Với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững cộng đồng làng xã, giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, từ năm 2017, Tổ chức Global Civic Sharing (GCS Hàn Quốc) triển khai dự án “Ngôi làng hy vọng” tại 2 xã Liên Minh và Tràng Xá (Võ Nhai). Với những hộ nghèo nơi đây, Dự án không chỉ trợ lực giúp họ vượt qua khó khăn mà còn trao “cần câu” giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Dự án “Ngôi làng hy vọng” tập trung vào các hộ nghèo với 2 nội dung chính: Hỗ trợ vốn vay mua trâu (Dự án ngân hàng trâu và quản lý) và chương trình tập huấn nâng cao năng lực, thúc đẩy tinh thần tự lập, tự chủ của người nông dân. Đối với Dự án ngân hàng trâu và quản lý, mỗi hộ được vay 26 triệu đồng, lãi suất 2%/năm (trong vòng 3 năm) để mua trâu sinh sản.
Chị Trần Thị Ca, ở xóm Vang, xã Liên Minh, một trong những hộ dân được hỗ trợ bởi Dự án chia sẻ: Chồng tôi mất từ lâu, một mình tôi nuôi hai con ăn học, cuộc sống rất khó khăn. Khi biết mình nằm trong danh sách được vay vốn mua trâu từ Dự án, tôi mừng lắm. Từ con trâu giống ban đầu, đến nay, đàn trâu của nhà tôi đã phát triển thành 4 con, con nào con đấy đều béo tốt, khỏe mạnh. Tính ra, tôi hiện có tài sản trị giá trên 100 triệu đồng. Tôi dự tính nuôi trâu thêm vài tháng nữa rồi bán lấy tiền đóng học cho con, sửa sang nhà cửa và đầu tư phát triển kinh tế.
Niềm vui của chị Ca cũng giống như nhiều hộ dân khác được hỗ trợ bởi Dự án “Ngôi làng hy vọng”. Ông Nguyễn Hữu Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Liên Minh là xã 135, với 1.150 hộ dân, 5.024 nhân khẩu, trong đó, 60% là người dân tộc thiểu số. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm tới 21%. Sau nhiều lần rà soát điều kiện, nguyện vọng của người dân, xã có 39 hộ nghèo đủ điều kiện được vay vốn Dự án, với tổng số tiền là trên 1 tỷ đồng.
Với lợi thế sẵn có là khu chăn thả, nguồn thức ăn dồi dào nên khi triển khai, Dự án nhận được sự đồng tình của người dân địa phương. Các hộ đều mua trâu theo đúng hợp đồng đã cam kết; được tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, cách làm chuồng trại; được hỗ trợ xử lý kịp thời các vấn đề xảy ra trong quá trình nuôi. Nhờ vậy, đàn trâu phát phát triển tốt. Đến nay, không những hoàn trả cả vốn lẫn lãi cho Dự án, nhiều hộ đã có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, sửa chữa nhà ở, chăm lo cho con cái học hành. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Đến nay, 90% các hộ tham gia Dự án đã thoát nghèo.
Đối với xã Tràng Xá, sau khi rà soát, địa phương có 32 hộ dân đủ điều kiện tham gia Dự án. Bà Chu Thị Lệ Hiền, Chủ tịch UBND xã thông tin: Đa số các hộ chăn nuôi đều mang lại kết quả tốt, đàn trâu phát triển khỏe mạnh. Một số hộ gặp rủi ro đều được Dự án hỗ trợ, xử lý kịp thời. Chúng tôi thấy cách làm của Dự án khoa học, bài bản, phù hợp với nguyện vọng, thúc đẩy tinh thần vượt khó của người dân.
Cụ thể, thay vì hỗ trợ không hoàn lại, Dự án cho vay với mức lãi suất thấp; rà soát từng hộ nghèo để chọn ra những gia đình thực sự có nhu cầu nuôi và mong muốn thoát nghèo; lập Ban quản lý Dự án xã gồm Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND, đại diện Hội nông dân hoặc Hội Phụ nữ, thú y viên, nhân viên kế toán ngân sách để đồng hành, theo dõi sát sao quá trình chăn nuôi của các hộ vay vốn. Cán bộ Dự án trực tiếp kiểm tra tình trạng phát triển kinh tế định kỳ 2 lần/năm; hỗ trợ các hộ giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình nuôi theo các điều khoản hợp đồng thỏa thuận, vì vậy người dân rất yên tâm.
Được biết, nguồn vốn của Dự án "Ngôi làng hy vọng" là từ nguồn tài trợ của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Phần vốn hoàn lại sẽ được Tổ chức GCS tiếp tục sử dụng để hỗ trợ phát triển Ngân hàng trâu tại địa phương đã tiếp nhận và khu vực khác, hoặc sử dụng để đóng góp cho “Dự án phát triển nông thôn mới” của tỉnh.