Sẽ mở chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng

08:39, 25/02/2016

Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng sẽ diễn ra từ tháng 3 đến hết tháng 10 năm 2016 trên quy mô toàn quốc.

Đây là thông tin từ hội thảo tham vấn triển khai Chiến dịch thanh tra lao động trong ngành xây dựng năm 2016 diễn ra ngày 24-2 tại Hà Nội.

 

Chiến dịch thanh tra này sẽ được Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các đối tác ba bên là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam thực hiện trong ngành xây dựng - lĩnh vực phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực xảy ra nhiều tai nạn lao động nhất trong thời gian vừa qua. Thông tin về tình hình tai nạn lao động sáu tháng đầu năm 2016 cho thấy, lĩnh vực xây dựng chiếm 30,4% tổng số vụ tai nạn và 37,8% tổng số người chết, là ngành nghề có số vụ và số người bị tai nạn lao động cao nhất trong các ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

 

Chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng năm 2016 hướng tới các mục tiêu như: Cải thiện tình hình tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động, chế độ cho người lao động, qua đó, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động; Nâng cao kiến thức của cán bộ quản lý và người lao động về thanh tra lao động ở cấp Trung ương và địa phương; Mở rộng phạm vi ảnh hưởng của hệ thống thanh tra lao động đối với việc áp dụng pháp luật lao động tại các doanh nghiệp, các công trường xây dựng.

 

Sự kiện năm nay mang tên “Tuân thủ quy định của pháp luật lao động để giảm thiểu tai nạn lao động tại các công trình xây dựng”.

 

Đối tượng để thực hiện công tác thanh tra là các công trình xây dựng và các doanh nghiệp thi công công trình xây dựng. Một số địa phương sẽ có sự tham gia trực tiếp của Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội theo kế hoạch thanh tra năm đã được phê duyệt.

 

Dự kiến, chiến dịch sẽ diễn ra trong gần tám tháng, kéo dài từ tháng 3 đến hết tháng 10 năm nay với hai cấu phần: các hoạt động tuyên truyền và các hoạt động thanh tra tại doanh nghiệp.

 

Hoạt động thanh tra sẽ chú trọng vào những vấn đề như Điều kiện làm việc, Những quy định chung về an toàn, vệ sinh lao động, An toàn lao động tại công trường xây dựng...

 

Hoạt động truyền thông và tuyên truyền tập trung vào các sự kiện như hội thảo ba bên diễn ra tại bốn tỉnh, thành phố thuộc bốn vùng trong cả nước, phát tờ rơi, áp-phích, sổ tay và các công cụ khác, truyền thông tới người lao động và người sử dụng lao động, trên phương tiện thông tin đại chúng...

 

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc thông qua thanh tra lao động” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hợp tác Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thực hiện.

 

Năm ngoái, Chiến dịch thanh tra lao động đã triển khai thí điểm trong lĩnh vực dệt may tại 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó, chương trình tế đã phát hiện gần 1.800 sai phạm trong lĩnh vực tiền lương, an toàn lao động… tại 152 doanh nghiệp dệt may. Lực lượng thanh tra đã lập biên bản với 19 doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, với tổng số tiền xử phạt là 594 triệu đồng.

 

Các doanh nghiệp nằm trong chiến dịch thanh tra lao động ngành dệt may có tổng số lao động dưới 1.000 người. Trong đó, tập trung vào nhóm doanh nghiệp có 250 - 500 người.

 

Được biết, đội ngũ thanh tra lao động trên cả nước hiện có gần 600 người.