Phục dựng đình làng Phao Thanh

16:39, 12/10/2017

Từ xa xưa ngôi đình làng đã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh không thể thiếu của nhân dân làng Phao Thanh, xã Thanh Ninh (Phú Bình). Trải qua nhiều năm, đình Phao Thanh bị xuống cấp và có một thời gian bị đổ sập hoàn toàn. Người dân nơi đây vẫn luôn đau đáu về việc phục dựng lại ngôi đình này, bởi thế từ năm 2011, bà con trong làng và con em xa quê đã cùng nhau đóng góp kinh phí, từng bước phục dựng thành công ngôi đình Phao Thanh.

Theo những tài liệu được chính quyền xã Thanh Ninh lưu lại và lời kể của các cụ cao niên trong làng thì đình Phao Thanh được xây dựng vào thế kỷ XIV, đến niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 triều Lê, Đình được tôn tạo với kiến trúc cổ, đường nét, hoa văn đặc sắc. Đình gồm 3 gian 2 trái, diện tích trên 150m2. Đình thờ Thành Hoàng làng là Dương Tự Minh. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng mà còn là nơi để bàn công việc lớn của làng, của nước.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Phao Thanh là cơ quan in ấn của báo Quân Việt Bắc sơ tán về. Đồng thời là địa điểm đóng quân của một số đại đoàn quân tiên phong. Nhà thương Bắc Giang cũng đã sử dụng đình là nơi cứu chữa thương binh ở mặt trận… Đến năm 1959, đình Phao Thanh bị đổ hoàn toàn do ảnh hưởng rung chấn của bom. Các đồ thờ như Ngai, sắc phong được lưu giữ tại nghè của làng và chỉ được rước sang bên đình để cúng tế vào những ngày lệ làng. Hiện nay, những hiện vật liên quan đến đình Phao Thanh còn lưu giữ được là các tảng cột trên nền đình cũ, 2 bộ hoành phi câu đối, 1 phần án gian, 2 bia đá, 1 ngai và 2 sắc phong.

Đưa chúng tôi đi thăm đình làng, ông Nguyễn Ngọc Kha, Phó Ban Quản lý di tích đình Phao Thanh cho biết: Cả làng hiện có 6 xóm với gần 600 hộ dân. Năm 2011 làng Phao Thanh đã vận động nhân dân công đức hiện vật là đồ tế khí và kinh phí để phục dựng lại phần hậu cung đình trên diện tích 40m2. Đến năm 2015, nhà đình tiếp tục được phục dựng hoàn chỉnh trên diện tích hơn 270m2 từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Tổng kinh phí cho 2 lần xây dựng là 1,6 tỷ đồng. Nổi bật có những hộ đã công đức cho việc xây đình với số tiền lên đến gần 100 triệu đồng như gia đình ông Nguyễn Văn Lộc, ở xóm Phú Thanh 2; ông Nguyễn Tuấn Dương, ở xóm Hòa Bình 2…

Đình Phao Thanh mới được thiết kế có 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung, 28 cột, 6 đao và 8 mái. Ngoài việc tích cực đóng góp xây đình, nhân dân trong làng còn quan tâm tôn tạo cảnh quan Đình bằng cách trồng cây xanh, phục dựng, tổ chức các ngày lễ hội truyền thống của làng như: lễ tế Thành Hoàng làng vào ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng; Ngày lệ làng từ mùng 10-12/10 Âm lịch hàng năm… Đây cũng chính là những dịp để con cháu và nhân dân trong vùng tìm hiểu lịch sử của Đình, đến thắp hương tế lễ, cầu mong Thành Hoàng làng và trời đất phù hộ, giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và có nhiều phúc lành.

Ông Nguyễn Văn Nhi, Hộ từ ở ngôi đình này cho biết thêm: UBND xã Thanh Ninh và Ban Quản lý Đình làng Phao Thanh đã xây dựng Quy chế hoạt động riêng. Trong đó nhấn mạnh các hương lão trong làng khi tham gia sinh hoạt ở Đình phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn di tích lịch sử, tuyên truyền vận động nhân dân ủng hộ, công đức để tôn tạo, kiến thiết đình ngày càng được khang trang, tôn nghiêm. Nội dung sinh hoạt ở đình phải đảm bảo đúng theo quy định của Nhà nước, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng dân cư. Làm sao để người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống có ích, thực sự là “cây cao bóng cả” cho gia đình và xã hội.

Đáng mừng nhất đối với người dân làng Phao Thanh là nhờ sự giúp đỡ của Sở văn hóa, thể thao và du lịch, chính quyền xã Thanh Ninh và nhân dân trong làng đã hoàn thiện được hồ sơ đề nghị UBND tỉnh xếp hạng Đình là Di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố và đến năm 2016, di tích này đã được cấp Bằng xếp hạng. Đây là động lực để người dân làng Phao Thanh ngày càng ý thức hơn việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử địa phương mình.

Bà Nguyễn Thị Thư (79 tuổi), một người dân của làng Phao Thanh chia sẻ: Người dân trong làng thiết tha xây dựng Đình lắm, việc phục dựng, duy trì lại các nếp sinh hoạt văn hóa ở đình Phao Thanh là việc làm vô cùng ý nghĩa. Bởi qua ngôi đình, người dân trong làng được nhắc nhớ về cội nguồn, sống đùm bọc lẫn nhau. Điều quan trọng hơn cả là lớp trẻ hiểu được truyền thống của làng, của xã, từ đó khơi dậy, bồi đắp thêm cho chúng tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc.