Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và ngành tài nguyên môi trường của Việt Nam, ngành quản lý đất đai đã đạt được những thành tựu đáng kể trong 70 năm phát triển vừa qua.
Bên cạnh nội lực phát triển của ngành, có thể thấy sự đóng góp, hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài thông qua quá trình hợp tác, hội nhập đóng vai trò rất quan trọng, giúp Ngành tiếp cận với kinh nghiệm quốc tế, các nguồn hỗ trợ chuyên gia, và các tiến bộ về khoa học, công nghệ trong khu vực và trên thế giới.
* Quan hệ hợp tác với trên 30 quốc gia và các tổ chức quốc tế
Trải qua các thời kỳ: Tổng cục Quản lý ruộng đất, Tổng cục Địa chính, Tổng cục Quản lý đất đai, công tác hợp tác quốc tế đã duy trì và liên tục phát triển quan hệ với các đối tác nước ngoài, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương. Tích cực tham gia các chương trình, dự án hợp tác, các công ước, hiệp định quốc tế. Cho tới nay, trong lĩnh vực quản lý đất đai đã xây dựng được quan hệ hợp tác với trên 30 quốc gia và các tổ chức quốc tế, với phạm vi hợp tác bao trùm tất cả các lĩnh vực chuyên môn thuộc chức năng của Tổng cục Quản lý đất đai.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết: Kể từ khi thành lập Tổng cục Quản lý đất đai trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 10/2008, trên cơ sở kế hoạch hợp tác của 1 điều ước, thỏa thuận quốc tế cấp Chính phủ, 5 điều ước, thỏa thuận quốc tế cấp Bộ; 8 thỏa thuận hợp tác cấp Tổng cục, ngành quản lý đất đai đã huy động được nguồn vốn ODA đáng kể để triển khai 11 dự án tập trung vào các nội dung hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai; hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng mô hình hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Ngoài việc tiếp nhận các nguồn vốn hỗ trợ, việc triển khai kế hoạch hợp tác chuyên ngành còn tạo điều kiện để các cán bộ của Tổng cục và các địa phương tiếp cận với nguồn chuyên gia, tiếp thu kinh nghiệm về quản lý đất đai của các nước đối tác, hỗ trợ cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển ngành quản lý đất đai, Đề án tăng cường năng lực ngành quản lý đất đai, Luật Đất đai sửa đổi, Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, Hệ thống thông tin đất đai,…
Các hoạt động hợp tác bao gồm hợp tác song phương với các cơ quan chuyên môn (Cơ quan Lập bản đồ, Địa chính và Đăng ký đất đất đai Thụy Điển, Cơ quan Địa chính, Đăng ký đất đai và Bản đồ Hà Lan, Hội đồng Công chứng tối cao Pháp, Viện Nghiên cứu tái định cư Hàn Quốc và Bộ Đất đai, Giao thông và Hàng hải Hàn Quốc…), các tổ chức hợp tác phát triển (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển (SIDA), Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada(CIDA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), hợp tác đa phương (Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO)…
Các lĩnh vực hợp tác quốc tế trong giai đoạn vừa qua đã tích cực hỗ trợ cho các mảng công tác chuyên môn của Tổng cục thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi chuyên gia, đào tạo, tổ chức hội nghị, hội thảo…Trong đó lĩnh vực được chú trọng nhất trong hợp tác quốc tế song phương và đa phương của Tổng cục trong giai đoạn từ 2008 đến nay là xây dựng, phát triển chính sách và thể chế, đào tạo, nâng cao năng lực. Đến nay, hầu hết các văn bản pháp luật quan trọng về quản lý, sử dụng tài nguyên đất đều có sự tham gia đóng góp của các nhà tài trợ song phương và đa phương, quan trọng nhất là Luật Đất đai (năm 2003), Luật Đất đai sửa đổi (năm 2013) và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật (Nghị định, Thông tư).
