Tháp Chăm Khương Mỹ là một cụm 3 tháp thuộc địa phận huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; cách TP Tam Kỳ khoảng 2km về hướng Tây Nam. Tháp được xây dựng khoảng cuối thế kỷ IX, đầu thế kỷ X và được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1989.
Cụm tháp được xây theo kiểu tháp Chăm truyền thống, gồm tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam; cửa ra vào ở hướng Đông; mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới; trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch. Mỗi tháp có một cửa ra vào và 5 cửa giả; thân tháp và vòm cửa trang trí hoa văn thảo mộc cách điệu, phần đỉnh của mỗi vòm là một tổ hợp cành lá, đầu lá uốn cong xoắn xít, lá xếp thành nhiều tầng, thu nhỏ dần lên trên, tâm của vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành dạng lá đề.
Trên thân tháp, mỗi mặt tường đều có các trụ ốp trang trí hoa văn thảo mộc, xen kẽ với các mảng tường trang trí hình thoi nối tiếp nhau từ chân đến đỉnh tường. Phần chân và đỉnh của các trụ đỡ vòm cuốn chạm hoa sen cách điệu. Thân và chân tháp được ốp nhiều hình phù điêu có hình chim thần Garuda, rắn Naga, người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, khỉ… phần nào liên quan đến trường ca Ramayana, một sử thi nổi tiếng của Ấn Độ mang đậm dấu ấn Bà La Môn giáo, truyền thống văn hóa có ảnh hưởng đến người Chăm. Vùng xung quanh chân tháp có đặt các bệ đá được chạm phù điêu nổi hình voi, hình cột hoa sen cách điệu…, bên trên đặt tượng phù điêu mang đậm tính tâm linh.
Cụm tháp có diện tích không đồng đều dù được xây cùng thời điểm và đặt gần như sát cạnh nhau; nhỏ nhất là tháp Bắc, lớn nhất là tháp Nam. Một nét khác biệt ở tháp Nam là dù có hình dáng và cấu trúc tương đồng, nhưng trên thân tháp Nam chỉ có 4 trụ ốp tường. Có nhà nghiên cứu cho rằng, cụm thác Khương Mỹ còn có sự khác biệt với những tháp Chăm truyền thống, bởi sự pha trộn một số mô tuýp trong nghệ thuật kiến trúc Khmer.
Điểm đặc biệt ở cụm tháp là cấu trúc hầu như còn nguyên vẹn, chưa chịu nhiều sự tác động trùng tu của con người. Các vách tường ở kẽ giữa các tháp là còn rõ nét nhất, với rất nhiều hoa văn, phù điêu trên thân tháp. Trên các vòm cửa, những trang trí cũng còn gần như nguyên vẹn, rõ nét. Các tầng đỉnh tháp càng đặc sắc; có thể dù không hiểu về văn hóa, kiến trúc, tập quán tôn giáo của người Chăm, nhưng người xem vẫn dễ dàng cảm nhận được nét huyền bí nơi đây. Các hoa văn, phù điêu ở tầng đỉnh có đủ dạng hình tháp, như xếp bao quanh và chồng lên nhau cách điệu, tạo nên một không gian hình tháp khác bao quanh đỉnh tháp. Có lẽ phải tận mắt chứng kiến mới có thể hình dùng được sự đồ sộ, kỳ vĩ qua sự trình bày, trang trí hoa văn trên toàn bộ tháp. Sự phong hóa thân tháp theo thời gian cũng để lại những vệt ăn mòn lạ mắt, thú vị.
Vùng xung quanh chân tháp có nhiều bệ đá chạm phù điêu.
Cụm tháp Khương Mỹ cũng chứa nhiều hiện vật khảo cổ, tuy nhiên hầu hết đều đang được trưng bày ở Bảo tàng điêu khắc Champa Đà Nẵng. Trong đó có thể kể đến bệ thờ độc đáo thể hiện 2 cỗ xe ngựa có người điều khiển ở 2 mặt, 2 mặt kia là hình hoa sen và rùa; 2 pho tượng Dvarapala với gương mặt dữ tợn, tay phải vung kiếm, đứng dạng chân, đầu đội mũ miện có đính hoa; bức phù điêu thể hiện thần Krisna nâng núi Govahana, y phục dạng khố dài; pho tượng thần Vishnu 4 tay (hiện được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM)... Năm 2007, cụm tháp được khai quật thêm một phần chân tháp, thu được 124 hiện vật, gồm có các loại phù điêu, tượng người, tượng động vật như rắn Naga, khỉ, ngựa, voi; các loại trang trí chân tường, trang trí góc tháp, chóp tháp... Với những hiện vật còn lưu giữ, được khai quật, các nhà nghiên cứu xếp cụm thác Khương Mỹ vào một phong cách riêng: “Phong cách Khương Mỹ đầu thế kỷ X”.