Để nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào dân tộc Mông, từ năm 2005 đến nay, huyện Đồng Hỷ đã có nhiều giải pháp thực hiện như: Phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng…
Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có 9 bản thuộc 3 xã vùng cao là Tân Long, Văn Lăng, Quang Sơn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống (tổng số 428 hộ, 2.560 nhân khẩu). Trong đó có 8/9 bản xa trung tâm xã, đường giao thông đi lại khó khăn; 2 bản chưa có đường cho ô tô đi vào trung tâm là Bản Tèn (Văn Lăng) và Lân Đăm (Quang Sơn); 4 xóm chưa có điện thắp sáng… Những năm qua, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, 100% hộ dân thiếu ăn từ 2-6 tháng trong năm.
Huyện đã chỉ đạo các địa phương được hưởng Chương trình 135 quản lý tốt nguồn vốn, tích cực triển khai việc hỗ trợ cây, con giống, vật tư sản xuất của Nhà nước đến bà con; tổ chức các lớp chuyển giao KHKT cho người dân. Cũng nhờ sử dụng vốn Chương trình 135 của Chính phủ hiệu quả, huyện đã cải tạo và làm mới được 4,1km đường giao thông phục vụ việc đi lại của bà con; xây dựng và cải tạo 9 phòng học, 2 nhà ở của giáo viên, nhà bán trú cho học sinh và 3 nhà sinh hoạt cộng đồng với giá trị hàng chục tỷ đồng ở 3 các xã vùng cao. Thực hiện Quyết định 134 của Chính phủ, huyện đã hỗ trợ làm 722 nhà, 768 công trình nước sạch phân tán, 7 công trình nước sạch tập trung với trị giá trên 7 tỷ đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 9 bản người dân tộc Mông kể trên. Ngoài ra, Đồng Hỷ còn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ các bản này; lồng ghép các chương trình dự án, chính sách để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xóm, xã thuộc các xã vùng cao; hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào. Theo đó, huyện đã tăng cường công tác phát triển Đảng ở các bản này; đưa các đơn vị bộ đội về bản để giúp đỡ bà con làm nhà, trồng các loại cây giống mới cho năng suất cao…
Anh Nguyễn Khắc Tân, Trưởng ban Dân vận Huyện uỷ Đồng Hỷ cho hay: Trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo, huyện cũng tạo điều kiện để bà con được hoạt động công khai, đúng pháp luật. Được biết, hiện nay, 100% hộ dân ở 9 bản người dân tộc Mông đều theo đạo Tin Lành, tập trung theo 3 hệ phái: Tin Lành miền Bắc Việt Nam, Tin Lành liên hữu cơ đốc và Tin Lành tự phát Dương Văn Mình. Tháng 9-2006, điểm - nhóm đạo Tin Lành miền Bắc Việt Nam ở bản Lân Quan (Tân Long) đã được cấp giấy chứng nhận sinh hoạt và được phép hoạt động công khai, trưởng nhóm là ông Đào Văn Trang, sinh năm 1974. Tháng 10-2008, điểm - nhóm đạo Tin Lành miền Bắc Việt Nam ở bản Mỏ Ba (Tân Long) tiếp tục được cấp giấy chứng nhận sinh hoạt, trưởng nhóm là ông Hồng Văn Dình, sinh năm 1978. Sau khi được cấp giấy chứng nhận, 2 điểm - nhóm đạo Tin Lành này đều thực hiện đúng nội dung đăng ký hoạt động. Mọi hoạt động đi vào nền nếp, phù hợp với pháp luật. Qua đó, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương nên đến nay, đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở Đồng Hỷ đã được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Hiện 8/9 xóm có đảng viên; cán bộ công tác mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội quần chúng. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đi sâu tìm hiểu, nắm chắc cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong các bản của đồng bào dân tộc Mông; cử cán bộ làm công tác dân vận đi học tiếng Mông để có thể nghe, nói thành thạo nhằm nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng cũng như vận động bà con tích cực ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch; củng cố tổ chức và bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Đảng, MTTQ và các đoàn thể ở các bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống; tiếp tục tăng cường công tác phát triển Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho bà con…