Dùng thuốc nổ “dọa” công an: Báo động về sự liều lĩnh

13:54, 03/08/2012

Phòng bao giờ cũng quan trọng hơn chống. Nhưng khi nguồn chất nổ chưa được quản lý chặt, thì chỉ có thể chống mà khó phòng.

Trong những ngày qua, một vụ việc thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận là việc nhà của Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa bị đặt thuốc nổ. Vụ án đã được phá và nghi can chính cũng đã bị bắt và bước đầu nhận tội. Nói như nạn nhân- Đại tá Trần Ngọc Khánh, lực lượng điều tra đã tìm ra cái ác và chắc chắn cái ác phải đền tội.

 

Hồi đầu năm cũng từng xảy ra vụ việc tương tự khi căn hộ của Đại tá Nguyễn Như Tuấn, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên bị đặt thuốc nổ và gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Theo cơ quan cảnh sát điều tra, thuốc nổ được sử dụng trong vụ nổ này là thuốc nổ TNT và sức công phá lớn. Vụ việc nghiêm trọng đến mức, một lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45 – Bộ Công an) phải nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi đánh giá đây là một vụ khủng bố nghiêm trọng”.

 

Nhắc đến những vụ việc có “tính chất khủng bố” như trên, có thể nhắc đến vụ đặt mìn tại nhà riêng của Chánh án TAND huyện Hoằng Hóa Nguyễn Thanh Bình - thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, vào tháng 2 vừa qua. Rất may, do nhà ông Bình xây kiên cố, kín cổng, cao tường nên không gây ảnh hưởng về người do cả gia đình ông Bình nằm ngủ trong nhà, cách xa vị trí nổ.

 

Tính chất nghiêm trọng của các vụ án hình sự trên đã rõ, song những nhận định ban đầu hay lời khai của thủ phạm khiến nhiều người không thể không giật mình.

 

Theo đó, Nguyễn Viết Trương khai nhận trực tiếp gây ra vụ nổ nhằm vào chính Đại tá Trần Ngọc Khánh- Giám đốc Công an Khánh Hòa nhằm làm tê liệt hoạt động chỉ đạo công tác điều tra quyết liệt gần đây của Công an tỉnh Khánh Hòa đối với các hoạt động làm ăn phi pháp của Công ty TNHH Sông Mã, chuyên khai thác đất, đá, cát sỏi, do Trương làm Giám đốc. Trương sợ cơ quan công an sẽ điều tra ra một số sai phạm trong quá trình làm ăn kinh tế của mình, trong đó có việc chứa thuốc nổ trái phép.

 

Nói một cách dễ hiểu, việc đánh thuốc nổ nhằm vào nhà vị thủ trưởng công an của một tỉnh để làm “chùn bước” lực lượng điều tra, cho những hoạt động phi pháp được “tung tăng” hoạt động!?

 

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, từ năm 2009 đến tháng 5/2012, cả nước đã xảy ra hơn 1.100 vụ chống người thi hành công vụ. Thậm chí, các đối tượng có hành động trắng trợn chống trả lại, gây thương vong cho các cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ. Và số vụ đặt thuốc nổ để đe dọa những người có vai trò điều hành, chỉ đạo việc đấu tranh phòng chống tội phạm dường như ngày càng xuất hiện càng nhiều, mà 3 vụ trong 7 tháng vừa qua đã nói lên điều đó.

 

Rõ ràng, đây là những hành động thể hiện sự coi thường kỷ cương, phép nước của một bộ phận người dân không tuân thủ pháp luật, và cần phải nghiêm trị.

 

Tuy nhiên, đằng sau hành vi chống người thi hành công vụ, qua những vụ nổ xảy ra thời gian qua, dư luận lại băn khoăn: Thuốc nổ khi được sử dụng bao giờ cũng gây hậu quả rất lớn, nhưng tại sao các đối tượng sử dụng dễ thế? Công tác quản lý vật liệu nổ có vấn đề?

 

Những vụ nổ nhằm vào những thủ tưởng đơn vị kể trên cùng với những vụ nổ mìn cướp tiệm vàng thời gian qua, thực sự đã gây chấn động dư luận. Những chi tiết vụ án được làm rõ cũng cho thấy các đối tượng mua thuốc nổ quá đơn giản và chế quả nổ cũng thật dễ dàng.

 

Vật liệu nổ gồm thuốc nổ, kíp nổ, dây cháy chậm thuộc mặt hàng Nhà nước quản lý nghiêm ngặt. Pháp luật đã có những quy định tương đối đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, trên thực tiễn, việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn nhiều lỏng lẻo.

 

Chỉ nhằm “dằn mặt” vị thủ trưởng công an Khánh Hòa, đối tượng đã dễ dàng tự tay chế mìn có độ sát thương cao và gây ra vụ nổ. Chắc chẳng ai dám hình dung, với 475 kíp nổ và 30,4kg thuốc nổ mà y tàng trữ trong nhà, khi cần, đối tượng có thể làm những gì.

 

Dự thảo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã được hoàn chỉnh và tại phiên họp thứ 41 ngày 30/6/2011, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá XII đã biểu quyết thông qua Pháp lệnh này trình Chủ tịch Quốc hội ký và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Tuy nhiên, liên tiếp nhiều vụ nổ xảy ra kể từ đầu năm tới nay cho thấy Pháp lệnh chưa được thực thi hiệu quả và nguy cơ gây mất trật tự an ninh xã hội là không hề nhỏ.

 

Công tác quản lý nguồn thuốc nổ có vấn đề là điều khỏi bàn cãi. Nhưng một khía cạnh khác cũng cần đặt ra: Người cung cấp chất nổ chịu trách nhiệm gì trong những vụ việc như vừa qua hay chỉ “mua bán xong tay”? Phòng bao giờ cũng quan trọng hơn chống, nhưng nguồn cung cấp không được quản lý chặt thì chỉ có thể chống mà khó phòng, vì khi cần, đối tượng có thể sử dụng “ngẫu hứng”. Cái gốc của vấn đề là đây./.