Món ngon từ ruốc biển

Theo Thanhnien.vn 09:04, 05/05/2023

Đang vào mùa trăng. Ở đâu mùa trăng là mùa… lãng mạn chứ ở làng biển, mùa trăng là những đêm lao động "xúc ruốc". Gần bờ thôi, có thể nghe văng vẳng tiếng reo hò khi được những mẻ ruốc nặng tay.

Cách đánh bắt ruốc truyền thống là dùng lưới mành. Nhưng sắm giàn mành thì nhiều tiền, thuyền cũng lớn nên ít người sắm.

Trai biển ít vốn chọn cách "mì ăn liền". Nghĩa là chèo xuồng ra cách bờ vài trăm mét, chờ trăng lên, ruốc "say" trăng quây lại thành mảng thì lấy vợt xúc. Nói là "xúc" vậy chứ cũng khó, không phải như xúc đất. Động tác xúc ruốc dứt khoát, nhanh nhẹn thì mỗi vợt mới được cỡ non một ký. Còn vụng về chậm chạp thì vét vợt cũng chỉ nửa bụm là cùng.

Nguyên liệu để chế biến và món ruốc tươi xào cà đã sẵn sàng để ăn
Nguyên liệu để chế biến và món ruốc tươi xào cà đã sẵn sàng để ăn

Con ruốc có nơi gọi là tép biển vì hình dạng giống con tép thu nhỏ mấy chục lần. Gọi "tép biển" cho oai thôi chứ thân hình ruốc còm nhom như que tăm. Thức ăn của ruốc là các loại vi sinh vật phù du. Mình ruốc trong suốt tưởng chẳng có tí thịt nào nhưng khi "vào món" thì cho hương vị rất đậm đà.

Ruốc hòa muối, vắt lấy nước, phơi vài nắng rồi bỏ vô cối giã nhuyễn làm nên món mắm ruốc cô đặc, mặn mà, để lâu vô tư. Ăn bún riêu mà có tí mắm ruốc thì… không ngẩng nhìn ai, cứ húp xoàn xoạt. Còn nước vắt từ ruốc thì đem dang nắng sẽ thành thứ mắm có màu hồng nhạt . Thứ này gia vị sơ sơ rồi chan với bún tươi thì ngon "bá cháy", có thể "đánh" bay vài tô đầy hụ mà không thấy ngán. Bánh xèo vỏ (bánh trắng trơn không pha trộn tôm thịt) còn ấm nóng mà chấm với mắm này thì ôi thôi biết mấy cho vừa!

Ruốc tươi trộn chút muối hột, cho vô hũ đậy kín, để vài ngày thành mắm ruốc muối xổi (ăn nhanh). Muối kiểu này khi mở nắp, mùi thơm phải nói là "bùng nổ", đánh thức cả xóm chứ không thơm rón rén rụt rè như các loại mắm khác. Múc ra chén, trộn chút ớt bột và ít gừng giã nhỏ, ăn với bánh tráng mì hoặc cơm nóng hả, chu cha ơi ta nói nó ngon "lịch sử" luôn. Trẻ nhỏ không ưa ngồi mâm, thích cầm miếng bánh tráng bự rưới đều mắm ruốc chạy ra ngõ đứng ăn.

Tháng này nắng tốt, dân làng hay phơi ruốc trước hiên, trên chái nhà. Nếu lượng ruốc nhiều thì phơi ngoài bãi biển. Ruốc đúng nắng, nhúm vài con ăn sống cũng cảm nhận được vị thơm ngon. Nếu trộn ruốc khô với xà lách, bún mì, rau thơm, hành ngò cùng chút mắm tỏi thì thành món gỏi đậm đà phong vị biển. Cúng giỗ, tiếp khách hoặc chiều chiều "ngồi với nhau" thì món này rất được ưa chuộng. Dân Sài Gòn "gốc biển" rất thích ruốc khô rang với gia vị. Món này bỏ vô hũ thủy tinh để cả mấy tháng mùi vẫn đượm, dùng làm món ăn vui miệng cho cả nhà. Bữa cơm ở phố có chén ruốc rang cứ ngỡ một góc làng chài thân thuộc hiện về.

 

Đồng bào vùng núi Ba Tơ, Sơn Hà, Trà Bồng… (Quảng Ngãi) nhà nào cũng trữ vài chum ruốc khô mua từ giữa hè để dành ăn cho tới tết. "Trời nắng nóng, đi làm về, cắt miếng bầu nấu canh với nhúm ruốc khô tự nhiên thấy… mùa thu dịu mát", cô bạn ở Sơn Hà kể.

Bữa rồi nhóm bạn khoác cho ruốc "chiếc áo mới". Không dùng ruốc khô mà "chơi" luôn ruốc mới từ biển lên bờ, tươi ngời ngời. Ruốc tươi xào với cà vừa chín vàng, vài tép hành, chút rau thơm khiến món ruốc trở nên lạ lẫm, bắt mắt và lôi cuốn lắm. Dùng bánh tráng thay muỗng, xúc miếng ruốc xào, mới nhai sơ đã nghe từng con ruốc tận hiến bằng tiếng kêu lụp bụp. Lắng nghe, có thể cảm được vị ngọt thật thà của biển tiết ra từ con ruốc, xen lẫn mùi thơm hiền lành, chân chất của rau quả đất làng.