“Chị cũng xinh mà em cũng xinh”

08:47, 09/02/2013

Tôi đọc đi đọc lại câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương để hình dung ra dáng vẻ của những cô gái trong bộ tranh "Tố nữ"; rồi tự hỏi vì sao đến nỗi, nữ sĩ tài danh kia phải thốt lên: "Đôi lứa như in tờ giấy trắng/ Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh…".

Ai đã vẽ nên họ vậy tự xa xưa. Thật sự không thể xác định được. Giờ đây, chỉ còn những bản khắc gỗ để lại từ hàng trăm năm, lưu truyền trong tay những nghệ nhân dân gian. Đó là một trong những bộ tranh Tết được nhiều gia đình mua về treo để thêm niềm vui trong ngày xuân.

 

 

 

Có thể nói, đây là bộ tranh hiếm hoi, trong những bộ tranh "Tứ bình", vẽ các thiếu nữ, mặc áo dài, với những nhạc cụ dân gian trong tay. Niềm vui đến với mọi nhà khi tiếng sáo, tiếng nhị rộn rã reo vang. Dáng điệu các cô gái mỗi người một vẻ, tạo nên nhịp điệu của âm nhạc ngày xuân. Niềm vui trong mắt cười và những ngón tay mềm mại trong giai điệu du dương. Người ta nói ngắm bộ tranh "Tố nữ" mà lại nghe thấy lời ca, tiếng đàn là vì vậy. Từ nét mà thấy âm thanh vọng... Đó là cái vi diệu của ông cha ta xưa, trong cái thú chơi tranh ngày xuân từ xưa.

 

Theo chuyện lưu truyền thì chỉ phường tranh Hàng Trống mới có bộ tranh "Tố nữ", với cách vẽ và tô màu riêng biệt. Bốn cô tố nữ đang hòa tấu nhạc cụ trong tư thế hài hòa, duyên dáng. Cô đánh đàn cao nhất. Cô thổi sáo thấp hơn một chút. Còn đến cô cầm sênh và cầm quạt, tưởng như còn thấp nữa. Các họa sĩ dân gian có hàm ý lấy, dáng vóc các cô gái để nói lên độ chênh lệch của âm thanh của từng nhạc cụ và thể hiện sự hòa tấu rất quyến rũ. Nhưng có điều kỳ lạ, toàn bộ 4 bức lại rất hài hòa cân đối. Chính vì sự độc đáo đó mà lâu nay bộ "Tố nữ" mặc nhiên được xem như là đặc sản của dòng tranh Hàng Trống, nơi đất kinh kỳ Hà Nội ngàn năm.

 

Nhưng thực ra, ở làng Hồ nghe chừng xưa cũng có tranh 4 cô đàn sáo, xênh phách lai láng, xem ra còn bay bổng, uyển chuyển không kém. Hiện các nghệ nhân vẫn giữ bản khắc và cho in tranh bán, vào dịp Tết hàng năm. Điều đặc biệt, theo như nghệ nhân ở làng Hồ, xứ Kinh Bắc nói, bộ "Tố nữ" của làng Hồ là ở dáng vẻ biểu hiện, ở những thế ngồi trên ghế, khác hẳn với dáng các cô gái đứng trong tranh Hàng Trống. Khi có dịp về làng Hồ, đến nhà nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, tôi đã được nhìn bộ tranh "Tố nữ" ngồi chơi đàn, sáo ở đây. Thêm nữa, gia đình nghệ nhân còn cho xem bộ tranh khắc, gồm 7 bản, dùng để in thành tứ bình "Tố nữ" của làng Hồ. Tôi sực nhớ đến một câu thơ của cố thi sĩ Chế Lan Viên, một thuở cũng đã viết để ghi dấu hình ảnh tranh "Tố nữ" làng Hồ: “Điệu lục bát và mầu xanh nơi ruộng rãy/ Bức tranh làng Hồ, có tố nữ dáng quê hương".

 

Và những câu chuyện xưa liên quan đến những cô tố nữ, hay từ những vẻ đẹp nên thơ và cũng thật kỳ lạ, đã dệt nên những câu chuyện lãng mạn làm cho bộ tranh này thêm kỳ ảo. Ai mà quên được câu chuyện tình yêu đầy kỳ bí trong tích chuyện "Bích Câu kỳ ngộ" qua tranh tố nữ thôn quê, được lưu truyền từ thời vua Lê Thánh Tông…

 

Có lẽ, thú chơi tranh Tết của người Hà Thành từ xưa với tâm niệm cầu mong mưa thuận gió hòa, bốn mùa tươi tốt và cuộc sống an lành, qua những tứ bình khác như Tùng - Cúc - Trúc - Mai, hay Long - Ly - Quy - Phượng, hoặc hoa cỏ bốn mùa…  Nhưng với tứ bình "Tố nữ" lại phản ánh sự khao khát trong tình yêu, luôn hướng tới niềm vui và lạc quan với cuộc sống. Đó là một khúc hòa tấu rộn ràng chào đón mùa xuân. Đúng như mỗi khổ thơ được minh họa trong từng bức tranh đã mô tả: "Trước song ngồi ngắm nguyệt đầu canh/ Ôm chiếc cầm trăng dạo khúc tình….".