Chủ tịch UBND xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), nói với tôi qua điện thoại: Thời đó xã chúng tôi gọi là Xuyên Tân. Các anh vô viếng nơi yên nghỉ của nhà báo Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý là đúng rồi đó. Vô đi! Với tôi, mấy chục năm làm báo, biết mảnh đất này trong chiến tranh chống Mỹ khốc liệt vô cùng. Tôi cũng đã hơn một lần đến, từng có bài viết về các nhà báo liệt sĩ, trong đó có chị Xuân Quý, luôn hoài niệm về những tấm gương hy sinh vì Tổ quốc… Lần này, tôi lại men theo dòng Thu Bồn trong vắt, tìm về nơi “có mùa Xuân ở mãi”.
Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc
Thực ra, tấm gương hy sinh hạnh phúc gia đình, hy sinh thân mình cho đất nước, cho báo chí, văn học của nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý chúng ta đã được biết, được học. Nhưng, phải tới khi nghiên cứu tác phẩm “Bài thơ về hạnh phúc” của chồng chị - nhà thơ Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly) chúng ta mới thực sự xúc động, cảm phục và nằm lòng…
Còn riêng tôi, nhân cái mạch tìm hiểu về liệt sĩ Xuân Quý cũng đã về Phú Thị, Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên (quê gốc) và số nhà 195, phố Hàng Bông (Hà Nội) nơi chị được sinh ra và lớn lên, để hiểu thêm về tuổi thơ của chị khi theo cha, nhà báo Dương Tự Quản đi kháng chiến lên sống với Định Hoá, Đại Từ, Thái Nguyên trọn vẹn 9 năm (1946-1954).
“Thôi em nằm lại Với đất lành Duy Xuyên Trên mồ em có mùa Xuân ở mãi Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên…” (Bài thơ về hạnh phúc - Dương Hương Ly) |
Chị Quý lên chiến khu Thái Nguyên lúc 6 tuổi và về Hà Nội khi đã 15 tuổi. Tuổi thơ của chị nơi chiến khu trong một gia đình làm báo cách mạng thật đáng nể phục. Chúng ta biết và trân quý dòng họ Dương đất Phú Thị, Mễ Sở, Văn Giang (Hưng Yên), với những tên tuổi lớn: Dương Trọng Phổ, Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm (là những nhân sĩ nổi tiếng); Dương Cẩm Chương, Dương Bích Liên (các họa sĩ tài ba) và cha chị nữa - nhà báo Dương Quảng Hàm…
Chị tiếp tục học cấp 2 Trưng Vương (Hà Nội), Trung cấp mỏ Quảng Ninh, học lớp bồi dưỡng báo chí do Ban Tuyên huấn Trung ương mở rồi thành phóng viên Báo Phụ nữ khi mới 20 tuổi… 7 tuổi chị đã viết nhật ký đều đặn và say mê văn học, thơ ca.
Tôi đã dành thời giờ để tìm hiểu về cơ quan Văn nghệ cứu quốc đóng nhiều năm ở cái xóm Chòi hẻo lánh thuộc xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên hay nơi đặt tòa soạn các tờ báo quan trọng ở Đại Từ, Định Hóa và nhận thấy đây là giai đoạn đã ra đời nhiều tác phẩm văn học có tầm, thời kỳ văn nghệ phát triển: “Bên kia biên giới” của Lê Khâm, “Nhật ký ở rừng” của Nam Cao, “Trận phố Ràng” của Trần Đăng…
Chị Quý sau này viết nhanh, viết nhiều và luôn có hơi thở của cuộc sống đương thời. Năm 1970, tập truyện ký “Hoa Rừng” của chị ra mắt bạn đọc và tròn 10 năm ngày chị hy sinh, Nhà xuất bản Văn học cho in tập “Hoa Rừng” (“Hoa Rừng” là một truyện ngắn xuất sắc của tập sách) đầy đủ hơn. Tập sách là tập hợp các tác phẩm của chị chia làm 2 phần: Phần ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa và phần về những truyện ngắn, bút ký, thư và nhật ký của chị trên đường vượt Trường Sơn và ở chiến trường B5 khốc liệt…
Có thể nói, ngòi bút của chị có gì đó gần gũi với cuộc sống nông dân và nông thôn. Tôi cứ liên tưởng về những năm tháng tuổi thơ chị sống trong lòng nông thôn Việt Bắc, hấp thu hơi hướng, phong tục đồng bào. Chị là lớp người viết sau nhưng góc nhìn, điểm tựa của văn chương như “hậu duệ” của Nam Cao, Nguyễn Đình Thi, Đào Vũ, Lê Khâm trong các tác phẩm.
Nếu như “Nhật ký ở rừng”, Nam Cao dường như tả chân về cuộc sống đồng bào ở một vùng rẻo cao dưới chân Tam Đảo, nơi cơ quan Văn nghệ Cứu quốc đóng quân, thì các bút ký Xuân Quý viết những năm 60 của nông thôn miền Bắc như bút ký “Về làng”, “Mía”… Chất văn đậm đà chất báo chí của chị cũng được thể hiện rõ trong “Nhật ký Trường Sơn”, “Hoa Rừng”, “Tiếng hát trong hang đá”…
Chỉ trong 8 năm làm văn, làm báo, Dương Thị Xuân Quý, bằng chính suy nghĩ là luôn có mặt ở tận cùng sự thật đã để lại một tài sản đáng kể các tác phẩm văn nghệ báo chí đáng giá. Tất cả các tác phẩm của chị đều toát lên tính chiến đấu, tình yêu cuộc sống, yêu cái tốt, cái đẹp, lòng yêu thương con người.
