Về nơi các cơ quan của tỉnh từng sơ tán

10:22, 15/08/2017

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, mảnh đất Quyết Thắng Anh hùng ngày nào từng đùm bọc, giữ bí mật an toàn tuyệt đối cho các cơ quan của tỉnh sơ tán trong thời gian đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc đã thay đổi nhiều. Thế nhưng, bà con nơi đây mãi không bao giờ quên những năm tháng từng sống, sinh hoạt cùng cán bộ các cơ quan của tỉnh.

Chúng tôi có dịp trở lại xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) những ngày giữa tháng 8 và tìm về những địa điểm các cơ quan của tỉnh từng sơ tán trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Dẫn chúng tôi đi trên tuyến đường trục chính của xã, ông Phạm Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã nói: Tuyến đường trục chính của xã hiện nay trước kia là đường mòn, đường đất rất khó đi. Toàn bộ xã Quyết Thắng lúc bấy giờ được bao bọc bởi cây cối rậm rạp và rừng vầu, tre nứa. Nay, các tuyến đường của xã đều đã được bê tông hóa, nhân dân đi lại thuận tiện.

 

Giai đoạn 1965, Thái Nguyên vừa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Khu Tự trị Việt Bắc, vừa là trung tâm cơ khí luyện kim lớn nhất miền Bắc và là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc để huấn luyện tân binh trước khi vào chiến trường. Đặc biệt, Thái Nguyên là đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất trong vận chuyển hàng hóa ở miền Bắc lúc bấy giờ nên đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá vô cùng ác liệt nhằm tiêu diệt các cơ sở quân sự, kinh tế và cắt đứt đường vận chuyển hàng hóa chi viện từ Liên Xô, Trung Quốc qua biên giới phía Bắc và lương thực thực phẩm từ các tỉnh Việt Bắc vào chi viện cho miền Nam. Chỉ trong ngày 17-10-1965, giặc Mỹ đã thả 116 quả bom xuống khu vực cầu Gia Bảy nhằm cắt đứt mạng lưới giao thông giữa Quốc lộ 1B và Quốc lộ 3 khiến giao thông ở đây bị đình trệ.

 

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã sơ tán vào xã Quyết Thắng để thuận tiện cho công việc (vì xã cách trung tâm thành phố không xa và có địa hình đảm bảo an toàn, bí mật). Ông Hà Đại Độ, xóm Gò Móc cho biết: Sau khi UBND tỉnh liên hệ sơ tán, gia đình tôi đã cho Ban Thi đua (khoảng 10 người) ở cùng. Mặc dù điều kiện ăn, ở còn khó khăn, thế nhưng mọi người vẫn làm việc tích cực và giúp đỡ gia đình nhiều. Cán bộ biết gia đình tôi không đủ ăn còn mang cơm ở nhà ăn Ủy ban về san sẻ cho gia đình tôi ăn cùng. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, mẹ của ông Độ là bà Trần Thị Dần có hai con hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà Dần được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

 

Giờ đây, khi Dự án đường Bắc Sơn kéo dài (hay còn gọi là đường hồ Núi Cốc) đi qua địa phận xóm Gò Móc, đã có 74 hộ dân của xóm đồng thuận bàn giao nhà và tài sản trên đất cho đơn vị thi công thực hiện đúng tiến độ, trong đó có nhà của ông Độ. Mọi người đều hiểu, khi tuyến đường hoàn thành không những rút ngắn khoảng cách từ trung tâm thành phố đi Khu du lịch hồ Núi Cốc chỉ còn 10km mà đây còn là điều kiện để địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngoài xóm Gò Móc có UBND tỉnh từng sơ tán, xã Quyết Thắng khi đó còn có nhiều cơ quan khác của tỉnh cũng về đây như: Tỉnh ủy và Tỉnh đoàn ở xóm Cây Xanh; Báo Thái Nguyên ở xóm Thái Sơn 2; Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn ở xóm Sơn Tiến; Công an Đồng Hỷ ở xóm Nam Thành; Hội Phụ nữ ở xóm Bắc Thành... Nhà ông Nguyễn Tiến Sửu, ở xóm Cây Xanh hiện nay là một vườn cây với đủ các loại quả. Ông bảo: Trước đây khu vực này là một khu rừng rậm. Ban Thiếu niên nhi đồng của Tỉnh đoàn, Nông nghiệp, Công nghiệp đều ở tại nhà tôi. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng mọi người đùm bọc, giúp đỡ nhau. Trong suốt thời gian địch bắn phá miền Bắc, nơi này gần như an toàn, bí mật tuyệt đối. Sau khi Mỹ dừng ném bom, các cơ quan của tỉnh mới chuyển ra trung tâm thành phố.

 

Ở xóm Cây Xanh hiện có 80/240 hộ trồng và sản xuất chè với diện tích trên 10ha. Từ trồng chè, nhiều hộ dân trong xóm đã có thu nhập từ 30-35 triệu đồng/người/năm. Xóm đã được UBND tỉnh công nhận Làng nghề chè năm 2016. Đây không những là niềm vinh dự, tự hào của bà con trong xóm mà còn là điều kiện để sản phẩm chè của Làng nghề được nhiều người biết đến.