Cách quản lý xoay vòng vốn hiệu quả cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

TNĐT 10:37, 28/06/2024

Khi xây dựng và phát triển doanh nghiệp, việc quản lý quay vòng vốn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững. Bài viết dưới đây sẽ mang đến các phương pháp quản lý xoay vòng vốn hiệu quả, nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh một cách hiệu quả nhất.

Vòng quay vốn là chỉ số đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp, thể hiện qua tỷ lệ giữa doanh thu thuần và vốn lưu động bình quân.

1. Tận dụng khai thác nguồn vốn kinh doanh và vốn lưu động

Bên cạnh nguồn vốn sẵn có, doanh nghiệp có thể khai thác nguồn vốn bên ngoài. Các nguồn tài trợ đáng tin cậy với lãi suất phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu đáng kể chi phí sử dụng vốn. Một số nguồn tài trợ phổ biến là: vốn ngân hàng, vốn kinh doanh/liên kết, vốn chiếm dụng.

• Vay ngân hàng: Doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn ngắn hạn qua giải pháp vay bổ sung vốn lưu động tại ngân hàng để giải quyết các khó khăn tài chính như trả lương cho nhân viên, thanh toán tiền hàng…

• Vốn liên doanh, liên kết: Hình thức này phù hợp với doanh nghiệp đang thiếu vốn để tự thực hiện dự án. Khi tiến hành liên kết, bên cạnh sự hỗ trợ về vốn, doanh nghiệp được học hỏi kinh nghiệm quản lý và sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định chung về dự án.

• Vốn chiếm dụng: Mục đích của việc sử dụng vốn chiếm dụng có thể là để tận dụng các cơ hội kinh doanh, mở rộng quy mô, hoặc đạt được một vị thế chiến lược trong thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng vốn chiếm dụng cũng đi kèm với rủi ro và yêu cầu doanh nghiệp phải có kế hoạch chi tiết để đảm bảo sự thành công và hiệu quả của chiến lược đó.

Các nguồn vốn bên ngoài có thể giúp doanh nghiệp giải quyết các khó khăn tạm thời
Các nguồn vốn bên ngoài có thể giúp doanh nghiệp giải quyết các khó khăn tạm thời

2. Quản lý tài chính cho doanh nghiệp

Bên cạnh tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài, doanh nghiệp cần quản lý hiệu quả kế hoạch tài chính để tối ưu hóa nguồn vốn và đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn. Sau đây là các cách quản lý tài chính hiệu quả:

• Giới hạn tài chính: Nếu không có kế hoạch giới hạn tài chính chi tiết, nguồn vốn sẽ nhanh chóng hao hụt mà không được phân bổ hợp lý. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần đặt ra giới hạn chi tiêu để đảm bảo quá trình kinh doanh thông suốt.

• Điều chỉnh chi phí: Trong quá trình triển khai hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể phát sinh những thay đổi nhất định. Do đó, việc theo dõi và điều chỉnh chi phí kịp thời giúp doanh nghiệp đảm bảo các khoản chi được đáp ứng đầy đủ, không vượt quá khả năng tài chính của doanh nghiệp. Một số giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn nhưng vẫn đảm bảo trong hạn mức chi tiêu: vay hạn mức kinh doanh tại ngân hàng, tìm kiếm đối tác dự án…

• Quản lý rủi ro: Dự báo và đề ra biện pháp quản lý rủi ro là điều cần thiết với mỗi doanh nghiệp. Việc mua bảo hiểm, xây dựng quỹ dự phòng là những biện pháp doanh nghiệp nên cân nhắc thực hiện để đảm bảo sự vận hành ổn định và khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

3. Hiểu nhu cầu tài chính của doanh nghiệp và theo dõi sát sao

Bản kế hoạch tài chính là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp có thể quản lý và tận dụng nguồn vốn một cách hiệu quả. Tuy nhiên, việc xây dựng một kế hoạch tài chính chi tiết và hợp lý đòi hỏi sự chuẩn bị cẩn thận và sự am hiểu sâu sắc về nhu cầu tài chính của doanh nghiệp.

Để lập kế hoạch tài chính chi tiết và đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra, doanh nghiệp cần:

• Xác định mục tiêu tài chính: Việc xác định mục tiêu tài chính là bước quan trọng nhất. Mục tiêu này không chỉ giúp định hình hướng đi của doanh nghiệp mà còn hỗ trợ trong việc quyết định chi phí và phân bổ vốn.

• Phân bổ vốn hợp lý: Khi xác định được mục tiêu tài chính, doanh nghiệp sẽ trả lời được các câu hỏi: Doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư bao nhiêu tiền? Mức độ ưu tiên tài chính cho các hoạt động ra sao? Từ đó, doanh nghiệp có thể phân bổ ngân sách phù hợp và dự trữ vốn lưu động để thực thi kế hoạch.

• Xây dựng dự báo tài chính: Việc tính toán và dự báo mức chi tiêu tài chính cho các từng hạng mục giúp doanh nghiệp ước tính được nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu tài chính tăng thêm dự kiến. Dựa vào đó, doanh nghiệp có thể quyết định nên sử dụng lợi nhuận dự trữ hay huy động thêm vốn từ bên ngoài.

• Đề xuất các biện pháp cần thiết: Dựa trên bản dự báo tài chính, doanh nghiệp cần đưa ra các biện pháp cụ thể về quản lý vốn lưu động, sử dụng nguồn vốn dự phòng... Việc này giúp doanh nghiệp đảm bảo có đủ nguồn tài chính để triển khai kế hoạch thuận lợi và tự chủ hơn khi gặp rủi ro.

Trong quá trình triển khai, các chủ doanh nghiệp cũng cần giám sát và theo dõi chặt chẽ bản kế hoạch tài chính. Các tài liệu như bản cập nhật về thị trường, thuế hay đánh giá danh mục đầu tư giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả và lường trước rủi ro, từ đó có các giải pháp đối phó phù hợp.

Bên cạnh đó, các chủ doanh nghiệp cũng cần tích cực quan sát và nắm bắt tình hình từ thị trường để điều chỉnh kế hoạch tài chính. Từ đó, doanh nghiệp không chỉ giải quyết được vấn đề tài chính nội bộ, thích ứng tốt với thị trường đầy biến động mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.

Hiểu nhu cầu tài chính của doanh nghiệp là tiền đề để xoay vòng vốn hiệu quả.
Hiểu nhu cầu tài chính của doanh nghiệp là tiền đề để xoay vòng vốn hiệu quả.

Trên đây là tổng hợp cách quản lý xoay vòng vốn tối ưu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quản lý vốn hiệu quả là quá trình đòi hỏi thời gian, kinh nghiệm và nỗ lực của doanh nghiệp. Vì vậy, việc thử nghiệm và áp dụng thành công các cách thức quản lý mới là rất quan trọng để doanh nghiệp thành công.