Vướng mắc trong xử lý hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

07:58, 07/01/2018

Những vụ buôn lậu hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) quy mô lớn vào Việt Nam vừa bị triệt phá, cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Tuy nhiên, nhiều quy định pháp luật để xử lý còn sơ hở, khó thực hiện.

Thời gian qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp lực lượng hải quan các địa phương kiểm tra, bắt giữ xử lý 32 vụ buôn lậu hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, trị giá hàng khoảng 26 tỷ đồng. Điển hình mới đây, bốn công-ten-nơ hàng hóa mở tờ khai vận chuyển độc lập tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I, được khai báo là hàng bách hóa. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế, cơ quan hải quan phát hiện: 13.890 phụ kiện điện thoại giả mạo nhãn hiệu Apple, Samsung; hơn 45 nghìn bộ quần áo giả mạo Puma, Nike, Adidas; hơn 1.400 đôi giày giả mạo Converse, Adidas; 700 túi xách giả mạo LouisVuitton, Giorgio Armani, Mont Blanc; 5.100 ví giả mạo LouisVuitton, Gucci; 1.125 đồng hồ giả mạo Rolex, Piguet, Chanel, Tagheuer, Breitling; 970 sản phẩm trang sức, phụ kiện giả mạo Starbucks, Catier, Rolex, MontBlanc, Dior. Tiếp đó, năm công-ten-nơ mở tờ khai vận chuyển độc lập tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), khai báo là hàng may mặc tiêu dùng. Nhưng qua khám xét, cho thấy là máy nén khí giả mạo nhãn hiệu Samsung; túi xách, ví giả mạo Gucci, Hermes; giày giả mạo Adidas, Nike; máy ảnh giả mạo Casio...

Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của đối tượng là khi khai báo hải quan thường không khai nhãn hiệu hàng hóa, khai sai xuất xứ, chủng loại, số lượng để trốn tránh kiểm soát. Khi đóng gói hàng hóa để vận chuyển về Việt Nam, đối tượng thường trộn hàng giả với hàng thật, đóng chung một công-ten-nơ hoặc vận chuyển nhiều chủng loại hàng hóa với các nhãn hiệu khác nhau. Hàng hóa bị bắt giữ chủ yếu là xâm phạm về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, nhiều nhất là quần áo, túi xách, giày dép, phụ kiện thời trang, đồ gia dụng, đồ điện tử, thiết bị nội thất, đồng hồ đeo tay, điện thoại di động, mỹ phẩm, trang sức, đông dược, tân dược, thực phẩm chức năng...

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Văn Thọ cho biết: Quá trình kiểm soát hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, cơ quan hải quan đang gặp phải một số vướng mắc. Cụ thể, Nghị định 45/2017/NĐ-CP quy định, nhãn hàng nhập khẩu nếu ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn, thì người nhập khẩu được phép ghi bổ sung nhãn phụ bằng tiếng Việt trước khi lưu thông. Vì thế, cơ quan hải quan phát hiện nhiều trường hợp nhãn phụ hàng hóa có dấu hiệu giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn giả mạo nguồn gốc hàng hóa, nhưng không có cơ sở để xử lý tại khâu nhập khẩu.

Việc xử lý hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền SHTT cũng bất cập: Luật Hải quan quy định không tạm dừng hàng quá cảnh để làm thủ tục hải quan, nhưng Nghị định 99/2013/NĐ-CP lại quy định phải xử lý đối với hành vi xâm phạm này, cho nên cơ quan hải quan không biết dựa vào quy định nào để thực thi nhiệm vụ. Hậu quả là, năm 2017, các đối tượng lợi dụng triệt để quy định của Luật Hải quan để vận chuyển quá cảnh hàng hóa xâm phạm quyền SHTT, hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó đưa sang Lào và Cam-pu-chia tiêu thụ.

Đối với hàng hóa xuất khẩu xâm phạm quyền SHTT, Luật SHTT quy định, hải quan phải kiểm tra, giám sát và tạm dừng làm thủ tục hải quan, nhưng lại không có chế tài xử lý hàng giả theo loại hình này. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân lại thiếu quan tâm, phối hợp trong quá trình trao đổi thông tin, đấu tranh, bắt giữ và xử lý xâm phạm để bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình.

Dự báo tình hình thời gian tới diễn biến phức tạp, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tăng cường các hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hàng hóa xâm phạm quyền SHTT về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại; các mặt hàng ảnh hưởng sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, tập trung kiểm soát hàng hóa ra, vào từ một số quốc gia như: Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, Phi-li-pin, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ.