đến trường, không có người tái mù chữ...

Thực tế, Sảng Mộc có diện tích lớn nhất nhưng mật độ dân số thấp nhất tỉnh (diện tích trên 9.850ha, phần lớn là rừng núi; dân số là 612 hộ với trên 2.600 khẩu), 95% là người dân tộc thiểu số nên họ sống rải rác theo từng chòm núi. Cũng như Tân Lập, đường vào hầu hết các xóm còn rất khó khăn với dốc cao, đá to lởm chởm, bụi khi trời nắng và trơn trượt khi trời mưa. Cũng chính vì vậy mà nông sản và các con vật nuôi của bà con thường phải bán giá thấp hơn so với thị trường.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nông Quý Dương, chủ tịch UBND xã băn khoăn: Địa bàn rộng, nhưng diện tích đất canh tác của bà con xã Sảng Mộc chỉ là 120 ha. Trong khi đó, phần lớn các ruộng đều ở khe núi, một số diện tích ở trên núi cao do đồng bào phát nương nên đất đai rất khô cằn và cơ bản là thiếu nước sản xuất. Bởi vậy, hàng năm chỉ có khoảng 20% diện tích lúa cấy hai vụ, năng suất thấp (cao nhất mới đạt 50 tạ/ha) còn lại chỉ cấy được một vụ nhờ nước trời. Thông qua các chương trình, dự án, người dân trong xã đã được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, các lớp tập huấn còn ít (trung bình 7 lần/năm) và số lượng các hộ dân được tham gia chưa nhiều nên trình độ canh tác của người dân tuy có nâng lên nhưng sản xuất vẫn manh mún, lạc hậu; chăn nuôi thì nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Do đó, mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay của xã mới đạt trên 4 triệu đồng/người/năm, số hộ thiếu đói vài ba tháng/năm lúc giáp hạt vẫn còn nhiều...

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, một nguyên nhân khiến những năm qua tỷ lệ hộ nghèo của xã Sảng Mộc vẫn còn cao là do việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ các hộ nghèo sản xuất còn chưa hiệu quả. Mỗi năm, có hàng trăm hộ nghèo được tạo điều kiện vốn vay với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng nhưng do chưa nhận thức đầy đủ cũng như không được định hướng để sử dụng tốt nguồn vốn này nên họ đều dành để mua các vật dụng sinh hoạt hoặc phục vụ việc cưới, tang mà không đầu tư phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, không ít hộ thậm chí còn không dám vay vì không biết đầu tư phát triển cái gì.

 

Ngoài tỷ lệ hộ nghèo cao thì một nguyên nhân khiến nhiều năm nay, Sảng Mộc không đạt được các danh hiệu thi đua về văn hóa là do cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể địa phương chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của phong trào này. Bởi vậy, việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư chưa sâu rộng, toàn diện tới các tầng lớp nhân dân. Ngay ở xóm Khuổi Uốn, với 19 hộ người Dao đỏ sinh sống rải rác trên các ngọn đồi cao cách trụ sở UBND xã chưa đầy 2km nhưng khi chúng tôi hỏi một số người dân có biết đến phong trào “TDĐKXDĐSVHƠKDC” không thì câu trả lời dành cho chúng tôi chỉ là những cái lắc đầu tỏ vẻ khó hiểu. Cộng với đó, đường đi lại khó khăn nên nhiều khi, để họp xóm, một số trưởng xóm phải đi bộ 2 ngày mới hết các hộ dân để thông báo. Hơn nữa, phương tiện nghe nhìn của người dân còn thiếu thốn nên các thông tin văn bản, chính sách mới của Đảng và Nhà nước chậm  hoặc không đến được với bà con.

 

Thiết nghĩ, nếu nhận thức của đội ngũ cán bộ xã Sảng Mộc được “thông suốt”, năng động, nhiệt tình, bám sát cơ sở hơn để tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân theo phương châm “cầm tay chỉ việc”; phát huy nội lực, tận dụng thế mạnh địa phương về kinh tế rừng, các nguồn tài nguyên khoáng sản, đưa cây, con có năng suất chất lượng cao vào chăn nuôi, trồng trọt thì chắc chắn cơ cấu kinh tế của xã sẽ thay đổi, đồng nghĩa với đời sống vật chất và tinh thần của người dân sẽ ngày càng được nâng cao qua đó góp phần thực hiện tốt phong trào “TDĐKXDĐSVHƠKDC”...

 

 

Anh Triệu Xuân Báo, xóm Khuổi Uốn: Nhà mình chỉ có một sào ruộng ở khe núi, hai vợ chồng làm cật lực vẫn không đủ ăn và nuôi hai đứa con ăn học nên đều là hộ nghèo. Nhà nước có vốn cho người nghèo vay đấy nhưng mình không dám vay đâu vì sợ không làm gì được để trả vốn, lại mang nợ thì khổ lắm.

 

Anh Nguyễn Văn Bình, cán bộ văn hóa xã Sảng Mộc: Trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, hơn nữa xã còn 5% số dân mù chữ nên rất khó cho công tác tuyên truyền để họ hiểu và thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.