Đã ở tuổi 75, nghệ nhân Y'mip Ayun (còn có tên gọi là Ama Kim), người dân tộc Ê Đê, sống tại buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, T.P Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vẫn tích cực hoạt động gìn giữ và trao truyền những giai điệu của nhạc cụ cũng như các làn điệu dân ca truyền thống, dân gian của dân tộc mình.
Tình yêu với những giá trị văn hóa Ê Đê
Ông Y'mip Ayun giành nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý như: Nghệ nhân xuất sắc tại Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên; giải Bông sen Vàng tại Liên hoan Hòa tấu âm nhạc dân tộc T.P Hồ Chí Minh lần thứ 2; giải Nhất diễn tấu chiêng của Buôn Ma Thuột năm 1997; Huy chương vàng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng toàn quốc; Huy chương Vàng các tiết mục hòa tấu nhạc cụ đing năm, đing pă, đinh bút, đinh tắc ta... Năm 2007, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. |
Như những nghệ nhân dân gian khác, Y'mip Ayun cũng mày mò tự học cách diễn tấu và chế tác các nhạc cụ truyền thống. Niềm đam mê tự nhiên, vốn có của ông với những nhạc khí Tây Nguyên bắt đầu ngay từ trong gia đình.
Cha của Y'mip Ayun là nghệ nhân diễn tấu và chế tác các nhạc cụ truyền thống nên ông đã học được ở cha mình từ khi còn nhỏ. Những lần tham gia lễ hội, sinh hoạt văn hóa của buôn từ khi còn rất nhỏ đã nuôi dưỡng từng ngày niềm đam mê của ông. Lên 8 tuổi, Y'mip Ayun đã thuộc nhiều bài chiêng cổ, diễn tấu thành thạo chiêng và khèn.
Khi trưởng thành, ông còn được học từ chính bố vợ là cố nghệ nhân Y Kril diễn tấu cồng, chiêng và nhiều nhạc cụ dân tộc khác. Hơn 30 tuổi, Y'mip Ayun đã học cách sử dụng và diễn tấu thành thạo các loại nhạc cụ từ cồng, chiêng đến các nhạc cụ làm bằng tre nứa như đing năm, đing tặc tà, đing puốt...
Khi mới bắt đầu chế tác, ông học chế tác những loại nhạc cụ đơn giản, sau đó đến các loại nhạc cụ phức tạp hơn, khó hơn. Năm 30 tuổi Y'mip Ayun đã biết chế tác trên chục loại nhạc cụ của dân tộc Ê Đê như đing năm, đing pút, đing păk, tắc ta, ching kram, đàn goong… Bên cạnh đó, ông còn sưu tầm, ghi nhớ những làn điệu dân ca cổ. Nhờ vậy, ông là người có khả năng thẩm âm, chỉnh chiêng theo đúng chuẩn mực của âm nhạc truyền thống, dân gian Tây Nguyên.
Không chỉ là người đam mê, Y'mip Ayun còn là một nghệ nhân tài hoa, am hiểu và có kiến thức sâu dày về âm nhạc truyền thống dân gian Ê Đê.
Hồi sinh và trao truyền
Ông là người đầu tiên, tìm tòi, nghiên cứu phục chế thành công các nhạc cụ chỉ còn trong trí nhớ của già làng và các cụ cao niên trong buôn. Ông nhớ, lúc đó ông ngoài 30 tuổi, thông qua sự mô tả về hình dáng, cấu tạo, âm thanh, cách diễn tấu của 1 số nhạc cụ mà tự mày mò phục chế. Nhờ vậy, nhiều nhạc cụ thất truyền đã được hồi sinh từ tình yêu của ông với âm nhạc truyền thống dân gian Ê Đê.
Không chỉ phục chế, hồi sinh được các loại nhạc cụ dân gian Ê Đê, ông còn chế tác, làm mới hình thức của nhạc cụ, vừa tiện sử dụng, vừa đẹp mắt. Bộ chiêng 7 chiếc nhỏ nhắn được chế tác bằng nắp thùng phuy là sản phẩm của óc sáng tạo và sự tài hoa của ông. Ông còn chế tác nên chiếc đing pơng bằng những ống nứa gắn song song với nhau nhưng dộ dài khác nhau, phía đế là tấm gỗ mỏng. Khi diễn tấu, 1 đến 2 người dùng tay dập xuống, tạo nên âm thanh như dàn ching kram (chiêng tre) 7 người diễn tấu. Nhạc cụ do ông chế tác có hình thức mới, độc đáo nhưng vẫn giữ được nét hoang sơ của nhạc khí Tây Nguyên.
Nghệ nhân Y'mip Ayun (đứng thứ 2) diễn tấu nhạc cụ trong sự kiện Những ngày “Đại đoàn kết ASEAN - Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (11/2014). Ảnh: Thanh Hà
Tiếng tăm của ông về tài nghệ diễn tấu, chế tác nhạc cụ truyền thống đã vang xa khỏi buôn làng bé nhỏ của mình, vang khắp núi rừng Tây Nguyên. Ngoài tham gia đội chiêng ở buôn Kô Siêr, ông còn tham gia nhiều chương trình biểu diễn của thành phố, của tỉnh Đắk Lắk, tham gia biểu diễn ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt, ông còn tham gia biểu diễn ở một số nước Đông Nam Á, Pháp, Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Ý…
Trước thực trạng lớp trẻ không đam mê, hứng thú với những giá trị văn hóa truyền thống dân gian Ê Đê, ông đã tích cực tham gia các hoạt động nhằm gìn giữ, phổ biến, truyền dạy vốn quý này.
Mỗi ngày, bắt đầu từ những việc nhỏ, ông bền bỉ nhen nhóm ngọn lửa đam mê của mình cho thế hệ trẻ. Đến với buôn Kô Siêr, thăm nhà ông hay xem đội văn nghệ của buôn biểu diễn, sẽ cảm nhận được tình yêu, đam mê của ông lan tỏa sang người xem khi ông diễn tấu cũng như nghe ông giới thiệu về những nhạc cụ truyền thống Ê Đê...