Phẩm chất Anh hùng của Dương Thị Xuân Quý biểu hiện rõ không chỉ trong hành động mà ở chính cả trong những tác phẩm còn mãi với thời gian… Chính điều đó đã làm nên một Xuân Quý trong lòng người đọc. Chị cũng đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007.
Về Duy Xuyên, chúng tôi còn được nghe câu chuyện cảm động về mấy chục năm đi tìm mộ chị của chồng chị và người thân, đồng đội. Cuối cùng thì vào ngày 3/8/2006, nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng tìm thấy người vợ thân yêu và đã cải táng tại Khu tưởng niệm Nhà báo - nhà văn Dương Thị Xuân Quý tại xã Duy Thành, đúng như ý nguyện của chồng chị trong “Bài thơ về hạnh phúc” viết ngày 6/9/1969: “Thôi em nằm lại/Với đất lành Duy Xuyên/Trên mồ em có mùa Xuân ở mãi”…
Chị là nữ nhà báo hăng say viết về người mẹ, người chị, ra đi từ cái nôi Báo Phụ nữ Việt Nam, hy sinh vào ngày Quốc tế Phụ nữ… Chị là một nhà báo tiêu biểu trong 511 đồng nghiệp của chúng tôi đã hy sinh vì độc lập dân tộc trong chiến tranh.
Duy Xuyên ngày mới
Chúng tôi như bị Duy Xuyên hút hồn bởi vẻ đẹp của sông Thu Bồn và sự trù phú, thanh bình của những làng quê. Chính vì sự “Lãng đãng mây trời” ấy mà non trưa mới tới được trụ sở xã Duy Thành.
Dòng Thu Bồn vẫn trong xanh, chứng kiến sự đắp đổi của đôi bờ. Những: “Xuyên Thọ, Xuyên Châu, Xuyên Hòa, Xuyên Phú” hay “Thôn 6 Bình Dương bãi cát sóng dồi”… đã thay tên, thay đổi địa danh khá nhiều. Còn những sự tích như huyền thoại trên đất này đánh Mỹ thì vẫn còn đấy trong sâu thẳm trong tình cảm của lớp người chứng kiến và những câu chuyện kể. Trong đó hình ảnh cô nhà báo nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, xông xáo và dũng cảm thì nhiều người nhớ, thương chị.
Đồng bào thương chị, đồng đội, đồng nghiệp thương chị, người con gái sống giữa Thủ đô Hà Nội mà bụng mang dạ chửa tháng thứ 6 vẫn hăng hái vào tuyến lửa khu 4 viết báo. Thương chị, cảm phục chị, con gái đầu lòng mới 16 tháng tuổi gửi lại bà ngoại để vượt Trường Sơn…
Chị Hồ Thị Anh là người thường xuyên hương khói phần mộ Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.
Mộ nhà báo Liệt sĩ được người thân và đồng bào, đồng chí xây cất ở chính nơi chị ngã xuống, thôn Thi Thại, xã Duy Thành. Trước mộ là tấm bia đá tạc chân dung và thân thế, sự nghiệp của chị. Nơi chị yên nghỉ có dòng Thu Bồn bốn mùa vỗ về ru ngủ, có tình yêu và sự trân quý của đồng bào… Chị Hồ Thị Anh, về xây nhà ngay cạnh mộ chị Quý, tâm sự:
- Chị Quý là người con của Duy Thành. Các nhà báo ở xa không thường về hương khói được thì đã có chúng tôi!
Chủ tịch UBND xã Duy Thành Trần Thanh Thư hiền lành, ít nói nhưng qua câu chuyện của anh, chúng tôi thấy toát lên niềm tự hào, kể cả truyền thống và hiện tại… Đúng như vậy. Lớp cha anh đã sống, chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ của Nhà nước trao tặng.
Còn trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân đã phấn đấu không ngừng để không chỉ có kết quả: Thu nhập bình quân đầu người của hơn 7.000 người đạt hơn 41 triệu đồng; tăng trưởng kinh tế hằng năm trên 10%. Duy Thành được công nhận đạt nông thôn mới từ năm 2017 và phấn đấu để được công nhận xã nông thôn mới nâng cao…
Bên chén rượu Hồng Đào nhâm nhi cùng những người nông dân thuần chất, chúng tôi cùng nói về chuyện chiến đấu can trường xưa, cùng nói về nhà báo Dương Thị Xuân Quý với tất cả sự ngưỡng mộ và biết ơn. 30-4, ngày thống nhất non sông đang đến gần. Viết đôi dòng nhân kỷ niệm 47 năm toàn thắng, cũng là cách để người làm báo chúng tôi tri ân tiền nhân, tri ân lịch sử.