Chủ động chống hạn vụ xuân

15:23, 26/12/2016

Vụ xuân năm 2017 được dự báo có ít ngày rét, lượng mưa cũng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%. Vì vậy, hạn hán có thể xảy ra cục bộ ở nhiều nơi trong tỉnh, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp - PTNT tỉnh đang phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp nhằm chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất.

Vụ xuân năm 2016, toàn tỉnh có gần 6 nghìn ha cây trồng bị hạn, tập trung nhiều ở các huyện Võ Nhai 1.600ha, Đại Từ 905ha, T.P Thái Nguyên 915ha... Để chuẩn bị ứng phó với hạn hán trong vụ xuân năm 2017, năm 2016, từ nguồn cấp bù thủy lợi phí và hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa, T.P Thái Nguyên đã đầu tư 6,2 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa 12 công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương nội đồng ở các xã: Phúc Hà, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Tân Cương, Thịnh Đức, phường Cam Giá, Tích Lương; đồng thời, nâng cấp 3 trạm bơm phường Quan Triều, Quang Vinh và Tích Lương. Đi thực tế tại hồ Cây Si, xã Phúc Xuân, chúng tôi quan sát thấy mực nước hồ năm nay khá dồi dào, không có tình trạng rò rỉ hay thất thoát nước.

 

Chị Nguyễn Thị Anh Vân, cán bộ quản lý vận hành hồ cho biết: Hiện nay, hồ đã được sửa chữa mặt đập, đuôi tràn, nhà quản lý và hơn 2,1km kênh mương. Ngay từ đầu tháng 8, chúng tôi đã chủ động tích nước tại hồ để phục vụ sản xuất. Hiện nay, hồ đạt 100% dung tích thiết kế, có khả năng cung cấp nước tưới cho 160ha lúa và hoa màu của xã Phúc Xuân.

 

Còn tại hồ Núi Cốc, một trong những công trình đầu mối cung cấp nước, công tác theo dõi, quản lý nguồn nước cũng được tiến hành chặt chẽ. Chị Dương Thị Phương Liên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên cho biết: Hiện nay, mực nước hồ Núi Cốc đang ở cos 44,97m, thấp hơn 1,2m so với cùng kỳ năm ngoái. Ngày 20-12, Công ty đã có thông báo lịch đóng, mở nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt 6 tháng đầu năm 2017. Theo đó, tùy từng thời điểm, Công ty sẽ mở nước kênh chính, kênh giữa và mở nước trên toàn hệ thống với lưu lượng từ 3-19m3/giây. Hiện, Công ty đang quản lý 39 hồ chứa, 37 đập dâng, 4 trạm bơm tưới và 1 trạm bơm tiêu, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho trên 62 nghìn ha lúa, rau màu và cây công nghiệp. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất vụ xuân 2017, ngay từ đầu mùa mưa, Công ty đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực tiếp quản lý công trình chủ động tích nước để đạt dung tích thiết kế.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, trong tổng số 39 hồ chứa lớn ở toàn tỉnh, có 32 hồ đạt trên 80% dung tích thiết kế, cơ bản đủ nước phục vụ sản xuất. Còn lại một số hồ nhỏ như: Đầm Chiễu, xã Phú Thịnh (Đại Từ), Hố Cóc, xã Tân Kim (Phú Bình), Nà Mạt, xã Ôn Lương (Phú Lương), Cây Thị, xã Cây Thị, Kim Cương, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ), Lòng Thuyền, xã La Hiên (Võ Nhai)... trữ nước chỉ đạt dưới 50% dung tích thiết kế, nếu không có mưa bổ sung và mưa trong quá trình sản xuất, sẽ không cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất. Ngoài ra, tại các đập dâng như: Tân Thái (Định Hóa), Rừng Chùa, Vai Cái, Vực Cảnh (Đại Từ)... nguồn nước chủ yếu phụ thuộc vào lượng nước sinh thủy trên các sông suối. Tại các khu vực này có khả năng xảy ra hạn hán trên diện rộng.

 

Anh Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: Đầu tháng 12, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi sau mùa mưa để chủ động khắc phục, xử lý các sự cố hư hỏng, tránh làm ảnh hưởng đến việc tích trữ nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có, chống rò rỉ, thất thoát nước. Các hồ chứa chỉ được tháo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, không tháo nước phục vụ mục đích nào khác. Ngoài ra, Chi cục còn tổ chức tập huấn công tác quản lý, vận hành an toàn các hồ chứa cho cán bộ thủy nông.

 

Cùng với việc quản lý chặt chẽ nguồn nước ở các hồ chứa lớn, ngành Nông nghiệp cũng đang chỉ đạo các địa phương kiểm tra, đánh giá nguồn nước hiện có để bố trí diện tích, cơ cấu, thời vụ gieo trồng hợp lý. Đối với những diện tích trồng lúa nước, trường hợp không đảm bảo đủ nước tưới, các địa phương cần có phương án chuyển sang trồng màu sử dụng ít nước hơn. Cùng với đó, tổ chức nạo vét, tu sửa kênh mương nội đồng, đảm bảo phục vụ hiệu quả tưới tiêu. Các địa phương cũng cần chỉ đạo các hộ dân sử dụng nguồn nước khoa học, tiết kiệm, hợp lý, giữ nước tại các chân ruộng, không để chảy tràn lan. Đồng thời, chủ động chuẩn bị phương án lắp đặt các trạm bơm dã chiến, huy động các máy bơm dầu để tận dụng hết nguồn nước tại các sông, suối, ao, nhằm đảm bảo việc bơm nước phục vụ sản xuất trong trường hợp mực nước sông, kênh chính hạ thấp.