Dịp này, thành phố Huế kỷ niệm 15 năm quần thể di tích cố đô Huế (QTDTCĐ) được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG) và 5 năm Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc triều Nguyễn được công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
Từ "phút" lâm nguy...
Quần thể di tích cố đô Huế có từ hơn 200 năm trước. Trong lịch sử tồn tại, quần thể ấy đã có lúc lâm nguy. Tại hội thảo, KTS Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm (TT) Bảo tồn di tích cố đô Huế kể lại: Cho đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, di sản Huế ở trong tình trạng hết sức bi đát, do sự tàn phá của chiến tranh, do môi trường và cả ý thức con người. Năm 1981, ông M. Bow - Tổng Giám đốc UNESCO lúc đó nói rằng di sản Huế đang lâm nguy, đang bên bờ quên lãng, chỉ có "sự cứu nguy khẩn cấp" với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế mới có thể giúp cố đô Huế thoát khỏi tình trạng trên.
Nguy kịch là thế mà chỉ một thập kỷ sau, di sản Huế đã mang bộ mặt khác. Tất cả là nhờ sự thay đổi nhận thức, sự ra đời của kế hoạch trung - dài hạn về bảo tồn, khả năng tận dụng nguồn lực có từ hợp tác quốc tế… Những công bố gần đây cho thấy chỉ tính riêng TT đã có sự tham gia của gần 40 đối tác quốc tế. Thông qua những mối quan hệ ấy, Huế đã thực hiện 31 dự án quan trọng. Từ năm 2000, khi lăng tẩm đền đài đã ở mức "nhìn được", Huế bắt đầu thực hiện ước mơ trở thành "thành phố Festival".
Điều quan trọng nhất là Huế đã xác định đúng hướng bảo tồn, đã nỗ lực vì điều đó. Hôm qua, trong bức thông điệp gửi tới hội thảo, "UNESCO coi Huế là ví dụ điển hình thể hiện sự thay đổi trong định hướng bảo tồn, không chỉ bó hẹp trong việc bảo tồn di tích, mà còn tập trung vào không gian với con người, gắn kết di tích, kiến trúc xây dựng, công trình với ý nghĩa phi vật thể liên quan để tạo ra cảnh quan văn hóa".
Ghi danh khó, giữ còn khó hơn
TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Việt Nam nhận xét: "Để UNESCO công nhận danh hiệu DSVHTG, các di sản cần phải đạt được một trong những tiêu chí nổi bật toàn cầu, nước thành viên phải có biện pháp quản lý và bảo vệ sự toàn vẹn của giá trị nổi bật toàn cầu đó. Nếu không, di sản sẽ bị đưa vào danh mục DSVHTG đang lâm nguy hoặc bị đưa ra khỏi danh sách DSVHTG". Di sản Huế và những người quản lý công tác bảo tồn ở đây có thể chịu đựng sức ép kiểu gì?
Cũng theo TS Nguyễn Quốc Hùng, nhiều di tích sau khi trùng tu khoảng 10 đến 12 năm đã xuống cấp trở lại, lầu Ngũ Phụng tại Ngọ Môn là một ví dụ. Với QTDTCĐ, và nhiều công trình kiến trúc bằng gỗ khác, có độ bền hữu hạn thì trùng tu không phải là việc làm một lần là xong.
Giờ đây thác lũ đô thị hóa kéo theo dòng di cư, nhu cầu xây dựng kéo theo trong điều kiện ý thức giữ gìn di sản ở mỗi người mỗi kiểu. Vùng “lõi” thì ít lo hơn. Nhưng còn vùng đệm, vòng ngoài? Không làm khéo, quyết liệt thì như Hội An ấy, cũng nức tiếng cổ kính nhưng vài năm trở lại đã thấy cảnh vẻ khác rồi. Phố xưa, nhà cổ, nhưng chỉ quá bước ra ngoài vùng lõi là đã thấy dồn dập hiện đại. Cái mới lấn nét cổ lúc nào chả hay! UNESCO khuyến cáo, rằng “mở rộng ranh giới vùng đệm của khu di sản Huế để có thể bao trùm cảnh quan văn hóa dọc sông Hương và những mối liên kết quan trọng với khu kinh thành hiện được ghi nhận là DSTG”.
Huế đang sở hữu khối tài sản vô giá. Có điều, nếu không xác định rõ thách thức để có giải pháp khéo, có khi chưa hết mừng đã vội lo rồi…