Việt Nam, quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng, tạo nên bức tranh văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, dân tộc Sán Dìu có khoảng 130.000 người, sống tập trung đông ở các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang… Hiện nay đa số đồng bào vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Về tín ngưỡng dân gian, cũng như các dân tộc khác, đồng bào Sán Dìu quan niệm có những thế lực siêu nhiên có thể giúp họ giải quyết được những công việc ngoài khả năng của con người, được thể hiện qua những hình thức sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng trong cuộc sống hàng ngày, các nghi lễ như: giải hạn (thu han), lễ cúng ma của (nam kui), hay các nghi thức cúng gia tiên dòng họ (nam zhu công)…
Trong mỗi dân tộc, mỗi tộc nguời đều có những quan niệm khác nhau về hồn, vía và thế giới tâm linh. Quan niệm về hồn và vía của một số dân tộc cho rằng thân thể người nam có bảy lỗ (thất khiếu), thân thể người nữ có chín lỗ (cửa khiếu) nên đã phát triển quan niệm nam có ba hồn bảy vía, nữ có ba hồn chín vía (tương ứng với bảy lỗ và chín lỗ), còn theo dân tộc Sán Dìu thì nam cũng như nữ, chỉ có ba ồn và bảy vía mà thôi.
Hồn theo tiếng Sán Dìu là "vun" còn Vía là "fac". Người Sán Dìu cho rằng hồn vía bắt đầu hình thành từ khi con người bắt đầu được đầu thai và đi theo con người trong suốt cuộc đời, sau khi chết hồn vía đi cùng người chết sang thế giới bên kia. Những người có tuổi đời từ 13 trở lên sau khi chết hồn vía biến thành ma đi theo tổ tiên, còn trẻ em (dưới 13 tuổi) sau khi chết hồn vía không thành mà mà tiếp tục đầu thai trở lại. Vì có quan niệm như vậy nên mỗi khi có trẻ em chết, người Sán Dìu thường đánh dấu cho đứa trẻ để theo dõi sự đầu thai trở lại cho kiếp sau.
Trong nghi lễ cúng hồn vía của người Sán Dìu có nhiều nội dung khác nhau, lễ cúng thường theo hướng dẫn của thầy cúng. Trong tín ngưỡng của người Sán Dìu vai trò của thầy cúng rất quan trọng, thầy cúng có thể giúp người dân cúng ma, giải hạn, gọi hồn vía… Mỗi khi trong nhà có người ốm đau họ thường nhờ thầy cúng đoán bệnh, nếu là ma bắt hồn vía thì nhờ thầy cúng chuộc hồn (Slôc vun), theo quan niệm của thầy cúng nếu gặp được ma bé thì thầy cúng làm phép đuổi ma lấy lại hồn vía, còn gặp ma lớn thì không đuổi được mà phải làm các thủ tục để chuộc, nói như vậy nhưng thường thầy cúng chỉ dùng phương pháp chuộc hồn là chính, theo phương pháp này dù gặp ma lớn, ma bé đều được, còn trường hợp dùng phép đuổi ma không may gặp ma cao tay hơn thì sẽ nguy hại đến bản thân thầy cúng.
Đối với trường hợp người bệnh hồn vía bị lạc, thầy cúng thực hiện nghi lễ rất đặc biệt. Theo thầy cúng, trong lễ cúng gọi hồn vía (hạm vun) không nhất thiết phải chọn ngày lành, tháng tốt, miễn sao chữa được khỏi bệnh, nhưng theo thông lệ thường cúng vào buổi tối, thời gian bắt đầu đén khi cúng xong hết khoảng 3 tiếng đồng hồ, lễ cúng bắt buộc phải có rượu, sôi, 2 con gà, một bộ quần áo của bệnh nhân và một con dao hoặc cái kéo để giúp bệnh nhân làm công cụ dọn đường về nhà. Sau khi chuẩn bị xong phần lễ, người thân trong nhà dâng mâm lễ và dẫn thầy cúng đến nơi bệnh nhân xảy ra tai nạn, nếu bệnh nhân không do tai nạn thì đến đầu làng, cuối xóm nơi bệnh nhân thường xuyên qua lại để làm lễ cúng. Tại đó người thân gọi tên bệnh nhân, kết hợp với thầy cúng làm lễ, sau khi cúng xong người thân lấy bộ quần áo đã qua thủ tục làm lễ mặc cho bệnh nhân, đến đây hồn vía coi như đã được đưa về bệnh nhân. Sau lễ gọi hồn nếu bệnh nhân không khỏi, theo quan niệm của người Sán Dìu là do chưa đoán đúng bệnh để làm lễ cúng.
Đối với người chết, người Sán Dìu quan niệm nếu là trẻ em hồn vía chưa thành ma mà được đầu thai trở lại làm người nên không phải làm ma chay và chăm sóc mồ mả. Còn đối với người lớn người Sán Dìu đặc biệt quan tâm, coi việc làm ma chay, chăm sóc mồ mả của người chết là nghĩa vụ và là đạo lý của người dân đối với người quá cố, nếu người thân làm ma chay đầy đủ cho người chết hồn vía sẽ được siêu thoát, tổ tiên mới thu nhập và cho theo, còn không hồn vía trở thành ma đói không nơi nương tựa ở cõi âm gian. Người Sán Dìu còn quan niệm người chết vì lý do gia đình kinh tế khó khăn không làm ma chay thì hồn vía trở về quấy nhiễu, con cháu làm ăn khó khăn, trong cuộc sống hay gặp chuyện dở… Vì vậy việc làm ma chay cho người chết là nghi lễ bắt buộc của người Sán Dìu.
Hiện nay người Sán Dìu vẫn quan niệm như vậy, vai trò của thầy cúng vẫn tồn tại trong đời sống tinh thần của bà con. Mặc dù quan niệm về hồn vía là siêu hình, không có thật trong thực tế, nhưng theo nhận thức của người Sán Dìu thì đây là phong tục truyền thống. Vẫn biết việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là cần thiết trong mỗi dân tộc, nhưng cần tuyên truyền để đồng bào nhận thức đầy đủ ngoài việc giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cần chú ý quan tâm đến mặt hạn chế, các hủ tục lạc hậu để dần loại bỏ trong đời sống. Nhờ đó không gây lãng phí thời gian, tiền của, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân chỉ vì những hủ tục lạc hậu…