Thi hành án dân sự là khâu quyết định tính nghiêm minh của pháp luật vì giải quyết các bản án, quyết định của cơ quan toà án đã có hiệu lực pháp luật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các đương sự. Nhưng để hoàn thành được nhiệm vụ này, cán bộ của các cơ quan thi hành án dân sự trong tỉnh luôn phải bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án...
Công việc ngập đầu…
10.800 vụ việc phải thi hành là khối lượng công việc khổng lồ mà 55 chấp hành viên, cán bộ của cả ngành Thi hành án Dân sự tỉnh phải thực hiện trong năm 2014. Như vậy, 1 chấp hành viên của tỉnh phải thụ lý, giải quyết 196 vụ việc. Trong đó, số việc phải thi hành án tập trung chủ yếu tại một số Chi cục Thi hành án Dân sự, như: T.P Thái Nguyên (3.457 vụ việc); Đại Từ (1.194 vụ việc); Phổ Yên (1.192 vụ việc)… Ông Nguyễn Văn Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Phú Bình cho biết: “Năm nay, đơn vị phải giải quyết 1.049 vụ việc nhưng chỉ có 3 chấp hành viên. Số lượng vụ việc lớn như vậy nên 3 chấp hành viên trong đơn vị phải chia nhau cùng làm. Riêng cá nhân tôi vừa phải quản lý đơn vị, vừa phải đảm nhận giải quyết 500 vụ việc trên địa bàn 11/21 xã, thị trấn trong huyện”. Đối với Chi cục Thi hành án Dân sự T.P Thái Nguyên, năm 2014 phải thụ lý, giải quyết khoảng 40% số vụ việc của cả tỉnh và có nhiều vụ phức tạp, kéo dài do đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khiếu kiện nhưng cũng chỉ có 12 chấp hành viên trực tiếp giải quyết. Chia bình quân, 1 chấp hành viên ở Chi cục Thi hành án Dân sự T.P Thái Nguyên phải “gánh” gần 200 vụ việc/năm. Chấp hành viên của 7 đơn vị Thi hành án Dân sự cấp huyện khác của tỉnh cũng đang trong tình trạng “quá tải” về công việc chuyên môn do số vụ việc tồn đọng chưa giải quyết xong, số vụ việc mới chuyển sang từ cơ quan toà án, số vụ việc uỷ thác phải thi hành lại tăng so với năm trước...
Động viên, khuyến khích và “ép”
Để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, hàng năm, 10 cơ quan Thi hành án Dân sự trong tỉnh đều phát động các phong trào thi đua, tổ chức để cán bộ, chấp hành viên đăng ký danh hiệu thi đua; có nhiều hình thức động viên, khuyến khích cán bộ, nhất là các chấp hành viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh đó, lãnh đạo các cơ quan Thi hàn án Dân sự trong tỉnh đều phải tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với cán bộ trong quá trình thi hành nhiệm vụ chuyên môn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý hồ sơ, tiến độ giải quyết các vụ việc. Đại diện Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đồng Hỷ cho biết thông tin: Ngoài triển khai nghiêm túc các quy định của Ngành trong quá trình thực thi công vụ, đơn vị này đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hồ sơ, quy trình giải quyết các vụ việc. Thời gian đầu, các chấp hành viên có phần bị áp lực vì hồ sơ để quá hạn định máy tính sẽ tự độn bão lỗi, các bộ phận có trách nhiệm trong cơ quan buộc phải giám sát công việc lẫn nhau. Nhưng khi vận hành thành thục phần mềm công nghệ thông tin, kết quả giải quyết số vụ việc cao hơn, tinh thần trách nhiệm, phương pháp làm việc của từng cán bộ có sự thay đổi tích cực”. Mạnh dạn thay đổi phương pháp, cách làm nên đến hết tháng 10 năm 2014 (niên giám của ngành Thi hành án Dân sự tính đến hết tháng 10 hàng năm), Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đồng Hỷ đã thụ lý 898 vụ việc (trong đó có 629 vụ việc đủ điều kiện thi hành) và đã giải quyết xong 488 vụ việc, vượt gần 10% so với chỉ tiêu kế hoạch của Ngành giao. Các đơn vị khác thuộc Cục Thi hành án Dân sự tỉnh cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để đốc thúc cán bộ, chấp hành viên bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, chính quyền cấp xã trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án hay hoãn, đình chỉ thi hành án; tổ chức xét miễn, giảm thi hành án cho các đối tượng đủ điều kiện.
Không có khái niệm “hài lòng”
Năm 2014, ngành Thi hành án Dân sự tỉnh đã tiếp nhận mới 7.188 vụ việc (tăng 263 vụ việc so với năm 2013) và cộng thêm 3.612 việc tồn đọng từ những năm trước chuyển sang nên tổng số vụ việc phải giải quyết lên đến 10.800 vụ. Qua phân loại, xác minh, 10 cơ quan thi hành án đã tổng hợp được 8.017 việc có điều kiện thi hành với tổng số tiền trên 196,7 tỷ đồng. Kết thúc năm công tác, ngành Thi hành án Dân sự tỉnh đã thi hành xong 7.525 việc, đạt 93,8% số vụ việc có điều kiện thi hành, tăng 377 việc so với năm trước và vượt 1,86% so với kế hoạch Tổng cục Thi hành án Dân sự giao. Số việc chuyển sang năm 2015 là 3.275 việc, giảm 337 vụ việc so với năm 2013 chuyển sang năm 2014. Về tiền, ngành đã thi hành xong trên 170 tỷ đồng, đạt 86,6%, vượt 3,6% so với kế hoạch. Riêng về thi hành án đối với các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước năm 2014 đã đạt 18,6 tỷ đồng (vượt 4,2 tỷ đồng so với năm 2013). Số vụ việc liên ngành của tỉnh, gồm: Thi hành án Dân sự, Viện Kiểm sát Nhân dân, Toàn án Nhân dân tổ chức xét miễn, giảm trong năm 2014 được 452 việc, với số tiền trên 2,5 tỷ đồng, tăng 104 việc so với năm trước. Ông Dương Văn Quyết, Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh cho biết: “5 năm trở lại đây, ngành đều hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch cấp trên giao. Nhưng thú thực, chúng tôi không có khái niệm “hài lòng” với kết quả công việc chuyên môn, bởi số vụ việc tồn đọng của các đơn vị phải chuyển sang năm sau còn lớn; số vụ việc phức tạp có khiếu kiện tăng và số vụ việc buộc phải sử dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án vẫn còn. Thi hành án dân sự là lĩnh vực phức tạp nên chúng tôi rất mong cấp uỷ, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt để Ngành hoàn thành nhiệm vụ và giảm bớt áp lực cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác chuyên môn...”.