Vài nét về Lễ đâm trâu của đồng bào Tây Nguyên

08:37, 05/05/2009

Lễ đâm trâu, có nơi còn gọi là lễ ăn trâu. Đây là lễ hiến sinh, là lời cảm ơn Giàng (trời), cảm ơn thần linh đã cho mưa thuận gió hoà, đã giúp cho dân làng ngăn cản muông thú, chim chóc không phá hoại rẫy nương, cho mùa màng tươi tốt, dân làng sống hoà thuận, vui vẻ, không xảy ra dịch bệnh...

Hàng năm cứ sau mỗi mùa rẫy bà con dân tộc thiểu số ở các buôn làng thuộc khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên và một số vùng của nước ta, nhằm tạ ơn các vị thần đã phù hộ, độ trì cho bà con dân làng trong một năm làm ăn được mùa, con cháu khoẻ mạnh. Lễ Đâm Trâu được tổ chức từ tháng 12 cho đến tháng 3 âm lịch.

Lễ hội Đâm trâu với biểu tượng “cây nêu thần” là một sinh hoạt văn hoá dân gian nổi bật nhất, mang tính tổng hợp cao, có ý tưởng mong muốn cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trở thành một nghi lễ độc đáo trong các ngày hội của buôn làng như lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa. Đây là những ngày hội thực sự mang những nét văn hóa truyền thống, thể hiện rõ yếu tố cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống văn hóa xa xưa của người Tây Nguyên. Nhiều loại hình dân gian được huy động tham gia vào lễ hội này như âm nhạc, sân khấu, múa hát, múa kiếm, nghệ thuật tạo hình.

Lễ hội đâm trâu góp phần làm nên bản sắc Tây nguyên. Từ người Stiêng, Bahnar, Cờ tu, Êđê, Xê đăng, Yẻh, Xeđrá đến người Brâu đâu cũng có lễ hội đâm trâu, dù nghi thức lễ hội mỗi nơi tuy có khác nhau nhưng mục đích thì giống nhau.

Lễ hội đâm trâu là sự tổng hợp bởi nhiều yếu tố, và gắn liền với những hoạt động văn hóa truyền thống, mang ý nghĩa tâm linh và nhân sinh sâu sắc. Nếu đỉnh cao lễ hội là lúc mũi lao cắm vào tim con trâu, thì những âm thanh, những điệu vũ, lời ca, sự hiện diện cao vút lên không trung của cột đâm trâu chính là linh hồn của lễ hội. Trong những ngày diễn ra lễ mừng được mùa, công việc cầu kỳ chiếm nhiều công sức nhất là tuyển lựa và trang trí cột đâm trâu, biểu trưng cho sức mạnh, sự sống và niềm ước vọng của bản làng trong vụ mùa tới.

Ý nghĩa của lễ hội đâm trâu còn được phản ánh qua không khí linh thiêng, đậm chất núi rừng, khi vị chủ lễ thông báo tình hình bản làng trong năm, cung thỉnh sự phù hộ của các vị thần linh, về dự lễ, chứng giám cho tấm lòng của dân làng. Hòa cùng với tiếng trống, tiếng chiêng là sự cổ vũ của dân làng, những chàng trai tay lao, tay giáo nhảy múa xung quanh con trâu tạo một không khí nhiệt huyết, đầy sức sống. Trong những ngày lễ, tiết mục đâm trâu chính là phần không thể thiếu nó thể hiện rõ tính chất của lễ hội. Tất cả hòa vào nhau tạo thành một bản nhạc rộn ràng, đầy lạc quan, báo hiệu những điều tốt đẹp bắt đầu.