Tân Lập trồng gấc cao sản

15:36, 31/08/2009

Những năm gần đây, người dân phường Tân Lập, T.P Thái Nguyên đã đưa gấc cao sản về trồng tại địa phương và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Người dân nơi đây đang có kế hoạch phát triển diện tich gấc để có thể làm giàu bằng loại cây này.

Đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình trồng gấc cao sản, ông Đỗ Văn Hoà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Lập cho biết: Toàn phường có 250 hộ làm nông nghiệp, tổng diện tích đất nông nghiệp trên 40ha, trong đó khoảng 50% là đất đồi vườn. Trên đất đồi vườn này, trước đây, người dân chỉ trồng vài cây ăn quả, mấy luống chè để phục vụ sinh hoạt gia đình, còn thu nhập chủ yếu vẫn trông vào hơn 20ha ruộng cấy lúa, một số hộ có điều kiện thì đầu tư chăn nuôi lợn, gà, bò... nhưng chỉ là số ít, đến nay toàn phường mới có gần 10 mô hình chăn nuôi có hiệu quả, còn lại phần lớn cuộc sống kinh tế của nông dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

 

Nhận thấy để nâng cao đời sống cho người dân, năm 2007, Hội Nông dân phường đã sang Bắc Giang để tìm hiểu, được các chuyên gia tư vấn, trồng gấc mang lại hiệu quả kinh tế khá, nên Hội đã lấy giống về trồng thí điểm ở 4 gia đình là: anh Lương Thế Vinh trồng trên 100 gốc; anh Nguyễn Văn Thái trồng khoảng 70 gốc; anh Phạm Quý Dương khoảng 50 gốc và anh Giáp Văn Tám khoảng 10 gốc. Lứa đầu tiên cho thu gần 20 tạ quả, đây là một tín hiệu vui cho mô hình trồng gấc của Hội Nông dân phường.

 

Đứng dưới giàn gấc lúc lỉu quả của gia đình, anh Lương Thế Vinh, ở tổ 10 cười rạng rỡ: Gia đình có 1,6ha đất, 100% là đất đồi vườn, trong đó 10 sào tôi trồng keo, 10 sào trồng cỏ để chăn bò, diện tích còn lại trước đây tôi trồng khoảng 80 gốc xoài giống GL1, GL2. Năm đầu tiên, từ diện tích xoài trên gia đình còn thu được khoảng 1 triệu đồng. Đầu năm 2008, được Hội nông dân phường vận động trồng thí điểm cây gấc, gia đình tôi đã trồng trên 100 gốc. Năm đầu tiên, đã thu được gần 7 tạ quả, bán được trên 2 triệu đồng. Dự kiến năm nay gia đình sẽ thu được khoảng 20 tạ quả, với giá mà các đơn vị thu mua đưa ra là khoảng 3.000 đồng/kg. Sắp tới, tôi sẽ trồng thêm khoảng 100 gốc nữa. Từ 4 hộ trồng thí điểm, các hộ xung quanh thấy được hiệu quả kinh tế từ cây gấc nên nhiều hộ đã tự lấy giống về trồng. Đến nay, toàn phường có khoảng 30 hộ trồng diện tích gần 20 sào.

 

Về kỹ thuật trồng, chăm sóc gấc, ông Phạm Quý Dương, ở tổ 3 cho biết: Cây gấc phải trồng vào mùa xuân, thời điểm từ tháng Giêng đến tháng 4 Âm lịch hằng năm, gấc leo giàn, ra hoa, kết trái từ tháng 5 đến tháng 8, gấc chín từ tháng 9 đến tháng 12 Âm lịch. Trước khi trồng phải đào hố rộng khoảng 60-80cm, sâu khoảng 25-40cm, đổ phân chuồng vào hố ủ mục trộn đều với NPK hoặc lân Lâm Thao rồi cho cây xuống trồng. Sau khi cây phát triển được từ 1-3 tháng tuổi dùng NPK trộn với phân chuồng ủ hoai mục để bón, đến khi ra quả lại tiếp tục bón thúc để quả mau lớn. Trong quá trình chăm sóc, nếu phát hiện cây có nấm trắng, dùng thuốc trừ sâu muội có nồng độ 5-7% phun vào lá cây, nếu trên thân xuất hiện bầu to thì dùng dao rạch ra để bắt sâu. Nếu trồng, chăm sóc tốt, thường xuyên giữ độ ẩm từ 50-60% khoảng 7 tháng sau khi trồng là gấc cho thu hoạch. Vòng đời của gấc rất dài, trồng 1 lần có thể thu hoạch trong vòng từ 8-10 năm.

 

Điều đáng mừng là, hiện nay đầu ra của quả gấc rất thuận lợi, ông Hòa cho biết thêm: Chúng tôi đã đến một số công ty sản xuất tinh dầu gấc, dầu ăn, dược phẩm trong nước như: Công ty Chế biến Dầu thực vật Việt Nam, Công ty Dược phẩm TW2... và nhận được câu trả lời là: Hiện các đơn vị rất thiếu nguyên liệu, nên nông dân có bao nhiêu sản phẩm chúng tôi sẽ thu mua hết bấy nhiêu. Tuy nhiên còn khó khăn nữa là các hộ trồng gấc trên địa bàn tỉnh chưa nhiều trong khi các đơn vị này chỉ thu mua với số lượng lớn nên sản lượng gấc mà nông dân có chưa thu hút được các đơn vị đến thu mua. Anh Nguyễn Văn Thái, tổ 3 cho biết: Gia đình trồng khoảng 70 gốc gấc, năm ngoái thu được khoảng 5 tạ quả, do số lượng ít nên gia đình vẫn phải đem ra chợ bán lẻ rất vất vả. Do vậy, cần có một trung gian đứng ra thu mua lẻ làm đầu mối cho các đơn vị sản xuất tạo điều kiện cho người dân trồng gấc đỡ vất vả.