Ðổi mới giáo dục đã và đang đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với người thầy, đòi hỏi người thầy phải có vai trò mới trong sự nghiệp "trồng người". Trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, việc đổi mới phương pháp dạy học là giải pháp then chốt, trong đó, giáo viên được xác định là người "cố vấn", tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học. Muốn làm được điều đó, đội ngũ giáo viên không chỉ cần đủ số lượng mà còn phải được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Giờ học của cô trò Trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội. |
Thực tế thời gian qua cho thấy, công tác sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên cả nước (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định.
Cả nước hiện còn thiếu 118.253 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Bên cạnh đó, cơ cấu đội ngũ giáo viên còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học; giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương thấp hơn so với nhu cầu thực tế…
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về "Ðổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" đã khẳng định, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, thì người thầy được xác định đóng vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm học mới 2023-2024 được Bộ Giáo dục và Ðào tạo đề ra là bảo đảm đội ngũ giáo viên để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã trao quyền chủ động, sáng tạo cho giáo viên.
Giáo viên được chủ động lựa chọn cách thức dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học nhiều hơn. Giáo viên được chuyển vai trò từ truyền thụ kiến thức là chính sang tổ chức, hướng dẫn, định hướng, hỗ trợ cho học sinh. Như vậy, người thầy buộc phải đổi mới và nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của đổi mới giáo dục, giáo viên gặp phải không ít khó khăn, thách thức với khối lượng công việc nhiều hơn, khó lên. Những sự động viên về vật chất, điều kiện, thu nhập, đời sống chưa có nhiều thay đổi đã tác động đến tâm lý, khiến một bộ phận không nhỏ giáo viên nghỉ việc để làm công việc khác.
Trong khi đó, công tác tuyển dụng ở các địa phương hiện cũng gặp nhiều vướng mắc. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, có biên chế, có chế độ ưu đãi nhưng không tuyển được giáo viên Ngoại ngữ, Tin học, Mỹ thuật, Nghệ thuật. Một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ dù có chỉ tiêu nhưng lại không tuyển được giáo viên mầm non…
Trong khi công tác tuyển dụng, "giữ chân" giáo viên còn nhiều khó khăn, thì hằng năm, số học sinh cũng tăng lên đã tạo thêm nhiều áp lực, vất vả cho các thầy cô và ngành giáo dục, một mặt phải bảo đảm công tác tổ chức dạy học, mặt khác phải phát huy hiệu quả sứ mệnh của người thầy trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương, cơ sở giáo dục cần làm tốt hơn công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; thực hiện tốt công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu sử dụng giáo viên bảo đảm sát thực tế; tổ chức rà soát, khảo sát việc thực hiện chế độ làm việc, chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non, phổ thông; đề xuất các chính sách đặc thù nhằm nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong các cơ sở giáo dục; tạo động lực cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác và gắn bó với nghề.
Từ thực tế tại nhiều địa phương, đòi hỏi Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026; tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế tuyển dụng để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động góp phần giải quyết khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên trong triển khai chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Mặt khác, cần sửa đổi, bổ sung quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông để làm căn cứ pháp lý cho các địa phương thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin