Kiểm soát tăng trưởng tín dụng

08:50, 12/09/2016

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% đến 20% trong năm 2016, các ngân hàng thương mại (NHTM) đang tích cực "bơm" vốn ra nền kinh tế. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý và các NH cũng thực hiện các biện pháp kiểm soát thận trọng dòng chảy vốn này.  

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn

 

Từ cuối quý III, nhiều gói tín dụng hạn mức hàng nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi đã được các NHTM “chào mời” tới nhóm doanh nghiệp (DN) thuộc năm lĩnh vực ưu tiên, nhất là nhóm DN vừa và nhỏ. Đơn cử, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) dành 14 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tài chính cho các DN vừa và nhỏ, lãi suất từ 7,5%/năm. Riêng các ngành nghề như dệt may, da giày, chế biến lương thực và thực phẩm, cao-su, nhựa được NH này áp dụng lãi suất chỉ từ 7%/năm và được duy trì ổn định trong suốt năm 2016. Hay như mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng công bố gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi bằng USD đối với DN xuất khẩu, thực hiện từ nay đến hết năm 2016 với lãi suất áp dụng là 2,35% đến 2,8%/năm. Theo Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê, NH đã thực hiện kết nối với các Hiệp hội DN và phân tích từng nhóm ngành hàng để đưa ra những sản phẩm dịch vụ NH tiện ích, phù hợp với từng nhóm ngành hàng của các DN vừa và nhỏ.

 

Cũng là đối tượng và phân khúc được ưu tiên, các DN vừa và nhỏ đang được Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) triển khai cho vay ngắn hạn với lãi suất bằng đồng Việt Nam (VND) từ 6,71%/năm, lãi suất USD từ 2,68%/năm và ưu đãi 20% đến 50% phí dịch vụ cho các DN nhập khẩu. Còn tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), 1.000 tỷ đồng cũng được dành cho vay ngắn hạn với các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và xây dựng để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không cần tài sản bảo đảm. Cùng với việc triển khai các gói tín dụng một cách chủ động từ các NHTM, mới đây, theo sự chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ DN theo Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ cũng được triển khai mạnh mẽ hơn trong toàn hệ thống. Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) phải nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng. “NHNN chi nhánh các tỉnh có thể chủ động tổ chức hoặc phối hợp các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh để có những hội nghị kết nối nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN một cách thiết thực”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.

 

Định hướng dòng chảy vốn

 

Việc tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm kích thích khách hàng vay vốn, cho thấy mục tiêu đưa thêm vốn ra nền kinh tế từ các NHTM khá rõ ràng. Nhưng cũng với mục tiêu định hướng điều hành từ cơ quan quản lý, có thể thấy dù tăng nhưng dòng chảy vốn đã và đang được nắn chỉnh, kiểm soát một cách chặt chẽ. Theo thông tin mới nhất từ NHNN, đến ngày 29-7, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, huy động vốn tăng 9,94% (huy động bằng VND tăng 12,28%, bằng ngoại tệ giảm 6,25%) so cuối năm 2015. Thanh khoản của TCTD tiếp tục được bảo đảm và có dư. “Về tăng trưởng tín dụng, đây là năm thứ hai tín dụng đã tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm và đến ngày 19-8, tín dụng đã tăng 8,78% so cuối năm 2015, không bao gồm trái phiếu. Điều này cũng cho thấy một lượng vốn lớn của hệ thống NH đang chảy vào nền kinh tế”, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tiến Đông nhận định.

 

Cơ cấu dòng vốn tín dụng thời gian qua đã được tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, góp phần tác động tích cực đến chu kỳ sản xuất những tháng cuối năm của DN. Trong đó, riêng với tín dụng nông nghiệp nông thôn, chưa tính dư nợ cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đã tăng 6,7% trong gần tám tháng qua. Dòng vốn tiếp tục được các NH triển khai cho vay và đã xuất hiện các mô hình sản xuất mới, các mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi trong nông nghiệp,… Những mô hình này cũng sẽ được nhân rộng nhiều hơn nữa khi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) dành gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất 5,5%/năm cho năm đối tượng ưu tiên. Theo Phó Tổng Giám đốc Agribank Trương Ngọc Anh, nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được kiểm soát và chỉ xoay quanh mức 1%. “Hiện nay, nếu tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế xấp xỉ 5 triệu tỷ đồng, thì các lĩnh vực ưu tiên chiếm hơn 50% dư nợ. Nhưng tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực ưu tiên chỉ khoảng từ 0,3% đến 0,5%, thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ lệ nợ xấu nói chung”, đại diện lãnh đạo NHNN cho biết thêm.

 

Cũng theo vị đại diện lãnh đạo NHNN, định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH trong những tháng cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng không chủ quan với diễn biến lạm phát. Trong đó, một trong những giải pháp được NHNN tập trung thực hiện là kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD, bảo đảm an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, khởi sự DN; kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng. Cùng với đó, những quy định chặt chẽ hơn về an toàn vốn đối với các khoản cho vay trung, dài hạn và cho vay bất động sản cũng buộc các NH phải thận trọng hơn khi cấp tín dụng. “Các dự án, các lĩnh vực rủi ro, thí dụ như bất động sản, chứng khoán, thì trong định hướng chỉ đạo của ngành là nắn chỉnh những dòng vốn này để bảo đảm cho việc các NHTM hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro phát sinh”, Vụ trưởng Nguyễn Tiến Đông khẳng định.

 

Ngoài ra, cũng theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), với mức tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 9% tính đến thời điểm này thì việc tăng tiếp khoảng 10% trong bốn tháng cuối năm nữa hoàn toàn có thể đạt được.

 

Thực tế hiện nay, nhiều NH đang sử dụng gần hết room tăng trưởng tín dụng. Đơn cử như tại NH Quân đội (MB), đến thời điểm này, tín dụng NH tăng 16%, trong khi chỉ tiêu được giao là 20%. MB đã kiến nghị NHNN cho phép được nới room. Cùng với MB, một số NH khác cũng đã đề xuất cơ quan quản lý cho phép nới room tín dụng. Mặc dù chưa thông báo chính thức về việc nới room này, nhưng theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, mức tăng trưởng tín dụng hiện tại là phù hợp với chỉ tiêu định hướng của NHNN. Từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD để bảo đảm an toàn, hiệu quả và sẽ chỉ tăng ở mức 18% đến 20%.