Trung tuần tháng Ba, mưa Xuân lất phất, lối nhỏ đưa tôi trở về ngôi nhà của bố mẹ với bao ký ức tuổi thơ dịu dàng. Vừa bước chân vào nhà tôi đã thấy bố cầm hộp chè búp khô chỉ còn non nửa. Bố bảo, mùa này, chè xuân bắt đầu trổ những búp non, được thưởng thức thứ chè xuân mới tinh, thơm ngát thì còn gì tuyệt vời hơn. Nói rồi, bố đưa dẫn tôi ra khu đất bằng phẳng phía sau nhà bảo rằng đất này sắp được bàn giao cho Dự án xây dựng khu dân cư mới. Nơi ấy từng là đồi chè xanh mướt mát của gia đình chúng tôi.
Khi chị em tôi còn nhỏ, đồi chè (giống Trung du trồng bằng hạt) sau nhà, dưới bàn tay chăm bón của bố lúc nào cũng xanh mướt mát từ mùa Xuân sang mùa Hạ, lúc Thu sang. Chỉ khi Đông về, bố mới đốn cả đồi chè để chờ đón mưa xuân. Ăn Tết xong, mưa Xuân giăng mắc khắp nơi, trong nhà, ngoài ngõ, trên đồi chè. Gặp mưa, những búp chè cựa mình “thức giấc”. Chỉ sau một tuần được “tắm” dưới làn mưa Xuân, cả đồi chè trông như tấm thảm xanh.
Ký ức ngày thơ bé ùa về khiến tôi thèm muốn được ngắm nhìn màu xanh non ấy, được nhấp chén nước chè nóng bỏng lưỡi bố vừa rót và nhăn nhó khi nuốt thứ nước chan chát ấy. Rồi tôi lại chép miệng để cảm nhận cái vị ngọt ở đáy họng và thích thú khoe với bố rằng mình đã biết thưởng trà.
Miên man nghĩ về những đồi chè xuân đang trổ búp non tơ, chúng tôi cho xe chạy chậm chậm vào vùng quê Đệ nhất danh trà Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Ngày mưa nhưng đâu đó, chúng tôi vẫn bắt gặp ánh lửa bập bùng trong những nếp nhà. Nhiệt lượng tỏa ra từ những bếp lửa hồng đang giúp các “quả” tôn “biến” bao búp chè tươi thành từng ấm trà thơm ngan ngát. Tiết trời ẩm ướt ngày Xuân không ngăn cản được sự hăng say lao động của những người làm chè. Ông Lê Quang Nghìn, xóm Hồng Thái II, chủ cơ sở sản xuất chè Hạnh Nghìn cho hay: Với những người sành trà, họ không bao giờ bỏ qua thứ chè búp được thu hoạch, chế biến trong vụ xuân. Bởi vậy, khi thời tiết thuận lợi như hiện nay, chúng tôi phải tranh thủ thu hái để chè mọc lứa mới.
Trước, người ta thường quan niệm hái búp chè đúng kỹ thuật là phải một tôm hai lá. Nhưng giờ đây, người làm chè Tân Cương nói riêng, người làm chè trong tỉnh nói chung đã không còn duy trì cách thu hái truyền thống này. Đa phần họ sản xuất chè theo nhu cầu thị trường hoặc theo đơn đặt hàng của người mua. Khách hàng thích chè đinh hay chè nõn… thì họ sẽ thu hái nguyên liệu đáp ứng đúng tiêu chí của người mua. Và quy trình chế biến, cung ứng chè vụ xuân cũng nằm trong “quy luật” chung này. Chè sau khi thu hái cần được làm ráo nước nên phải rải đều trong những chiếc nong, nia xếp ngay ngắn trên sàn nhà. Lớp chè được hong khô thường có độ dày từ 10 cm đến 15 cm. Người ta dùng quạt điện thổi cho những búp chè nhanh ráo nước. Thu hái xong nhưng chưa chế biến, chè có thể bảo quản nhưng không quá 6 tiếng vì để lâu, chè bị ôi, chất lượng thành phẩm sẽ giảm đi rất nhiều, giá bán vì thế thấp hơn. Trong quá trình thu hái, vận chuyển và bảo quản, những người nông dân cần cù ấy không để chè búp tươi bị dập, ôi ngốt. Sau đó, họ tiến hành diệt men, vò, rũ tơi chè rồi mới cho vào tôn sao khô trên bếp lửa.
Người dân Tân Cương sản xuất chè vụ xuân theo phương pháp thủ công để tạo ra những ấm trà có hương vị quyến rũ.
