Cần phải nhận thức đúng về lễ hội

07:37, 17/02/2017

Có lẽ chưa có năm nào việc tổ chức và quản lý lễ hội trên cả nước sau tết Nguyên đán lại được sự chỉ đạo cụ thể và quyết liệt như năm nay.

Trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đã chỉ rõ: Công tác quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm tiết kiệm, văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu du lịch, lễ hội. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ…

 

Tiếp theo, sáng ngày 14/2 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ khi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng cho rằng , người dân không đồng tình với nhiều hiện tượng phản cảm, biến tướng tại lễ hội, như việc tranh cướp lộc… tại nhiều lễ hội, nhiều lễ hội bị thương mại hóa. Một số lễ hội quy mô lớn, thời gian kéo dài nhưng thiếu sự điều hành thống nhất.

 

Sau các chỉ đạo trên, ngày 15/2, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) đã có công văn gửi các Bộ, ngành Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Công văn yêu cầu “không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, không cấp phép tổ chức lễ hội truyền thống có mục đích thương mại, trục lợi. Không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực”.

 

Đây là những việc cần làm ngay, không chỉ cho mùa lễ hội năm nay mà cần phải biến thành thuần phong, mỹ tục trong các lễ hội của dân tộc.

 

Thực tế những ngày sau Tết Nguyên đán, lễ hội đã diễn ra rộng khắp trên mọi miền đất nước. Công tác quản lý, tổ chức lễ hội đầu xuân Đinh Dậu đã có chuyển biến. Nhiều lễ hội đã thực sự góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhiều người dân. Tuy nhiên lễ hội cũng đã diễn ra ngày càng cuồng nhiệt, theo tâm lý đám đông. Không ít nơi còn mang tính khoa trương, phô trương giữa làng này làng nọ, khiến lễ hội mất đi chiều sâu tâm linh của cộng đồng. Trên các phương tiện truyền thông, vẫn đưa những hành vi phản văn hóa, xa rời mục tiêu của các lễ hội, mang màu sắc mê tín dị đoan, không đúng với truyền thống văn hóa, lịch sử và đạo lý của dân tộc như: chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); tại Hội cướp Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ). Đặc biệt là hành vi của một nhà sư ở chùa Hương đã tự ý phát lộc, gây nên cảnh tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội) đã là một việc chưa từng xảy ra ở nơi “Nam thiên đệ nhất động” này. Những lễ hội chọi trâu vì mục đích thương mại, trục lợi, trái với quy định ở Yên Bái, Tuyên Quang đã không còn là lễ hội theo đúng nghĩa. Một số Bộ, ngành, địa phương còn có cán bộ công chức dùng xe công đi lễ hội trong giờ hành chính, vi phạm kỷ cương, kỷ luật hành chính và kỷ luật lao động.

 

Đó là những tồn tại nhiều năm qua, và có xu hướng ngày càng tăng, khó giải quyết triệt để. Có thể xem đó là nguy cơ về một “vấn nạn” đối với văn hóa.

 

Các lễ hội ở nước ta đều có từ thời phong kiến với một hệ thống thần linh với chế độ tế tự được qui đinh rất chặt chẽ. Nhiều lễ hội có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tôn vinh các giá trị văn hóa, nhân văn trong đời sống dân tộc. Nhiều vị anh hùng, nhân tài, hào kiệt có công với nước được tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh qua các lễ hội. Cũng có những lễ hội thờ một vị thần huyền thoại để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Đó chính là văn hóa phi vật thể, là chiều sâu tâm linh để gắn kết cộng đồng dân tộc, để góp phần làm nên bản sắc và cốt cách văn hóa Việt Nam. Đó cũng là nơi cố kết dòng giống con cháu Lạc Hồng, khi mỗi con dân nước Việt nhớ thời Văn Lang mà về thắp hương Quốc tổ Lạc Long Quân, Quốc Mẫu Âu Cơ và các Vua Hùng. Điển lễ về tế tự thời phong kiến qui định, một người có công với nước khi qua đời được phong thần thì được cấp ruộng cho dân làng nơi được giao lo việc thờ cúng. Qui định rất chặt chẽ không có việc đặt hòm công đức tràn lan, nhét tiền vào bất cứ nơi nào từ cánh tay Phật, bát hương, thân cây trong đền chùa… Lễ hội là không gian thiêng, là nơi đáp ứng nhu cầu về đức tin, tín ngưỡng và tâm linh của người dân. Đại đa số người tham dự lễ hội đều muốn thanh sạch tâm hồn, tu tâm dưỡng tính, hướng thiện. Số đến lễ hội, đền chùa cầu xin lợi lộc, quan tước, tranh cướp lộc là một số ít không có văn hóa, không có tâm thế của một người vãn cảnh du xuân nhưng làm ảnh hưởng chung đến không gian lễ hội. Kéo theo tâm lý “hơn thiệt, thua đủ” trái với đức tin tâm linh của cả cộng đồng.

 

Do đó, để chấn chỉnh các lễ hội, cùng với việc triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan chức năng cần đưa ra các định hướng, qui định, qui chế về các hoạt động của từng loại hình lễ hội. Đồng thời phải có chương trình giáo dục đa ngành, liên ngành đối với cộng đồng để cho mọi người dân hiểu rõ, hiểu đúng và có nhận thức đúng, tâm thế đúng khi tham dự các lễ hội.

 

Một khi người đi lễ hội hiểu đúng bản chất của lễ hội, không còn mê muội về đời sống tâm linh thì không còn người cầu mong thực dụng về lợi lộc, tiền tài, quan tước. Khi đó các lễ hội sẽ diễn ra một cách văn hóa, văn minh./.