Cây nhãn ghép trên đất Tân Tiến

09:27, 26/11/2011

Những năm gần đây, cây nhãn đã được người dân xóm Tân Tiến, xã Quân Chu (Đại Từ)  lai tạo, chiết ghép cho sản lượng, chất lượng cao, bước đầu mang lại hiệu qủa kinh tế…

Chúng tôi đến Tân Tiến đúng dịp nhãn đang kỳ ra lộc. Dọc con đường mòn vào xóm còn khúc khuỷu, lởm chởm đá là một màu xanh non mởn của cơ man nào là nhãn. Được biết, người dân ở đây đa phần di cư từ các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn… lên xây dựng vùng kinh tế mới. Người Hưng Yên đã mang được giống nhãn đến trồng xen với cây chè từ khá sớm, nhưng chưa ai chú tâm, thu hoặch được chăng hay chớ. Nhưng trong mười năm trở lại đây, cây nhãn mới được người dân Tân Tiến đưa vào trồng đại trà vì nhận ra những đặc tính ưu việt của nó như dễ bảo quản, dễ tiêu thụ, phù hợp với  thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây sau khi họ đã thất bại khi đưa cây vải và một số cây ăn qủa khác vào trồng. Một số người dân trong xóm đã về Hưng Yên học hỏi thêm kỹ thuật chiết ghép giống nhãn mới để cây nhãn ra sai quả hơn, to hơn, mọng nước và ngọt sắc hơn. Đầu tiên chỉ một, hai hộ làm thử nghiệm, cho thấy hiệu qủa vượt trội, từ đó dân làng rỉ tai nhau cùng làm. Vụ thu qủa vừa qua, có không ít gia đình đã thu đến 50 triệu đồng từ vườn nhãn.

 

Trưởng xóm Tân Tiến 2 Nguyễn Khắc Lùn vui vẻ: Mùa nhãn qua rồi nhưng niềm vui trong lòng bà con vẫn còn đọng lại. Ghép nhãn mới phổ biến 3-4 năm gần đây, bắt đầu cho thu đã thấy năng suất và hiệu quả cao rõ rệt. Nhà tôi trồng hơn trăm cây nhưng mới ghép thử 5 cây, vừa bói quả lứa đầu đã thu về 6 triệu. Hiện tại, tôi đã tiến hành ghép toàn bộ, chăm bón tốt chỉ hai năm sau là có thể thu quả, thấy vui và tin tưởng. Nói rồi anh dẫn chúng tôi đến thăm nhà bác Nguyễn Đình Miêng, gia đình trồng nhãn nhiều nhất, thu nhập từ nhãn cao nhất xóm. Là thương binh hạng ¾, hai người con lại bệnh tật quanh năm, bác Miêng trồng nhãn thay thế cây chè từ hơn 10 năm nay. Cách đây 4 năm, trong một lần về Hưng Yên thăm anh em, bác biết đến hiệu quả của việc ghép nhãn. Là người đi tiên phong, bác Miêng đã mạnh dạn đầu tư ghép toàn bộ 300 cây nhãn trên diện tích 3ha đất vườn với các giống nhãn Miền, nhãn Hà Tây (gồm 2 loại T2 - T6)… tùy cây tán to, nhỏ mà mức độ ghép cũng khác nhau, khoảng từ 30 - 100 mắt. Mắt ghép được mua với giá 3 ngàn/mắt, tự tay ghép nên chi phí cho việc này không lớn. Vụ nhãn vừa qua, toàn bộ 300 cây đều cho thu hoạch. Đầu và cuối mùa bác bán 30 ngàn/kg, khi rộ cũng 20 ngàn/kg. Cây cho lượng quả cao nhất gần 150 kg, tính chung vườn nhãn cho 3 tấn quả, thu hơn 50 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí bác thu lãi hơn 30 triệu.

 

Quả nhãn ghép to và nặng, chỉ 40 - 45 quả/kg, rất được ưa chuộng vì độ ngon, ngọt và dễ bảo quản. Vỏ nhãn ghép dày và mịn nên ong, kiến khó châm, thời gian thu hái, bảo quản được lâu hơn. Nói về hiệu quả của nhãn ghép, bác Miêng tỏ vẻ phấn khởi: Cuộc sống trước đây khó khăn lắm, cái ăn nhiều khi không đủ. Nhưng nhờ nhãn mà 2 năm nay gia đình tôi đã thoát nghèo, đời sống thoải mái và dư dặt hơn. Hiện gia đình tôi vẫn kết hợp trồng nhãn xen chè.Thu hoạch nhãn xong phải tỉa cành, bón phân, cuối năm cây chuẩn bị ra hoa là ngừng chăm bón. Từ khi ra hoa đến khi thu trái mất 7 tháng.

 

Chị Nguyễn Xuân Đài, xóm Tân Tiến 1 có 1ha đất vườn. Trước đây 100 cây nhãn chỉ cho thu nhập từ 2 - 3 triệu mỗi năm. Năm 2009, gia đình chị đưa vào ghép thử 6 cây, số tiền mua mắt ghép chỉ 1 triệu đồng. Năm nay 4 cây cho thu quả, chị thu về gần 10 triệu đồng. Hiện tại số nhãn trong vườn đã hơn 200 cây, chị đang dự định ghép hết số cây còn lại trong năm tới. “Nhãn ghép chăm sóc đúng kỹ thuật thì năm nào cũng cho quả chứ không bọp bẹp như nhãn cỏ. Cây nhãn có tuổi thọ đến mấy chục năm nên giá trị kinh tế là lâu dài. Nếu hạch toán chi li, trồng nhãn dễ chăm sóc mà hiệu quả cao hơn trồng chè, trồng lúa gấp nhiều lần. Có điều kiện đầu tư, phát triển, sản phẩm làm ra có chất lượng tốt và thị trường ổn định thì đời sống khá giả chẳng còn là chuyện xa vời với chúng tôi nữa” - chị Đài chia sẻ.

 

Chỉ vài tháng nữa cây nhãn sẽ cho lộc đợt 2, một mùa hoa quả mới lại được khai sinh trên đất cằn. Nhãn ghép chiếm ưu thế vượt trội và chứng tỏ hiệu quả kinh tế cao, hy vọng về sự khấm khá, no đủ đang rạo rực trong lòng người dân hai xóm Tân Tiến. Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Quân Chu Triệu Hồng Văn cho biết: 2 xóm Tân Tiến có tổng 81 hộ dân, gần 300 nhân khẩu, hầu hết các hộ đều trồng nhãn, ít cũng từ 100 cây trở lên. Vụ nhãn mới thu năm nay, nhãn ghép có hiệu quả khả quan, mang lại giá trị kinh tế cao khiến bà con rất hào hứng. Xác định nhãn ghép là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo trên những khu vườn đất đá, chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết sức hỗ trợ vốn, tổ chức phổ biến kiến thức KHKT, trong thời gian tới sẽ tích cực tìm đầu ra sản phẩm cho bà con… tôi tin tưởng sẽ có nhiều đổi thay đến với vùng đất này trong nay mai.