Cũng bởi cùng chung các công đoạn chế biến thủ công mà ở đó chứa đựng cả tinh túy của đất trời và sự chân thành của những người làm chè chất phác nên chè Thái Nguyên luôn mang hương thơm, vị đượm mà không vùng chè nào có được. Tuy nhiên, điều khiến người tiêu dùng thích thưởng thức trà vụ xuân là bởi vị chè có sự riêng biệt so với chè chính vụ và chè vụ đông. Chị Vũ Thị Thanh Hảo, HTX Chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) - người nhiều năm gắn bó với bà con làm chè nơi đây cho hay: Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, chè Thái Nguyên thường có hương thơm đặc trưng. Tuy nhiên, vị trà mỗi vụ lại có sự khác nhau.
Theo chia sẻ của những người làm chè trong tỉnh, vào chính vụ, chè được mưa rào tưới tắm nên xanh tốt, màu nước khi pha trong xanh nhưng vị trà thường dịu nhẹ nhất trong năm. Vào mùa giá rét, trời hầu như không có mưa, chỉ những diện tích chè thuận lợi về nước tưới mới có thể sản xuất được chè vụ đông. Được tưới bằng nguồn nước trong mát từ khác khe suối, giếng khoan; vươn mình lên từ trong sương giá, những búp chè hưởng trọn vẹn tinh túy của đất, trời mà lớn nên những ấm trà sản xuất trong mùa Đông thường có vị đậm đà khó cưỡng. Dù vậy, nhiều người lại không cảm nhận được độ ngọt, béo như khi uống trà vụ Xuân. Bởi Xuân về, mưa bụi giăng kín cả đất trời, hương xuân mang theo hơi ẩm và sự ấm áp của đất trời đã giúp cho những búp chè lớn lên từng ngày. Vị chè xuân có sự “giao thoa” giữa chè vụ đông và vụ hè, không quá đậm cũng không nhạt khiến cho những người thưởng trà thương nhớ khôn nguôi. Không chỉ vậy, người làm chè Thái Nguyên còn rất hài lòng khi chè vụ xuân cho màu nước trong xanh, sóng sánh bắt mắt hơn chè vụ đông.
Năm nay, nàng Xuân đến muộn. Vì lẽ đó, mưa xuân cũng về muộn hơn mọi năm nên lứa chè xuân đầu tiên theo đó mà đến chậm hơn những năm trước. Anh Trần Xuân Điển, Trưởng xóm Cà Phê, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) nói: Hiện nay, chè xuân đang được chia làm ba “phân đoạn”. Những diện tích chè không thuận lợi nước tưới, bà con đã đốn từ tháng 11, 12 năm trước để đón mưa xuân nên hiện đã cho lứa thu hái lứa đầu tiên. Một phần diện tích đốn muộn hơn hiện bắt đầu ra những mầm non li ti, đôi ba tuần nữa cũng cho thu hoạch. Diện tích đất bà con để lại làm chè vụ đông đang vào giai đoạn đốn cây. Tuy nhiên, vào những ngày mưa, không ai đốn chè, vì như vậy cây rất dễ mắc bệnh phồng lá. Bà con đang đợi mấy hôm nữa nắng lên sẽ đốn hết những diện tích chè còn lại. Theo tôi, thời tiết năm nay khá thuận lợi cho chè vụ xuân phát triển. Đây cũng chính là yếu tố quyết định đến chất lượng và giá bán chè thành phẩm vụ đầu tiên trong năm.
Đã có rất nhiều du khách thích thú khi thưởng thức thứ nước chè được chế biến từ những búp chè thu hái trong vụ xuân. Chị Nguyễn Thanh Hà, quận Thanh Xuân (Hà Nội) nói: Tôi là dân “nghiền” chè Thái nên trong nhà lúc nào cũng có đủ loại chè tôm, nõn… Tuy nhiên, điều làm tôi thích thú và ấn tượng nhất là được đi du ngoạn vùng chè Tân Cương vào đầu xuân và thưởng thức những ấm trà xuân mới “ra lò”. Cảm giác được nhâm nhi chén trà xuân lứa đầu tiên như mở ra cho tôi một năm mới đầy hoan hỉ.
Xuân về, hơn 22,3 nghìn héc ta chè của Thái Nguyên đang đua nhau nảy lộc đâm chồi. Sản lượng vụ này dù chỉ đạt khoảng 50 đến 60% so với chè chính vụ nhưng hương vị riêng có đầy hấp dẫn của những búp chè đã đưa giá chè tăng cao đáng kể. Vì là vụ đầu tiên trong năm nên chè xuân được ví như “thần may mắn” xông nhà những hộ sản xuất chè nơi vùng đất Thái Nguyên. Đáng mừng là cách đây khoảng 3 tuần, chè búp tươi tại vườn của những hộ sản xuất chè ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đã được thu mua với giá từ 80.000 đến 100.000 đồng/kg (5kg chè búp tươi cho 1 kg chè búp khô). Thế mới thấy được sức hút của sản phẩm chè vụ xuân đối với người thưởng trà khắp mọi miền đất nước.