Làng nghề Miến dong Côn Minh - Hương rừng Bắc Kạn

14:27, 10/03/2017

Miến dong Na Rì (Bắc Kạn) có hương vị đặc biệt là nhờ sử dụng nguyên liệu sạch, thuần khiết và được chế biến theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để làm ra loại miến thơm ngon này, người thợ phải chọn những củ dong riềng to, đều và ngon.

Dong diềng – nông sản sạch Côn Minh

 

Cây dong riềng có lịch sử phát triển khá lâu tại Côn Minh. Cách đây hơn 50 năm, người dân các thôn Lủng Vạng, Bản Lài đã trồng dong riềng để lấy củ ăn. Đến những năm 1985, một số hộ dân từ miền xuôi lên khai hoang đã trồng dong để nghiền lấy tinh bột, vận chuyển về xuôi bán. Trong xã, hộ này phổ biến cho hộ kia cách làm, ban đầu chỉ để ăn vào dịp Tết, sau có khách qua đường mua miến về xuôi làm quà. Nghề làm miến dong tại mảnh đất này bắt đầu hình thành từ đó.

 

oTrước đây chỉ sản xuất nhỏ lẻ để phục vụ trong phạm vi gia đình. Ngày nay, quy trình sản xuất ngày càng chuyên nghiệp hóa với đủ loại máy móc hỗ trợ nên nghề làm miến dong đã trở thành một nghề giúp nhiều hộ xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả. Hiện xã Côn Minh có 12 cơ sở chuyên sản xuất miến, 20 xưởng vừa sản xuất tinh bột vừa làm miến, cho nên diện tích dong riềng hiện có tại xã trồng đều được tận dụng, thu mua tối đa.

 

Cây dong riềng là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh, chi phí chăm sóc thấp, năng suất cũng như sản lượng luôn đạt cao. Theo anh Tuấn, chủ cơ sở sản xuất và chế biến miến dong Tuấn Phương cho biết, giá bán ra thị trường hiện này là khoảng 50.000 đồng/kg, vào những tháng cao điểm như cuối năm, mỗi ngày toàn xã tiêu thụ khoảng 1.000 tấn, trừ đi chi phí, các cơ sở sản xuất thu về vài trăm triệu đồng.

 

Nhận thấy ích lợi kinh tế từ cây trồng này cho công tác xóa đói giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân các địa phương trong tỉnh trồng và chế biến tinh bột dong riềng. Riêng trong năm 2012, cây dong đã được trồng tại nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh với diện tích 1.800ha. Những năm gần đây, tổng diện tích trồng dong của toàn tỉnh tiếp tục tăng lên 2.943ha. Trong đó Na Rì là địa phương trồng nhiều nhất với 1.133ha, riêng xã Côn Minh trồng được khoảng 230ha.

 

Miến dong - mũi nhọn kinh tế

 

Miến dong Côn Minh có hương vị đặc biệt, được chế biến theo quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với nguồn nguyên liệu thuần khiết là bột dong, hoàn toàn không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào, bởi vậy miến dong Côn Minh luôn chinh phục được cả những khách hàng khó tính nhất. Miến dong Côn Minh có màu xám đục, không phải vàng óng như các loại miến khác. Sợi miến dong Côn Minh có màu hơi nâu do nguyên liệu từ củ dong riềng được giữ ở dạng nguyên chất, không dùng chất tẩy, không pha trộn với các loại bột khác. Sợi miến cũng không cắt ngắn mà để dài, cuộn to, dai, giòn, có hương thơm đặc trưng của bột dong. Sợi miến sau khi nấu có thể để lâu mà không bị bở, nát, không có sạn.

 

Để tạo ra được những sợi miến ngon như vậy là cả một quá trình sản xuất đòi hòi cẩn thận và tỉ mỉ. Củ dong già sau khi thu về, rửa sạch đất cát rồi đem nghiền lọc bột. Bột dong thô còn phải qua nhiều lần đánh nhuyễn, cho vào bể lắng, bơm đầy nước cho tinh bột lắng xuống. Cứ như vậy, sau khoảng 10 lần lọc mới thu về bột dong nguyên chất đưa vào sử dụng. Người sản xuất sẽ trộn lẫn 90% bột dong sống cộng với 10% bột đun chín và cho thêm phèn chua, kết hợp với nguồn nước đặc biệt của địa phương tạo thành một hỗn hợp sánh đem vào tráng trên mặt chảo đường kính 1m theo kiểu tráng bánh cuốn, độ mỏng từ 1 – 1,2mm. Chờ khoảng 30 - 40 giây đến khi bánh chín, dùng ống nứa cuốn bánh ra trải căng trên phên. Mỗi phên bánh có kích thước dài 2-2,5m, rộng 0,6-0,7m được đem phơi nắng sơ qua.

 

Theo kinh nghiệm của những người làm miến lâu năm, miến được phơi nắng cho đến khi cầm tay thấy bánh hơi mềm, ráp tay là có thể mang đi cắt, nếu bánh tráng ẩm quá sẽ không cắt tạo sợi được, nếu khô quá cắt sẽ bị gãy vụn. Những sợi miến dài như vậy lại một lần nữa được đem phơi trên những giàn cao thoáng. Và cuối cùng là miến được cắt đoạn dài khoảng 40cm, đóng gói rồi đưa ra thị trường. Điều quyết định chất lượng miến có ngon hay không là phụ thuộc vào khâu pha chế tinh bột. Phương thức sản xuất tưởng như khá đơn giản nhưng lại không dễ chút nào, chỉ cần lơ là một chút, không tuân thủ quy trình là miến có thể bị khô, dễ gãy và sợi miến không được đều, đẹp.

 

Năm 2013, Miến dong Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể và được công nhận là một trong 100 “Sản phẩm - dịch vụ uy tín chất lượng năm 2013” do người tiêu dùng bình chọn. Và xã Côn Minh là một trong những đơn vị được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của mình. Sản phẩm miến dong của xã Côn Minh nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung được tiêu thụ khắp cả nước và ra thị trường nước ngoài. Sản phẩm miến dong Côn Minh đã được xuất khẩu sang các nước châu Âu và một số nước châu Á như: Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc...

 

Xây dựng được nhãn hiệu tập thể đã khó, nhưng giữ được giá trị thương hiệu thì còn khó hơn nhiều. Vì vậy, hiện nay xã Côn Minh và huyện Na Rì đang xây dựng quy hoạch trồng dong riềng, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa; nghiên cứu công nghệ chế biến miến dong đảm bảo chất lượng ngày càng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm tinh bột, miến dong và phát triển thị trường tiêu thụ thông qua các chương trình hội chợ triển lãm quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh…