Dự án cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (hay còn gọi là Quốc lộ 3 mới) thuộc nhóm dự án chiến lược phát triển giao thông - vận tải của cả nước, nhằm tăng cường năng lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 3 cũ, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế-xã hội giữa TP. Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc. Sau gần một thập kỷ đưa vào sử dụng, cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên đã khẳng định chiến lược đầu tư đúng đắn khi không chỉ đem lại giá trị về kinh tế mà còn nhiều thành quả khác…
Dự án này đã hoàn thành, thông xe toàn tuyến vào tháng 1 năm 2014 và đi qua 3 địa phương gồm: TP. Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, Thái Nguyên là địa phương được hưởng lợi nhiều nhất vì thêm tuyến đường huyết mạch kết nối với phía Bắc của Thủ đô và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Có tuyến cao tốc này, thời gian đi lại từ trung tâm tỉnh Thái Nguyên về Thủ đô Hà Nội đã rút ngắn tới hơn 1 giờ đồng hồ so với di chuyển theo Quốc lộ 3 cũ.
Năm 2009, Trung ương bàn thảo, quyết định đầu tư khoản kinh phí hơn 8.100 tỷ đồng cho Dự án này (vốn vay ODA Nhật Bản gần 6.100 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam) không hề dễ dàng vì có nhiều ý kiến về tính hiệu quả. Bởi tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có chiều dài tới 61,3km, với 4 làn xe, xuất phát từ địa phận xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) giao với Quốc lộ 1A mới chạy qua huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh tại km 152 + 400 và điểm cuối tại nút giao Thịnh Đán, kết nối với đường tránh T.P Thái Nguyên.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100km/h, chia thành hai đoạn là Hà Nội - Sóc Sơn với 4 làn xe cơ giới, trong đó có 2 làn dừng xe khẩn cấp, nền đường rộng 34,6m và Sóc Sơn - Thái Nguyên với 2 làn xe cơ giới, 2 làn dừng xe khẩn cấp, nền đường rộng 34,5m.
Ngoài ra, trên tuyến đường cao tốc này còn có 6 nút giao thông, 29 cầu cùng nhiều công trình khác, như: Trung tâm điều khiển, trạm nghỉ và dịch vụ kỹ thuật. Nhưng với mục tiêu thúc đẩy kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc thông qua hạ tầng giao thông nên Trung ương vẫn quyết tâm thực hiện Dự án này. Sau 5 năm thi công, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã hoàn thành, đưa vào sử dụng (chậm hơn 12 tháng so với kế hoạch) và trở thành tuyến cao tốc dài nhất nước lúc bấy giờ.
Qua nhiều năm vận hành, khai thác, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã thể hiện được tầm quan trọng đối sự phát triển kinh tế của tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh miền núi. Riêng với tỉnh Thái Nguyên, tuyến cao tốc này đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế nhanh chóng. Trong đó, nổi bật nhất là từ khi có tuyến cao tốc, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên có sự bứt phá. Các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp được địa phương quy hoạch, xây dựng theo trục của tuyến cao tốc và phát huy hiệu quả cao khi tỷ lệ lấp đầy các dự án tới 70-80%.
Tiêu biểu nhất là 2 khu công nghiệp: Yên Bình và Điềm Thụy đã thu hút được các dự án FDI với số vốn hàng tỷ USD. Đây cũng là số ít dự án đường cao tốc không thu phí nên người dân, doanh nghiệp thường xuyên đi lại, vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường này được hưởng lợi rất lớn.
Ông Nguyên Văn Hà, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vân Hà cho biết: Chúng tôi kinh doanh dịch vụ phân phối hàng tiêu dùng tại 9/9 huyện, thành của tỉnh Thái Nguyên. Sử dụng nhiều dịch vụ vận tải nên chúng tôi tiết kiệm được khoản chi phí không nhỏ và nhất là tiết kiệm được thời gian vận chuyển.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách chất lượng cao chạy tuyến Hà Nội - Thái Nguyên và ngược lại thì tuyến cao tốc này đem lại rất nhiều ý nghĩa. Anh Nguyễn Trung Dũng, lái xe vận tải hành khách của Công ty CP Thương mại Hà Lan cho biết: Người dân rất phấn khởi vì đi lại an toàn, tiết kiệm thời gian và vui an hơn là tuyến cao tốc này không thu phí…
Sau gần một thập kỷ sử dụng, Dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ đối với 3 địa phương có tuyến đường đi qua mà còn tạo ra cơ hội phát triển cho cả các tỉnh vùng Việt Bắc.