Hiển nhiên đó không phải là món “Cá sốt ngũ liễu” được các cô các bà thực hành sau khi coi mấy nhà bếp trẻ biểu diễn trên ti vi trong những ngày đầu Xuân. Ngũ liễu toàn lam ở đây là thuật ngữ về một dạng đồ sứ luôn làm mê hoặc lòng người và đặc biệt được ưa thích bấy lâu ở chốn Kinh kỳ.
- Đẹp thật!
Có một bí ẩn nào đó đằng sau vẻ đẹp kia để “Ngũ liễu” có thể lôi cuốn thị giác và cả tâm tưởng của con người đến thế?
Để tìm hiểu điều bí ẩn đó, đầu Xuân xin mạo muội được lạm bàn: thị giác nói chung và mắt người nói riêng có hai cách nhìn; và sự vật theo đó cũng hiện ra theo hai hướng chính. Hướng thứ nhất: thị giác của cái nhìn thực vật. ấy là sự vật hiện ra trong cái nhìn chiếm đoạt, nhìn cho no mắt. Ai biết đều cho thế là tệ. Vậy mới có thành ngữ: nhìn ngấu nhìn nghiến! Hướng thứ hai: thị giác của cái nhìn cảm nhận. Đây là thị giác của cái nhìn trữ tình - cái nhìn mà Phật giáo gọi là: Thượng thừa! Không phải ngẫu nhiên những con mắt của nghệ thuật cổ đại Hy Lạp - La Mã lại có mẫu số chung là mắt bò. Đôi mắt của loài gặm cỏ lúc nào cũng ướt và êm mướt như nhung ấy vẫn là một thử thách với nghệ thuật ngay cả ngày hôm nay. Tương tự như vậy, nghệ thuật Phật giáo gần gũi với những đôi mắt voi chưa bao giờ hết ám ảnh loài người bằng chính sự hiền từ nhưng cũng rất đỗi nghiêm khắc qua những bức tượng thần tối cổ có nguồn gốc từ Ấn Độ. Đôi mắt của hai loài vật này đi vào nghệ thuật và dĩ nhiên, đó là đôi mắt của những cái nhìn: cảm nhận.
Vậy mẫu số chung nào tạo nên cái mỹ cảm đầy thuyết phục nơi “Ngũ liễu” để những người ít quan tâm nhất tới nghệ thuật hội họa trên gốm, sứ cũng đều có chung cảm nhận đẹp về chúng?
Về nghệ thuật, trước hết Ngũ liễu không thuộc thể loại thường thấy trong nghệ thuật hội họa trên sứ cổ như: sơn-thủy, hoa-điểu hay nhân vật... Năm cổ liễu được dụng ý miêu tả như đã qua rất nhiều năm tháng. Cả năm thân liễu với nhiều cành liễu đã hiến thân cho thời gian, chỉ còn giữ lại vết thương cho riêng mình qua những thiếu khuyết đạt tới thẩm mỹ. Vì thế, những cây liễu không những không mất đi vẻ cân đối, yêu kiều đến thiết tha của thứ cây cỏ từng là nguyên cớ thêu dệt những hàng thơ diễm lệ mà còn tăng thêm gấp bội vẻ đẹp mềm mại của chúng. Ngay giữa kinh thành Thăng Long cổ kính, rất nhiều người đã không thể hình dung một Hồ Gươm nếu vắng bóng liễu! Đó là cái nhìn tổng thể. Bước sâu vào phong cảnh, ta thấy, ngoài liễu cùng một con thuyền nhỏ và một cây cầu đá, phong cảnh tịnh không một bóng người. Nhưng đâu vì thế mà bức phong cảnh kia thiếu sức truyền cảm. Ngược lại, Ngũ liễu giữa một màu xanh vô tận - như một dấu nối - đã làm cho cuộc hôn nhân của trời và nước có một sức sống kỳ lạ. Hơn nữa, mượn nghệ thuật ẩn dụ - vốn là di sản trong nghệ thuật á Đông- bức họa đặt luôn người xem vào chính nhân vật vô hình đang lặng ngắm và đối thoại cùng Ngũ liễu. Đây chính là nét nhấn mạnh, tạo nên giá trị thẩm mỹ rất khác biệt nơi dòng sứ này. Nhưng nắm bắt được cái ẩn dụ đằng sau Ngũ liễu kia thì, cổ ngoạn này còn có sức lay động gấp bội.
Thì ra cái tận cùng của ẩn dụ Ngũ liễu là nơi trú ngụ cái tư tưởng phiêu dật thoát tục đầy vị tha của một nhân cách lớn. Đó là Đào Tiềm còn gọi Đào Uyên Minh tự là Nguyên Lượng (365-427), một văn sĩ vào cuối thời Tấn bên Trung Quốc. Từ “Đào hoa nguyên thi” của Đào tiên sinh mà đời sau dệt thành “Từ Thức gặp tiên” cùng “Lưu Nguyễn nhập thiên thai” nổi tiếng. Đặc biệt trong “Đào Uyên Minh tập” gồm 10 cuốn để đời, bài Từ - một thể văn cổ - “Về đi thôi” đã xếp tiên sinh vào hàng thi bá. Cái hay nhất của “Về đi thôi” là tiếng lòng của một viên quan tự “treo ấn” để không phải luồn cúi vì vài đấu gạo. Chính ý nghĩa này đã khiến Ngũ liễu toàn lam cho cảm nhận về sự siêu thoát hiếm thấy với hội họa trên sứ. Cái hay thứ hai đã giúp Ngũ liễu thành tuyệt tác là: “Về đi thôi” đã mở ra cuộc sống điền viên nơi thi ca với ánh mắt, tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ khiến các kiệt hiệt Đường thi sau này như: Tô Đông Pha, Vương Bột, Lý Bạch... cùng nhiều thế hệ nho sinh sau đó chịu ảnh hưởng.
Truyền tụng rằng, trước ngôi nhà có cửa mà không bao giờ mở nhưng cũng chẳng bận cài then từng mời gọi Đào Uyên Minh “Về đi thôi” có 5 cây liễu. Thế là Ngũ Liễu được lấy làm hiệu. Người đời nể trọng gọi: Ngũ liễu tiên sinh. Xưa nay, bất kể sang hèn chỉ cần hiểu và thấu được phần nhỏ thứ ngôn từ đồng quê u nhã đến ghê gớm của Ngũ liễu tiên sinh đều lấy làm hài lòng. Vì chỉ vậy thôi, cũng đủ giúp kẻ nghèo biết từ chối để không lụy tục.
Như vậy đủ thấy Ngũ Liễu toàn lam tại sao được người đời yêu mến đến vậy. Đời sau còn gán cho Ngũ liễu mỹ danh “Ngũ phúc” theo thuyết “Ngũ hành”, càng thêm quý. Tuy nhiên, không phải tất cả Ngũ liễu đều lọt mắt cũng như món cá sốt Ngũ liễu nêu trên thật khó mà thưởng thức. Ngũ Liễu trước mắt bạn đọc là của ông Cao Xuân Bình - từng là kỹ sư ngành Hàng hải, nhà ở đường Gia Long xưa, nay là phố Bà Triệu. Hà Nội Ngàn năm xin giới thiệu vì hơn nửa thế kỷ qua ở Thăng Long chưa thấy bộ liễu nào hơn thế!