* Hợp tác quốc tế tập trung vào các trụ cột chính
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Trong thời gian tới, về các điều kiện khách quan, ngành quản lý đất đai sẽ phải đối mặt với các vấn đề chủ như nhu cầu về sử dụng tài nguyên đất ngày càng đa dạng và nhiều thách thức do nhu cầu phát triển, quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá của Việt Nam, tình hình suy thoái đất và biến đổi khí hậu ở Việt Nam và toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, do vậy, nguồn vốn ODA hỗ trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi cho Việt Nam sẽ tiếp tục giảm, thay vào đó, Việt Nam sẽ phải vay vốn thương mại cho các hoạt động phát triển khi có nhu cầu.
Để có thể tích cực sử dụng các nguồn hỗ trợ nước ngoài, công tác hợp tác quốc tế cần tiếp tục thực hiện trên cơ sở bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, định hướng huy động và sử dụng nguồn vốn ODA, các chiến lược, nghị quyết của Đảng và Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế và định hướng phát triển của ngành quản lý đất đai nói riêng, ngành tài nguyên và môi trường nói chung.
Trong giai đoạn tới, các hoạt động hợp tác quốc tế sẽ được lập kế hoạch và triển khai dựa trên quan điểm phát triển chung là tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và mục tiêu nâng cao năng lực quản lý nhà nước ngành Quản lý đất đai theo hướng hiện đại, nhằm tổ chức thực thi hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; cần tích cực tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài, tăng cường nội lực để tiếp tục quá trình hoàn thiện, hiện đại hóa ngành theo hướng nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ đất đai cho các bên có liên quan một cách thống nhất, minh bạch, hiệu quả.
Cụ thể, các hoạt động hợp tác quốc tế sẽ tập trung vào các trụ cột chính. Đó là huy động, sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ quốc tế triển khai nghiên cứu kinh nghiệm một số nước về quản lý đất đai đa mục tiêu và đề xuất mô hình quản trị đất đai bền vững cho Việt Nam. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới để hỗ trợ thiết kế phương án quản lý và sử dụng đất tổng hợp, theo dõi và giám sát chất lượng đất, ô nhiễm đất. Cơ chế hợp tác song phương và đa phương cần được xây dựng nhằm trao đổi kinh nghiệm, huy động các nguồn hỗ trợ về tài chính và hỗ trợ kỹ thuật từ Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế, các quốc gia và vùng lãnh thổ, thực hiện hợp tác công tư (PPP) để hỗ trợ cho việc hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về tài nguyên đất đai. Chia sẻ, chuyển giao kinh nghiệm quản lý đất đai của Việt Nam. Huy động các nguồn hỗ trợ phi chính phủ phù hợp với điều kiện và nhu cầu của ngành.
Để đạt được mục tiêu này, ngành Quản lý đất đai đang đề ra những giải pháp tích cực và hiệu quả bằng những giải pháp tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế song phương và đa phương, theo hướng đa phương hóa và đa dạng hóa, tập trung vào các lĩnh vực phát triển chính sách và thể chế, nâng cao năng lực, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Quan điểm hợp tác là đôi bên cùng có lợi, phù hợp với quy định, chính sách của các bên, hướng tới mục tiêu phát triển ngành quản lý đất đai một cách hiệu quả, bền vững.
Không chỉ tập trung vào các đối tác hiện có, mà cần tích cực mở rộng, tìm kiếm các đối tác và quan hệ hợp tác khác. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị làm công tác hợp tác quốc tế, cả ở cấp Tổng cục và cấp Bộ (với Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Tài nguyên và Môi trường và với các Vụ Hợp tác quốc tế của các đơn vị khác của Bộ). Các đơn vị chuyên môn cần tích cực, chủ động hơn trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch hợp tác, chứ không chỉ đơn thuần tiếp nhận một cách thụ động các kết quả của hoạt động hợp tác quốc tế.
Tiếp tục nâng cao chất lượng các đơn vị, cán bộ trực tiếp làm công tác hợp tác quốc tế, cả về tổ chức biên chế và chức năng, nhiệm vụ. Cùng với chú trọng xây dựng tiêu chuẩn, quy chế đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ làm công tác hợp tác quốc tế, cần có chính sách, cơ chế thu hút cán bộ có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hội nhập quốc tế trong tình hình mới./.