Đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rượu cần là một sản vật quý gắn liền với đời sống sinh hoạt, tâm linh. Tuy nhiên, loại sản vật quý này đang dần mai một.
Để lưu giữ nét "văn hóa rượu cần", tại tỉnh Đắk Nông, vẫn còn nhiều gia đình đồng bào dân tộc M’nông, dân tộc Mạ không quên "nghề" làm rượu cần, sử dụng cho những ngày lễ như: đám cưới, đám hỏi, ma chay, Tết, lễ hội, mừng thọ... Rượu cần còn được dùng trong các buổi giao lưu văn hóa dân tộc, lễ hội các dân tộc có quy mô lớn. Uống rượu cần còn thể hiện sự bình đẳng trong cộng đồng.
Bà H’Cồng - hộ gia đình vẫn giữ nét truyền thống làm rượu cần bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, cho biết: Rượu cần gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của bà con, gắn liền với từng hộ gia đình, từng buôn, từng làng. Rượu cần là một thứ rất quý không thể thiếu trong các lễ hội, các nghi thức cúng trong gia đình, trong buôn làng. Rượu cần không chỉ là một thức uống quan trọng trong việc thực hiện các nghi thức lễ của đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn thể hiện sự thành kính đối với các thần linh (hay gọi là Yàng) và còn là cầu nối liên kết mọi người trong cộng đồng. Nguyên liệu chủ yếu để làm ra rượu cần là gạo và men. Đầu tiên lựa chọn loại gạo thơm ngon nhất, nấu chín để nguội, rồi trộn với men được chiết từ vỏ cây rừng, rồi ủ vào chóe.
Trong các bước làm rượu cần, phơi chóe là rất quan trọng, vì nó tạo ra rượu cần ngọt và không bị chua. Chị H’Brêm, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa cho biết: “Trước khi làm rượu thì phải rửa chóe thật sạch bằng nước nóng ngâm lá cây rừng, lau khô, sau đó phơi thật khô bằng ánh nắng mặt trời. Nếu thời gian phơi chóe càng lâu thì rượu cần trong thời gian ngâm sẽ không bị chua, thơm hơn, có vị ngọt hơn”. Thông thường rượu cần được ủ khoảng 2 tháng là có thể sử dụng được. Còn thời gian ủ càng lâu thì rượu càng ngon, độ đậm đặc nước cốt tăng lên, thơm mùi của nếp và đắng của men vỏ cây rừng.
Khuyến khích các hộ gia gia đình bà con đồng bào dân tộc thiểu số phát huy gìn giữ nét văn hóa làm rượu cần truyền thống là cần thiết.