Thời gian qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” đã được các cấp công đoàn nhiệt tình hưởng ứng, đặc biệt là những công nhân lao động trực tiếp. Bởi kết quả của những sáng kiến đó đã tác động trực tiếp, tích cực đến việc tăng năng suất, giảm sức lao động cho họ. Và dĩ nhiên, để có được những thành quả nghiên cứu đó, những “nhà sáng chế” đã phải dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, thử nghiệm. Trong quá trình đó, sự kiên gan, bản lĩnh là điều không thể thiếu.
Sinh năm 1990, mới có gần 6 năm kinh nghiệm làm việc nhưng anh Trần Anh Tiến, Phòng Cơ điện, Nhà máy Cán thép Thái Nguyên (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) đã được coi là “cây sáng kiến” của Nhà máy. Trong quá trình làm việc, anh Tiến đã tìm nhiều cách để cải tiến độ bền, tính hiệu quả của động cơ như: Cải tạo hệ thống đường dầu FO tại Nhà máy; thiết kế, lắp đặt thêm bộ lọc dầu block mới trên dây chuyền… Trong đó, sáng kiến thiết kế, lắp đặt thêm bộ lọc dầu block mới trên dây chuyền làm lợi cho Nhà máy trên 600 triệu đồng mỗi năm. Nói về điều này, anh Tiến bộc bạch: Trong quá trình làm việc, tôi nhiều lần phải sửa chữa các sự cố liên quan đến block như: Bó bạc đồng, gãy trục, vỡ vòng bi khiến mạt thép rơi xuống hệ thống dầu tuần hoàn block, ảnh hưởng đến hoạt động của block. Những sự cố liên quan đến block trên dây chuyền liên tục lặp lại khiến giảm tuổi thọ thiết bị, mất thời gian sửa chữa, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm.
Qua quá trình tìm hiểu cùng sự giúp đỡ của các anh em đồng nghiệp, anh Tiến đã tìm ra nguyên nhân chính dẫn tới sự cố lặp lại tại khu vực block là do chất lượng dầu bôi trơn. Từ đó, dựa trên những vật tư đã có sẵn, anh tính toán để thiết kế lắp đặt thêm bộ lọc dầu chạy song song với bộ lọc dầu cũ, qua đó đảm bảo chất lượng dầu, giảm thiểu được các sự cố liên quan tới khu vực block, đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định. Sáng kiến nghe kể thì đơn giản nhưng để hoàn thành nó, anh Tiến đã mất nhiều tháng “ăn, ngủ” với máy. Anh Tiến cười: Ban đầu thì mình quyết tâm lắm, còn được anh em đồng nghiệp và lãnh đạo ủng hộ nữa. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm thật không đơn giản. Các thử nghiệm thất bại liên tục, các thiết bị được lắp đặt phải thử đi thử lại hàng chục lần mới thành công. Đơn giản như nhưng ống nối, con ốc cũng có hàng trăm loại và thí nghiệm hàng chục phương án. Có lúc nản, tôi từng xuất hiện ý nghĩ bỏ cuộc nhưng lại gạt đi ngay. Cuối cùng, sau nhiều tháng thử nghiệm, tôi cũng thành công. Kết quả sáng kiến được lãnh đạo Nhà máy đánh giá cao và đồng ý đưa vào lắp đặt khiến tôi rất vui vì sự “lỳ” của bản thân đã được đền đáp.
Cũng giống như anh Tiến, để nghiên cứu thành công phương án Gá tra khóa nẹp hàng Muji cho khách hàng Nhật Bản, chị Đinh Thị Thu Hương, Phòng Công nghệ - Chi nhánh May Việt Đức (Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG) cũng phải tốn không ít thời gian, công sức. Chị Hương cho hay: Đặc thù của khóa nẹp cho các loại mã hàng của Nhật Bàn là loại khóa tráng nhựa, phủ bóng. Nếu công nhân may không phẳng, phải tháo ra sẽ bị hỏng khóa, mất thời gian, ảnh hưởng đến năng suất và thiệt hại về phụ liệu, nên cần tính đến một phương án tối ưu hơn.
Để thực hiện ý tưởng, chị Hương tự tay thử nghiệm các phương án khác nhau. Cứ rảnh là chị Hương ngồi vào máy may thử rồi cầm sản phẩm đi hỏi từng công nhân để họ góp ý. Cuối cùng chị Hương quyết định sử dụng gá, một dạng khuôn sử dụng trong may mặc. Kết quả thử nghiệm cho thấy, khi dùng gá, hiện tượng cầm, bai nẹp, hàng may ra phải sửa chữa nhiều đã được khắc phục. Không những vậy, mỗi sản phẩm làm ra đã tiết kiệm trên 100 giây, giá trị làm lợi cho một mã hàng lên tới trên 46 triệu đồng. Thêm nữa, sáng kiến của chị giúp công nhân thực hiện thao tác dễ dàng, tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động. Chị Hương chia sẻ: Khi đó, tôi hỏi rất nhiều người, rảnh một chút lại đọc tài liệu, thử nghiệm... Rồi còn phải bảo vệ phương án của mình trước lãnh đạo Chi nhánh, Công ty và trình bày với khách hàng. Nghĩ lại thấy mình cũng “gan”, vì tôi vốn không phải người mạnh dạn. Nhưng là người trực tiếp làm việc nên tôi biết những khó khăn của công nhân cũng như rất tiếc những sản phẩm lỗi bị bỏ đi. Nghĩ vậy nên tôi đã kiên trì tới cùng.
Không chỉ chị Hương, mỗi năm ở Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG có trên 10 sáng kiến được đưa vào sản xuất. Tuy vậy, để có được thành quả đó ai cũng phải bỏ nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu và thử nghiệm hàng chục lần, hàng trăm lần trước khi bảo vệ phương án của mình trước lãnh đạo Công ty. Chị Vũ Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty khẳng định: Tất cả những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của nhân viên có giá trị làm lợi đều được Công ty ghi nhận và khen thưởng kịp thời. Trong quá trình nghiên cứu của nhân viên, Công ty cũng như các Nhà máy đều cố gắng tạo điều kiện, hỗ trợ về vật liệu nhưng quá trình thử nghiệm, nhân viên phải tự mình tiến hành. Quá trình thử nghiệm thường kéo dài và những ai phải thật sự bản lĩnh mới có thể kiên trì để thành công.
Bên cạnh sự sáng tạo thì sự “kiên trì” và “bản lĩnh” là những từ khóa tốt nhất để nói về quá trình tìm tòi, nghiên cứu để đi đến thành công của những người lao động. Họ có thể là những kỹ sư, những thợ lành nghề có hàng chục năm kinh nghiệm hay chỉ là những lao động có trình độ phổ thông. Trước khó khăn và yêu cầu thực tế của công việc, họ đã kiên gan, bền chí để tìm tòi những tài liệu liên quan, thử nghiệm hàng tháng trời để cho ra phương án tối ưu nhất, mang lại lợi ích cho công ty và chính người lao động. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2013-2018, toàn tỉnh đã có trên 30.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu được thực hiện bởi hàng nghìn con người kiên gan như vậy. Những sáng kiến, cải tiến này đã mang lại giá trị làm lợi gần 220 tỷ đồng. Sự thành công của họ đã góp phần khẳng định vị trí, vai trò của người lao động, sẵn sàng bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.