Ở vùng “rốn chè” của huyện Định Hóa - xã Bình Yên, ông Nguyễn Đức Hạnh ở xóm Yên Hòa luôn là người đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật; đưa máy móc vào phục vụ sản xuất; thiết kế lại nương bãi; thay thế diện tích chè già cỗi bằng chè giống mới và chế biến chè chất lượng cao. Nhưng khi được hỏi về những thành quả của mình, ông khiêm tốn: Đơn giản, vì tôi là nông dân.
Ông Ngô Xuân Điển, Chủ tịch UBND xã Bình Yên nói: Những việc làm như ông Hạnh tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Vì ông có nghị lực, làm việc gì cũng quyết tâm, có kết quả thì phổ biến cho bà con cùng làm. Còn bà Trần Thị Văn, chủ hộ sản xuất chè ở xóm Yên Hòa chia sẻ: Không chỉ lo cho mình, ông Hạnh còn lo nhiều việc chung, hiện ông làm Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm, công an viên và làm Phó Giám đốc Hợp tác xã Yên Hòa.
Nhìn màn trời ướt sũng mưa xuân, tôi cảm nhận không khí như ngưng lại, chén chè ngọt hậu dìu câu chuyện giữa chúng tôi về miền hoài niệm. Từ năm 1965, hạt chè được đặt xuống vùng đất này, trở thành cây kinh tế mũi nhọn, gắn bó với đời sống mưu sinh người dân nơi đây. Yên Hòa không có ruộng, chỉ có chè và chè. Nhưng trong suốt một thời gian dài, người trồng chè ở Yên Hòa phải sống đời lận đận. Chè tốt đầy đồi nhưng bụng dân chưa no, áo chưa lành vì thời buổi “ngăn sông cấm chợ”. Phải đến khoảng năm 1990, nghề trồng chè ở Yên Hòa mới dần khởi sắc hơn nhờ người dân được làm chủ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Điều ông Hạnh trăn trở đến mất ngủ là việc nhà có hơn 10 sào chè, hái, bán quanh năm mà chẳng mấy khi trong tủ có tiền dư. Ông quyết định “khăn gói quả mướp” đến một số vùng chè trong tỉnh “học khôn”. Nhờ vậy ông nhận ra: Gia đình ông cũng như các hộ dân Yên Hòa đều có tố chất chăm chỉ, chịu khó, nhưng vì cách thức sản xuất chưa phù hợp, hầu hết các hộ hái chè về, sao tái, mang vò rồi đổ ra phơi nắng, bán được từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Trong khi chè của nơi khác có giá bán cao hơn từ 10 lần trở lên
Lùa đôi tay vào mặt tán chè đầy búp tươi non, ông kể: Năm 2001 tôi thực hiện thiết kế lại tổng thể đất đai của gia đình. Trên đỉnh đồi tôi bỏ chè trồng keo, phần đất thấp bên dưới dành cho cây chè. Nhờ có rừng phía trên nên đất mầu không bị mưa rửa trôi, giữ được độ ẩm phù hợp cho cây chè phát triển. Để cây chè có tuổi thọ cao, đồng thời có sức đua búp, tôi đến các trang trại chăn nuôi trong huyện mua lại phân chuồng, thuê xe chuyển về bón lót xuống các lòng chè. Cũng từ bấy giờ gia đình tôi không phơi chè, mà mua máy sao, máy vò về làm, giá bán tăng lên hơn 100.000 đồng/kg. Nhiều hộ lân cận thấy chè của gia đình tôi được giá, đến xem, hỏi kinh nghiệm rồi cùng làm… Ngoài tự học, ông Hạnh còn chịu khó tham gia các lớp tập huấn liên quan đến cây chè do cán bộ chuyên môn của huyện phối hợp với địa phương tổ chức.
Biết ở các vùng chè của tỉnh, nhiều gia đình chuyển đổi diện tích chè già cỗi sang trồng chè giống mới cho năng suất, chất lượng cao, ông cũng mạnh dạn đầu tư trồng thay thế trên toàn bộ diện tích, chủ yếu giống chè LDP1, TRI 777 và chè Thúy Ngọc. Nhằm tăng năng suất lao động, năm 2007, ông về T.P Thái Nguyên mua 1 máy thu hoạch chè và tiếp tục mua thêm 1 máy vào năm 2008. Ông kể: 1 máy thu hoạch trong ngày được hơn 500kg. Ngoài chè của nhà, tôi còn đi thu hoạch giúp cho các hộ. Song 3 năm sau tôi nhận thấy việc thu hoạch chè bằng máy vừa hại cây, chè thành phẩm làm ra có giá bán không cao, nên quyết định cất máy vào kho, trở lại với cách thu hái truyền thống.
Nhờ những thay đổi phù hợp, từ 3 năm trở lại đây, 10 sào chè mang lại cho gia đình ông 250 triệu đồng/năm, gấp 2-3 lần những năm trước đó. Không chỉ thành công trong làm kinh tế, giờ đây, ngôi nhà của ông Hạnh ngày nào cũng có bạn trà. Người là tư thương về mua chè; người là cán bộ khoa học kỹ thuật về phối hợp với ông xây dựng mô hình sản xuất sạch; người là nông dân trồng chè đến trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm giàu… Ông không ngần ngại, sẵn lòng chia sẻ để cùng nhau xây dựng thương hiệu chè Yên Hòa.