Với phương châm “Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc” của tỉnh được triển khai thực hiện hiệu quả, các chính sách ưu đãi của Nhà nước đã đi vào cuộc sống của đồng bào Mông. Từ đó trở thành điểm tựa niềm tin, tiếp thêm nghị lực để bà con vươn lên cùng cả nước, không bị tụt lại phía sau.
Đứng ở trung tâm các xã có nhiều đồng bào Mông sinh sống thuộc 4 huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ và Phú Lương, nhìn bốn bên đều thấy núi. Có chỗ núi dựng vách, chỗ thoải dốc, nhưng trong cái địa thế phức hợp ấy lại có rất nhiều những tuyến đường lựa thế núi, thế đất vươn dài dưới tán rừng, hoặc chẻ núi về bao ngõ nhỏ. Những năm gần đây, từng cung đường dốc cao thúc gối vào ngực đã được Nhà nước đầu tư để hạ cấp, đổ bê tông. Bàn chân người Mông đi về không còn bị đá tai mèo chém chảy máu.
Ông Sùng Khín, ở xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai) khề khà: Người Mông mình luôn nhận được nhiều quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, nhưng quý nhất là “cái” đường bê tông. “Nó” làm người Mông mình thay đổi từ cách nghĩ đến việc làm. Chuyện của ông Sùng Khín giống như bao tâm sự của người Mông. Cứ vô tư, cởi mở, dễ mến và hồn nhiên mở lòng đón nhận tình cảm, quyết tâm của các thế hệ cán bộ Đảng, Nhà nước mang dự án, chương trình xóa đói, giảm nghèo lên vai núi.
“Không để đồng bào bị tụt lại phía sau”. Bền bỉ liên tục trong nhiều năm, cả Thái Nguyên đồng lòng, chung sức chia sẻ gian khó với đồng bào Mông sinh sống trên những vai núi. Trong việc hỗ trợ đồng bào vượt khó trên cả nước, Thái Nguyên là một trong những tỉnh gặt hái được nhiều thành công nhất. 5 năm trước, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn xã hội hóa, những con đường mòn về các xóm người Mông đã được thay thế bằng đường bê tông. Tất thảy 15 tuyến đường có tổng chiều dài gần 43km được đổ bê tông theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn, mặt đường rộng 3m, dày tối thiểu 18cm, lề mỗi bên rộng tối thiểu 50cm, với tổng kinh phí đầu tư gần 65 tỷ đồng, cùng với đó nhân dân đóng góp gần 5.000 ngày công lao động (tương đương gần 900 tỷ đồng). Nhưng không giống như ở miền xuôi, đường bê tông lên ngược dốc phải thi công theo cách khác biệt. Ví như đoạn tuyến từ trung tâm xã Thượng Nung lên các xóm Lũng Luông, Lũng Cà, Lũng Hoài..., nhiều đoạn bê tông đổ xuống bị tràn xuống ta-luy âm. Các đơn vị thi công có sáng kiến chia ngắn đoạn, đổ lấn, làm chậm nhưng chắc.
Được sự đầu tư của Nhà nước, bà con người Mông ở xóm Làng Giai, xã La Hiên (Võ Nhai) đã có nước sạch sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Anh
Liên quan đến việc làm đường có gần 200 hộ người Mông bị ảnh hưởng về đất sản xuất. Qua tuyên truyền, vận động, bà con tự nguyện hiến gần 41.000m2 đất làm đường (tương đương số tiền trên 12 tỷ đồng). Điển hình ở xã Thượng Nung có hộ ông Mai Hồng Công, xóm Lũng Cà, hiến gần 1.900m2; ông Lầu Văn Lý, xóm Lũng Luông, hiến hơn 500m2. Ở huyện Định Hóa có hộ ông Mông Văn Đoàn, xóm Pác Máng, xã Định Biên, hiến gần 190m2... Để hoàn thiện hơn những tuyến đường này, từ năm 2016 đến cuối năm 2020, nhiều tuyến đường tiếp tục được thi công nối dài, nâng cấp. Một số cầu, ngầm tràn qua khe suối được xây dựng mới với tổng kinh phí đầu tư 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Sau nửa giờ bon bon bằng xe máy từ ngã ba Cúc Đường, qua các xã Vũ Chấn, Nghinh Tường về đến nhà ở xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc (trước đây đi bộ mất 1 ngày), ông Phùng Văn Lành trầm trồ: Ít năm trước, cả trong mơ người Mông mình cũng không dám nghĩ đến việc này… Có đường bê tông thoáng rộng cho xe máy và các phương tiện cơ giới đi lại, ngoài ý nghĩa hàng hóa lưu thông, đầu óc con người cũng thông thoáng hơn nhờ được giao lưu, tiếp cận với những thông tin bên ngoài xã hội. Nhưng, “đến hồi thái lai”, con người ta thường nghĩ về những năm tháng gian khổ. Già bản Lý Văn Lù, một trong những cư dân đầu tiên về lập nên xóm Lũng Hoài, xã Thượng Nung, là một một người như thế. Ông kể: Năm 1992, ngoài gia đình tôi còn có 7 hộ nữa cùng ở Hà Quảng (Cao Bằng) về đây. Từ trung tâm xã lên vai núi này toàn đường mòn. Năm 2012, Nhà nước đã đầu tư xây dựng 1,4km đường bê tông lên xóm. Để làm được đoạn đường này, Công ty TNHH Tiến Hoa - đơn vị thi công - phải sử dụng gần 30 tấn thuốc nổ TNT. Rồi rất nhiều tiền đầu tư nữa mới có được con đường đẹp như bây giờ.
