Căng thẳng trong quan hệ giữa I-ran và I-xra-en ngày càng gia tăng sau khi xảy ra vụ tiến công nhà máy quân sự En Y-ác-múc của Xu-đăng mà Khắc-tum cáo buộc do máy bay I-xra-en không kích. I-xra-en lâu nay coi Xu-đăng, nước có quan hệ thân thiết với I-ran, là địa bàn trung chuyển vũ khí sang dải Ga-da của Pa-le-xtin để hậu thuẫn Phong trào Ha-mát. Ðáp lại, hai tàu chiến I-ran chở máy bay lên thẳng vũ trang và tàu khu trục Shahid Naqdi đã cập cảng Xu-đăng.
Những cáo buộc của Xu-đăng xuất phát từ lịch sử quan hệ phức tạp giữa các nước này. Trong ba năm qua, I-xra-en đã thực hiện ba cuộc tiến công vào phía đông Xu-đăng với cáo buộc vũ khí của I-ran và Li-bi được tuồn vào dải Ga-da thông qua lãnh thổ Xu-đăng. Nhà máy Y-ác-múc ở Khắc-tum bị nghi ngờ là nơi chế tạo và sản xuất đạn, rốc-két cung cấp cho các tay súng Hồi giáo ở dải Ga-da và Y-ê-men. Phương Tây cho rằng, Tê-hê-ran tìm cách thiết lập các tuyến đường buôn bán vũ khí từ Ấn Ðộ Dương và Biển Ðỏ vào dải Ga-da để hỗ trợ các nhóm vũ trang thân I-ran ở khu vực chống I-xra-en. Tầm quan trọng của tuyến hàng hải qua Biển Ðỏ và vịnh A-đen cũng như sự ổn định của các tuyến đường vận chuyển vũ khí này biến một phần khu vực Ðông Phi thành chiến trường thứ hai của I-ran và I-xra-en.
Chuyến viếng thăm của các tàu chiến I-ran cho thấy sự xích lại gần nhau giữa Tê-hê-ran và Khắc-tum. Nhiều nhà phân tích trong khu vực cho rằng, I-ran đang tìm cách củng cố mối quan hệ với Xu-đăng nhằm tìm một chỗ đứng ở châu Phi. Sự hiện diện của I-ran ở khu vực Sừng châu Phi và bờ Biển Ðỏ, cánh cửa phía bắc châu Phi, có thể mở đường cho Tê-hê-ran mở rộng vai trò ở khu vực này. Hơn thế, sự phong tỏa của phương Tây đối với I-ran buộc quốc gia Hồi giáo này phải xây dựng quan hệ gần gũi hơn với các nước "cùng cảnh ngộ" như Xu-đăng nhằm thoát khỏi sự cô lập.
Cắng thẳng giữa I-ran và I-xra-en gia tăng kể từ khi nhà nước Do Thái liên tục đe dọa sẽ không kích các cơ sở hạt nhân của Tê-hê-ran nhằm ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu nhiều lần hối thúc Mỹ đặt ra "giới hạn đỏ" đối với I-ran trong vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, mong muốn này của I-xra-en vẫn bị Mỹ phớt lờ, buộc Ten A-víp không ít lần tuyên bố sẽ tiến công phủ đầu I-ran bất kỳ lúc nào mà không cần tham vấn đồng minh thân cận. Bộ trưởng Quốc phòng I-xra-en E.Ba-rắc từng ra lệnh cho quân đội chuẩn bị tiến công các cơ sở hạt nhân của I-ran, song sau đó đã hủy lệnh này do sự phản đối của Tham mưu trưởng quân đội khi đó là Tướng G.A-ske-na-di và Giám đốc cơ quan tình báo Mossad M.Ða-gan. Gần đây ông E.Ba-rắc bày tỏ sự hoài nghi về khả năng giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Tê-hê-ran thông qua đàm phán, đồng thời cảnh báo I-xra-en sẽ phải đối mặt với quyết định có tiến hành không kích I-ran hay không vào năm 2013. Trong khi đó, chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 6-11 vừa qua, Thủ tướng I-xra-en B.Nê-ta-ni-a-hu tuyên bố, Ten A-víp sẵn sàng tiến công vào các cơ sở hạt nhân của I-ran "nếu cần thiết", để bảo đảm Tê-hê-ran không có bom nguyên tử. Cuối tháng 9 vừa qua, lần đầu tiên I-ran thừa nhận khả năng xảy ra chiến tranh với I-xra-en. Dù chịu nhiều sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, song I-ran luôn thể hiện thái độ cứng rắn không lùi bước trước bất kỳ đe dọa nào, đồng thời nỗ lực tăng cường khả năng phòng ngự và phản công của các lực lượng vũ trang, đề phòng cuộc xâm lược xảy ra.