Bạch Mã, ngọn núi kỳ ảo trong Vườn quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc) nằm cách TP Huế 40km về phía nam, đẹp lạ lẫm. Chỉ với thưa thớt nhà nghỉ, ngọn núi trong vườn quốc gia nổi tiếng này còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ, vẻ đẹp gần như chưa bị đụng chạm.
Đấy có lẽ là một may mắn. Nếu được “để mắt” nhằm phát triển du lịch, được qui hoạch, chửa biết chừng Bạch Mã lại nham nhở như Sa Pa, Tam Đảo, Bà Nà...
Đường lên đỉnh Bạch Mã nhỏ và hẹp, dài chừng 20 km. Đỉnh núi là trung tâm của dải rừng xanh kéo dài từ biển Đông đến biên giới Việt- Lào, cao khoảng 1.450 m. Nhiệt độ ở đây luôn thấp hơn 7- 10 độ C so với khu vực phụ cận, khí hậu thuộc vùng đất ẩm ướt nhất ở nước ta. Vào mùa đông, có những ngày nhiệt độ xuống 2-30C. Lạnh tê người. Mùa hè, thời điểm này cũng có những hôm trên núi chỉ khoảng 15-170 C. Đây là một Sa Pa (Lào Cai), một Tam Đảo (Vĩnh Phúc), một Bà Nà (Đà Nẵng) của Huế. Chính điều kiện khí hậu này đã tạo nên thế giới sinh học phong phú và đa dạng với 2.147 loài thực vật, 1.493 loài động vật, trong đó có 27 loài thực vật và 66 loài động vật có tên trong sách Đỏ Việt Nam.
Người dân dưới chân núi kể rằng, các cụ ngày trước thường gặp tiên ngồi đánh cờ, ngựa đi ăn cỏ đồng xa. Một lần, ngựa mải ăn, đi xa quá, khi trở lại thì tiên đã bay về trời, ngựa nhớ chủ lang thang đi tìm, hóa thành mây trắng mang hình con ngựa. Cái tên Bạch Mã có từ đó.
Thật ra, vẻ hoang sơ còn lại của đỉnh Bạch Mã được tái sinh nhờ thời gian dài bị quên lãng. Thời vua Khải Định, người ta đã biết đến Bạch Mã. Năm 1925, có một dự án để bảo vệ giống gà lôi lam mào trắng ở đây. Năm 1932, đỉnh Bạch Mã được ông Girard, một kỹ sư người Pháp, phát hiện. Sau đó, một hệ thống gồm 139 biệt thự, khách sạn, bể bơi, đường giao thông... được xây dựng nhằm phục vụ việc tham quan, nghỉ dưỡng của giới quan chức thực dân và địa chủ, phú hào thời bấy giờ. Biển ghi công ông Girard đến nay vẫn còn. Sau khi Pháp rời khỏi Việt Nam, năm 1960, chính phủ ngụy quyền đã thành lập Vườn quốc gia Bạch Mã - Hải Vân, nhưng công việc bảo tồn đã không kéo dài được bao lâu. Đã có những trận đánh ác liệt xảy ra nơi đây. Đỉnh Bạch Mã biến thành sân bay trực thăng và đồn bốt, chiến hào của quân Mỹ - ngụy nhằm kiểm soát khu vực Huế, Đà Nẵng và biển Đông... Thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước, Bạch Mã gần như bị bỏ hoang, vô chủ, bởi hệ thống biệt thự, đường sá đã bị phá hoàn toàn.
Trên Bạch Mã, có nhiều tuyến đường mòn độc đáo. Đó là các tuyến đường mòn Trĩ Sao dẫn đến thác Trĩ Sao, nơi có nhiều chim trĩ sao, đường mòn thác Đỗ Quyên dẫn đến đỉnh của thác Đỗ Quyên cao 300m, nơi có rất nhiều hoa đỗ quyên nở vào mùa xuân, đường mòn thác Ngũ Hồ nơi có 5 hồ nước trong xanh, đường mòn Vọng Hải Đài cuối con đường là tới đỉnh cao nhất của Bạch Mã, lửng lơ ở 1.450m. Đây là đường mòn được yêu thích nhất. Vọng Hải Đài, có hình bát giác, là đài quan sát biển của quân đội Sài Gòn. Cách đó không xa là miệng hầm địa đạo do Tiểu đoàn 2 Tỉnh đội Thừa Thiên-Huế xây dựng năm 1973, dài 140 m, cao 1,85 m, rộng 1,45m.
Bị lãng quên có lẽ là một may mắn lớn của Bạch Mã. Cứ theo những “kinh nghiệm thương đau” phát triển du lịch thì hầu hết những điểm đến tự nhiên sau khi phát triển công nghiệp không khói đều nham nhở: Sa Pa giờ không còn là thị trấn trong sương, huyền ảo và lãng mạn mà đã bị băm như tương với kiến trúc bê tông cao và nặng, những nhà sàn thân Thái mái Mường; Tam Đảo thì đã hoàn tất công cuộc bê tông hóa một cách thô thiển phố núi; và Bà Nà, mới được hồi sinh trở lại năm 1997, nay đã chuẩn bị... chết. Cái chết của vẻ đẹp nguyên sơ.