Từ xóm Lũng Hoài xuống núi, qua đoạn khe hẹp giống như cổng trời, bằng mắt thường tôi cũng nhận ra với đoạn đường này đơn vị thi công phải hạ thấp độ cao chừng chục mét, nhưng độ dốc vẫn rất lớn. Một bên đường là ta-luy dương đầy đá chất ngất, bên còn lại là ta-luy âm sâu hun hút. Đường sá lên các vai núi bất khuất đã tạo cho người Mông đức tính kiên cường, lầm lụi và nhẫn nhịn. Ông Vi Đức Trung, xóm Pác Máng, xã Định Biên, chia sẻ: Đường bê tông từ trung tâm xã vào xóm dài hơn 2km, được Nhà nước đầu tư trên 3,1 tỷ đồng, ngoài máy móc thi công, nhân dân còn tham gia gần 2.000 ngày công lao động. Nếu chưa có đường mới, trời mưa như hôm nay (cuối tháng 3-2021), đi bộ còn có thể bị ngã sấp mặt vì dốc trơn, chứ đừng nói đi xe máy. Năm 2019, Nhà nước lại đầu tư cho xóm Mông mình công trình nước sạch, tổng chiều dài toàn tuyến hơn 5,5km được lắp đặt bằng ống nhựa, kinh phí đầu tư trên 1,2 tỷ đồng.
Nhờ phát huy dân chủ trong xây dựng kết cấu hạ tầng nên với hầu hết những công trình được Nhà nước đầu tư xây dựng tại các địa phương có nhiều đồng bào Mông sinh sống, bà con nhân dân đều được biết, được bàn và tham gia giám sát, vì thế những người quan tâm đến công trình đều nắm chắc các số liệu. Đây cũng là đáp án cho câu hỏi vì sao trong nhiều năm liên tục, với hàng trăm dự án, chương trình được triển khai đến đồng bào nhưng Thái Nguyên không có đơn thư tố giác, nghi ngờ công trình bị rút ruột. Minh chứng về chất lượng các công trình là sau nhiều năm đưa vào sử dụng chưa bị hư hỏng.
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh tâm đắc: Bắt đầu là đường bê tông, tiếp đó là các công trình phúc lợi xã hội (như điểm trường, công trình điện lưới, nước sạch, nhà văn hóa) được đầu tư xây dựng và đều có sự giám sát của nhân dân. Cùng với đó, bà con còn được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, cây lương thực, phân bón... Có đường bê tông, việc đi lại, vận chuyển nông, lâm sản của bà con thuận lợi hơn trước rất nhiều. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, riêng 5 năm gần đây, các xóm người Mông trên địa bàn tỉnh đã được Nhà nước đầu tư xây dựng mới 16 nhà lớp học, 6 nhà văn hóa, 11 công trình điện lưới quốc gia, 3 công trình nước sạch, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của bà con…
Trên những vai núi, đời sống của đồng bào Mông đang từng ngày ổn định. Quyết tâm của tỉnh “không để đồng bào bị tụt lại phía sau” đang từng bước trở thành hiện thực. Thành quả ấy được thể hiện bằng các con số: 100% các xóm có nhiều đồng bào Mông sinh sống đã có đường bê tông nối với trung tâm xã; 100% trẻ em người Mông nói được tiếng phổ thông trước khi vào lớp 1; 100% các xóm có cán bộ y tế thôn bản. Hầu hết người Mông đã được sử dụng nước sạch sinh hoạt, điện lưới quốc gia, được hỗ trợ muối i-ốt, bảo hiểm y tế; gần 100% số hộ có điện thoại di động…
(Còn nữa)