Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và từng bước tiến tới sản xuất hàng hóa là hướng phát triển kinh tế đang mang lại nhiều hiệu quả ở xã Nam Tiến (Phổ Yên). Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 109/1.940 hộ, giảm 300 hộ so với năm 2008...
Về xã Nam Tiến mùa này, ngoài màu xanh của lúa, rau màu, chúng tôi còn thấy có màu trắng của hoa loa kèn, sắc vàng rực rỡ của những bông hoa cúc. Bà Lâm Thị Thắng, người xóm Núi 2, xã Nam Tiến cho biết: Nhà tôi có gần 2 sào đất chân ruộng cao. Trước đây, vào vụ xuân thường bị thiếu nước tưới nên năng suất lúa chỉ đạt 1,2 tạ/sào. Từ năm 2010, nhà tôi đã chuyển từ cấy lúa sang trồng hoa các loại như: Lyly, cúc, đồng tiền... Mùa nào hoa nấy, quanh năm đều có thu nhập. Mỗi vụ, nhà tôi cũng thu được 14 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Năm 2012 vừa qua, chúng tôi đã trồng thử nghiệm giống hoa Tuylyp bán vào dịp Tết Nguyên Đán, rất đắt hàng. Tết năm nay, tôi sẽ tiếp tục trồng loại hoa chất lượng cao này để tăng thu nhập.
Được biết, từ năm 2010 trở lại đây, không chỉ riêng gia đình bà Thắng mà rất nhiều hộ dân trên địa bàn xã Nam Tiến năng động, nhạy bén trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Toàn xã hiện có gần 50 hộ chuyển từ cấy lúa sang trồng hoa các loại, với tổng diện tích gần 7ha. Tháng 4/2013, các hộ dân trong xã đã thành lập hợp tác xã trồng hoa Nam Tiến nhằm hỗ trợ nhau về kỹ thuật và liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó, một số chân ruộng cao, bà con đã chuyển sang trồng rau ngót cho thu hái quanh năm. Chị Đinh Thị Liễu, ở xóm Trường Thịnh cho biết: Nhà tôi trồng 2 sào rau ngót, cứ khoảng 15 ngày là được thu hái một lứa. Mỗi tháng, nhà tôi thu được 5 triệu đồng. Trồng rau ngót không mất nhiều công chăm sóc, lại dễ tiêu thụ.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Quý, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Nam Tiến là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn của huyện, hơn 710ha. 85% số hộ dân trong xã sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Tuy nhiên, vài năm trước đây, đời sống của nhiều hộ dân còn gặp nhiều khó khăn do chưa biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thêm vào đó là thiếu vốn... Trước thực tế trên, để giúp các hội viên có thêm kiến thức áp dụng vào sản xuất, hằng năm, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tổ chức từ 6-8 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hơn 400 lượt hội viên tham gia. Ngoài ra, Hội còn đứng ra tín chấp từ các Ngân hàng: Chính sách - Xã hội và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cho hơn 200 hộ vay với số tiền gần 5 tỷ đồng. Cùng với đó, chúng tôi cũng phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức trồng thử nghiệm các mô hình mới như: trồng hoa chất lượng cao ở xóm Trường Thịnh; chuối Tiêu Hồng, chè cành ở xóm Hạ và xóm Núi; sản xuất lúa thuần chất lượng cao ở xóm Đồi...
Cùng với phát triển cây màu các loại, xã Nam Tiến cũng đã vận động bà con thay thế những giống lúa dài ngày bằng những giống ngắn ngày cho năng suất cao như: GS9, Syn 6, VN24, Nhị ưu 838… Vì vậy, năng suất lúa của xã hiện đạt 55 tạ/ha, tăng 6 tạ/ha so với năm 2008. Nếu như trước đây, trong cơ cấu mùa vụ, lúa mùa trung và mùa muộn thường chiếm tới 45% diện tích thì nay, xã đã vận động bà con chuyển toàn bộ diện tích này sang cấy lúa mùa sớm để sản xuất vụ đông. Các loại cây vụ đông có năng suất cao, phù hợp với đồng đất của địa phương được đưa vào gieo trồng như: Ngô lai, khoai tây, cà chua, súp lơ… với diện tích trên 200ha đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh thâm canh cây trồng, bà con trong xã cũng tích cực đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Xã hiện có hơn 40 hộ nuôi lợn với quy mô trung bình 30 con/lứa và 100 hộ nuôi gà với quy mô từ 500 đến 3.000 con/lứa, cho thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhờ năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện hệ số sử dụng đất của xã đã là 2,8 lần/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp của xã đã đạt 75 triệu đồng/ha/vụ, tăng 25 triệu đồng/ha so với năm 2008; thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu đồng/người/năm, tăng 10 triệu đồng/người/năm so với năm 2010. Đồng chí Trần Anh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó tưởng Ban Thường trực xây dựng nông thôn mới xã Nam Tiến cho biết: Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục triển khai các chương trình như: Trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, trồng hoa trong nhà lưới, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn... để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm giảm chi phí về công chăm sóc và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Với thành công bước đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây , vật nuôi đúng hướng, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương. Đây cũng là tiền đề vững chắc để Nam Tiến sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào năm 2015.