Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) luôn dành sự quan tâm cho phong trào văn nghệ cơ sở...
Hiện 17 xóm của Hóa Thượng đều có đội văn nghệ quần chúng, trong đó có 7 câu lạc bộ (CLB) văn nghệ (257 hội viên). Mỗi CLB, đội văn nghệ được thành lập thu hút từ 17 đến 30 thành viên, có Ban chủ nhiệm duy trì sinh hoạt thường xuyên trong tháng vào các ngày cuối tuần. Đến với CLB, các thành viên không chỉ múa, hát… mà còn chia sẻ những tâm tư tình cảm khi gặp khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống để mọi người cùng đưa ra giải pháp để tháo gỡ.
Ông Vi Thanh Hải, Chủ nhiệm CLB Văn nghệ xóm Tướng Quân cho biết: Vào các dịp lễ, Tết, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân, hoạt động văn nghệ ở xóm diễn ra sôi nổi. Có những gia đình cả vợ chồng, con cái đều tham gia CLB như gia đình anh Tạ Quang Thắng, Vũ Thị Hạnh, Nguyễn Thị Hằng... Là những nông dân tay cày, tay cấy, nhưng khi lên sân khấu, họ trở thành những diễn viên không chuyên duyên dáng cất lên lời ca, điệu múa từ trái tim và cả tấm lòng nhiệt huyết, thu hút đông đảo bà con đến xem cổ vũ. Mỗi tuần, CLB tổ chức sinh hoạt một lần tại Nhà văn hóa xóm. Các hội viên tham gia tập luyện các bài hát chủ đề ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, tình yêu quê hương, đất nước...
Bà Dương Thị Thủy, 51 tuổi, thành viên của CLB Văn nghệ xóm Tướng Quân cho hay: Các thành viên đội văn nghệ hầu hết là nông dân, chất lượng biểu diễn chưa hay nhưng được khán giả đón nhận và cổ vũ nhiệt tình. Sau cả ngày lao động vất vả ngoài đồng ruộng, sinh hoạt văn nghệ giúp chúng tôi cảm thấy thoải mái, vui vẻ, từ đó càng hăng say thi đua lao động sản xuất hơn.
Còn bà Trần Thị Thơ, Chủ nhiệm CLB Văn nghệ xóm Tân Thái cho biết: Nhiều năm qua, phong trào văn hoá, văn nghệ của Tân Thái phát triển mạnh, thu hút đông đảo người dân trong xóm tham gia. Tháng 7-2011, xóm thành lập CLB với 17 thành viên. May mắn là tôi có cháu gái bên chồng hiện là biên đạo múa đang làm việc ở Hà Nội. Mỗi khi cháu lên chơi, tôi lại nhờ cháu dạy những động tác, bài múa mới cho các thành viên trong CLB. Trong quá trình đội tập luyện, tôi dùng máy quay ghi lại từng động tác để sau đó cho mọi người xem lại, tập cho đúng.
Không chỉ biểu diễn phục vụ bà con trong xã, trong làng, hàng năm, CLB còn đi giao lưu, biểu diễn ở trong và ngoài huyện. Kinh phí để đội luyện tập đều do các thành viên tự đóng góp và Ban Chủ nhiệm vận động tài trợ của các hộ dân trong địa bàn. Ông xã tôi (Trần Cao Trung), ban đầu thấy vợ và con gái (Trần Minh Yên) đi biểu diễn cũng chưa hài lòng nhưng đến nay lại là người “say” nhất, thường tham gia các tiết mục đơn ca.
Phong trào văn hóa, văn nghệ ở Hóa Thượng luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân không chỉ về tinh thần mà còn cả vật chất thông qua việc quyên góp ủng hộ tiền của xây dựng nhà văn hóa (vào năm 2011, nhân dân xóm Tam Thái đã đóng góp tiền của, ngày công xây dựng Nhà văn hóa trị giá trên 300 triệu đồng), làm đường bê tông nông thôn....
Từ phong trào văn hóa, văn nghệ đã khơi dậy và bảo tồn được nét đẹp văn hoá truyền thống của địa phương. CLB hát Soọng cô xóm Tam Thái được thành lập với 23 thành viên là những những nghệ nhân cao tuổi, người có uy tín ở cộng đồng dân cư. Nghệ nhân Âu Thị Phàng, năm nay đã gần 70 tuổi nhưng vẫn rất tâm huyết sưu tầm những bài ca, lời ru truyền thống của người Sán Dìu và chép lời, dạy hát Soọng cô cho các chị em phụ nữ trong xóm. Hàng tuần, khi CLB sinh hoạt, thu hút nhiều người dân đến xem, cỗ vũ, trong có cả thế hệ trẻ.
Chị Phó Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Thượng chia sẻ: Phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng là nguồn cổ vũ động viên mọi tầng lớp nhân dân đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, sống vui, khoẻ, có ích, thắt chặt thêm tình đoàn kết xóm làng. Từ đó, người dân tích cực xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư. Năm 2011, xã có 2.185/2.485 hộ được công nhận gia đình văn hóa (tăng 163 hộ so với năm 2010); 9/17 xóm đạt danh hiệu Khu dân cư hóa (tăng 2 xóm so với năm 2010). Điều này đã góp phần hiệu quả trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.