Bếp lửa trong nhà sàn dài của người Mạ

08:59, 14/12/2013

Cùng với đất, nước và không khí, lửa là một trong những yếu tố tạo nên cơ sở vật chất của thế giới. Do vậy, lửa có vai trò vô cùng quan trọng với cuộc sống con người. Đối với người Mạ, bếp lửa được coi như là linh hồn trong ngôi nhà của mình.

Lửa - vị thần mang lại sự may mắn

 

Cho đến nay, nhà sàn dài của người Mạ - một trong những cư dân bản địa ở Lâm Đồng vẫn là nơi cư ngụ của nhiều hộ gia đình nhỏ có quan hệ huyết thống theo dòng cha. Mỗi gia đình nhỏ sinh sống trong ngôi nhà đều có bếp nấu ăn riêng, số bếp tùy thuộc vào số hộ gia đình trong nhà, có nhà có tới 10 - 14 bếp. Các bếp được xếp thành một dãy ở giữa dọc theo chiều dài của ngôi nhà.

 

Cũng giống các dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên, người Mạ coi lửa là một vị thần linh, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Vì thế, mỗi khi người Mạ làm xong nhà mới, việc đầu tiên là chủ nhà phải tiến hành nghi thức lễ để cúng thần lửa xin cho phép được đặt ba hòn đầu rau và được nhóm lửa. Người Mạ rất chú ý đến việc chọn đất làm bếp mới. Đất để đắp làm khuôn bếp và hòn đầu rau phải lấy ở nơi đất sạch trên các gò cao. Người châm lửa nhóm bếp thường phải là người có uy tín nhất trong dòng tộc. Khi ngọn lửa thiêng đã được nhóm lên trong khuôn bếp thì gia đình của chủ bếp phải giữ cho được lửa trong bếp liên tục cháy suốt ngày đêm hôm đó không được để bếp tắt, sang ngày hôm sau nếu những khi không đun nấu thì phải ủ than dưới lớp tro để khi cần thì thổi lên và như vậy lửa trong bếp sẽ giữ được liên tục và luôn có hơi ấm. Bởi Người Mạ quan niệm lửa là một vị thần luôn mang lại sự may mắn cho các thành viên trong gia đình.

 

Không gian sinh hoạt gia đình

 

Bếp của người Mạ được khoanh theo hình chữ nhật hoặc hình vuông, trong lòng nện đất thật chặt làm lớp ngăn cách với mặt sàn để phòng lửa cháy xuống sàn, chính giữa đặt ba cục đất nung hình trụ tròn theo các góc của hình tam giác tạo thành chân kiềng dùng để đun nấu. Song song với khung bếp cách mặt sàn khoảng 80cm là giàn bếp làm bằng tre, nứa được treo bởi dây mây bốn góc, trên giàn đặt một cái nia để lưu giữ lương thực, thực phẩm cần sấy khô như: một xâu thịt rừng, da trâu, cá, hoặc thịt đã nướng… Trên cùng là giàn khói dùng treo những trái bầu khô, trái bắp giống, lúa giống và các vật dụng đan lát cần được hong khói để tăng thêm độ màu đen bóng và làm cho vật dụng được bền chắc hơn.

 

Đối với người Mạ, bếp không đơn thuần là nơi để nấu nướng, để sưởi ấm, mà còn là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Buổi chiều, sau những bữa cơm gia đình, mọi người thường ngồi lại quây quần bên bếp lửa để sưởi ấm và trò chuyện, chia sẻ những buồn vui… Người vợ lại miệt mài ngồi bên khung cửi để dệt cái chăn, cái khố hay cái áo… cho chồng con. Có khi chủ nhà lại đem nhạc cụ ra sử dụng, để tìm cảm giác khoan thai sau một ngày lao động mệt nhọc, hoặc mọi người ngồi nghe người già kể chuyện về núi rừng, nương rẫy và bản làng của dân tộc mình... Tất cả thể hiện sự ấm cúng, hạnh phúc của gia đình.

 

Nơi diễn ra nghi lễ quan trọng

 

 

Trên nhà sàn dài của người Mạ ngoài những bếp riêng biệt cho từng hộ gia đình nhỏ, ở gian giữa của nhà sàn, nơi giành cho ông, bà hoặc cha, mẹ ở còn có một bếp chính. Bếp chính chỉ dành riêng cho việc tiếp khách và cũng là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng trong dòng tộc. Vào những dịp lễ hội: Lễ đặt tên cho con, cưới xin, cúng nhà mới hay có khách quý đến nhà… mọi thành viên trong dòng tộc tụ lại quanh bếp chính của ngôi nhà và ngọn lửa trong bếp được thổi bùng lên. Trong âm thanh huyền ảo của cồng chiêng, cùng ngây ngất hương thơm của chóe rượu cần, mọi người ca hát, nhảy múa nhịp nhàng theo vòng tròn xung quanh bếp lửa bập bùng, cứ như thế cuộc vui có thể kéo dài thâu đêm.

 

Có thể nói bếp lửa của người Mạ luôn gần gũi, gắn bó không thể tách rời trong cuộc sống của họ. Đó chính là những nét văn hóa đặc thù gắn liền với trong đời sống sinh hoạt của các cư dân sinh sống nơi núi rừng hoang dã. Những nét văn hóa độc đáo ấy có từ bao đời và đang được người Mạ lưu giữ theo cùng thời gian.