Căn cứ Trung ương Cục miền Nam: “Địa chỉ đỏ” trong hành trình du lịch về nguồn

16:20, 22/04/2019

Rời thành phố Tây Ninh, theo Quốc lộ 22B khoảng 60km, tôi cùng các đồng nghiệp báo Đảng một số tỉnh miền núi phía Bắc đến thăm Khu Di tích Lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam - vùng đất “thép” Tây Ninh thuộc khu vực rừng Rùm Đuôn, thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên (sát biên giới Việt Nam - Campuchia). Nơi đây đã được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ cho một số cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam nước ta trong những năm tháng diễn ra cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên thăm quan Khu di tích.

Được biết, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là cơ quan cao nhất, có nhiệm vụ chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam đặt tại Nam Bộ;  được thành lập vào tháng 3-1951, là một bộ phận của Trung ương Đảng, được Trung ương ủy nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác của Đảng ở miền Nam, lãnh đạo quân dân miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Khi mới thành lập, Trung ương Cục miền Nam đứng chân trên địa bàn Sử Đập Đá - Chắc Băng thuộc vùng U Minh Thượng - tỉnh Cà Mau (nay thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang). Tháng 10-1954, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam để thành lập Xứ ủy Nam Bộ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, cuối năm 1955, tại các địa phương thuộc vùng địch tạm chiếm, các tổ chức Đảng phải trở lại hoạt động bí mật.

 Sau Phong trào Đồng Khởi 1960, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, các cuộc khởi nghĩa từng phần đã chuyển thành một cuộc chiến tranh cách mạng trên quy mô toàn miền Nam, Trung ương Cục miền Nam đã tái lập vào ngày 23/11/1961, đóng tại Suối Nhum - Mã Đà, Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Nhân sự lãnh đạo Trung ương Cục lúc này gồm 8 người,  do đồng chí Nguyễn Văn Linh (tức Mười Cúc) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ làm Bí thư Trung ương Cục. Qua từng giai đoạn, Trung ương Cục miền Nam được mang nhiều tên gọi (mật danh) khác nhau như A9, M40, K89, Ba Đình…

Do bối cảnh, điều kiện đặc biệt thời kháng chiến, cơ quan Trung ương Cục miền Nam đã phải di chuyển vị trí trú đóng trên 30 lần. Sau thời gian chiến đấu ở Chiến khu Đ, Trung ương Cục miền Nam được chuyển về khu B - Bắc Tây Ninh, vì Tây Ninh là địa bàn chiến lược quan trọng, với địa hình rừng núi trải rộng, nối liền cực Nam Trung Bộ với đồng bằng Tây Nam Bộ, đặc biệt là nhân dân các dân tộc có truyền thống yêu nước. Đó là điều kiện thuận lợi để hình thành căn cứ kháng chiến, xây dựng hệ thống căn cứ liên hoàn, tạo thế vững chắc cho lực lượng kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam thuộc tỉnh Tây Ninh với diện tích khoảng 70ha, có giá trị đặc biệt: Trong 15 năm (1961-1975), tại đây đã cụ thể hóa được nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam; từ đó cho ra đời nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi toàn chiến trường miền Nam.

Căn cứ Trung ương Cục miền Nam trở thành Thủ đô của cách mạng miền Nam, là nơi lưu lại những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng cùng bao cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc trên địa bàn miền Nam, đặc biệt là chiến trường Nam Bộ. 

Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn đó, khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam đã được đầu tư, phục dựng lại như nguyên bản, gồm 3 phân khu chức năng: Khu di tích, khu tưởng niệm, khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên - du lịch. Đến thăm khu di tích, điểm đầu tiền chúng tôi dừng chân là Nhà trưng bày di tích lịch sử gồm khoảng 1.000 hình ảnh, hiện vật mô phỏng lại đời sống, sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng tại chiến khu xưa, như: Mô hình căn nhà lá của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chiếc bàn làm việc của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, xe đạp của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, súng tự tạo mang tên “Ngựa trời” và sa bàn về toàn bộ khu căn cứ... Những hiện vật đó đã giúp chúng tôi hình dung khái quát về chiến khu xưa.

Rời Nhà trưng bày, theo con đường nhỏ quanh co, chúng tôi tới thăm khu nhà lá đơn sơ ẩn mình trong những lùm cây rậm rạp, bao gồm: Nhà hội họp tập thể, nhà ở của các cán bộ cao cấp, nhà ở của chiến sĩ và các ban, ngành. Đây là nơi mà 3 đồng chí từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Cục miền Nam (Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh và Phạm Hùng) cùng nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khác như: Võ Văn Kiệt, Phạm Thái Bường, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Trần Nam Trung… đã từng sống và làm việc. Những căn nhà này đều có đặc điểm nổi bật là không có kèo, không lót đòn tay, được dựng bằng tre, gỗ, mái lợp lá trung quân (một loại lá đặc biệt của vùng đất này, rất dai, bền, khó bị mục bởi mưa nắng và không bắt lửa). Trong các khu nhà, nhiều vật dụng mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từng sử dụng trong những năm tháng kháng chiến như: Chõng tre, tủ, kệ, bàn, ghế, tài liệu, túi da, bút, đài, đèn… đều được để đúng vị trí như trước đây. Bên cạnh mỗi căn nhà là một hầm chữ A nửa chìm, nửa nổi. Các hầm này được nối với nhau bởi hệ thống giao thông hào liên hoàn dài hàng chục cây số, đan xen như mạng nhện...

Cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên chụp ảnh lưu niệm trước căn nhà đồng chí Nguyễn Văn Linh từng sống và làm việc.

Đến với Khu di tích, chúng tôi còn được thăm hệ thống bếp lửa Hoàng Cầm: Trong thời gian tham gia chiến đấu tại căn cứ, với vai trò là anh nuôi, ông Hoàng Cầm đã nghĩ ra một loại bếp lửa theo kiểu hang chuột mà khi đun nấu không có khói nhằm tránh sự phát hiện của địch. Bếp được đào sâu xuống lòng đất, có các ống dẫn khói, hầm phụ chứa khói và nhiều rãnh nhỏ để thoát khói. Trên các đường rãnh có phủ nhiều lá cây. Khi đốt lửa, áp suất không khí sẽ đẩy khói bay theo đường dẫn vào hầm chứa khói, sau đó khói tiếp tục tỏa ra theo các đường rãnh, gặp lá cây chỉ bay nhẹ như những làn sương mỏng. Bếp lửa Hoàng Cầm đáp ứng được một trong 3 yêu cầu bí mật đặt ra trong căn cứ cách mạng, đó là: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”...

Đến với Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chúng tôi, các đồng nghiệp và nhiều du khách đã cảm nhận sâu sắc hơn về địa bàn chiến lược, cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam những năm kháng chiến; càng hiểu hơn về những năm tháng chiến tranh ác liệt và đóng góp, hy sinh của lớp cha anh đi trước, góp phần to lớn tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với những giá trị đặc biệt, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được công nhận là “Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia” năm 1990 và được xếp hạng là “Di tích Quốc gia đặc biệt” năm 2012. Di tích đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong du lịch hành trình về nguồn, có giá trị lớn đối với giáo dục truyền thống và là điểm đến hấp dẫn, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách trong và ngoài nước...