“Nếu cần thiết, có thể điều chỉnh cả chương trình. Nhưng phải chứng minh điều đó là cần thiết.”
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội thảo đánh giá chương trình – sách giáo khoa (CT – SGK) sau cuộc tổng kiểm tra có qui mô toàn quốc lần đầu tiên được Bộ GD – ĐT tổ chức với sự tham gia của nhiều thành phần; từ nhà giáo, cán bộ quản lý đang trực tiếp thực hiện chương trình đến các tổ chức có liên quan…
Cuộc tổng kiểm tra, rà soát lại CT - SGK lần này được tiến hành nhằm mổ xẻ những bất cập, yếu kém của CT - SGK hiện nay để tìm ra giải pháp khắc phục…
Theo đánh giá của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý thì CT một số môn học còn tương đối nặng, hàn lâm đối với đa phần HS như: môn Ngữ Văn, Sinh học, Vật Lý, nghề phổ thông cấp trung học và đặc biệt quá tải đối với một bộ phận HS có học lực yếu kém, thuộc dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Hội Liên hiệp KHKT Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Hội Khuyến học còn cho rằng, một số nội dung ở CT một số môn học chưa thực sự cơ bản, làm cho khối lượng kiến thức gia tăng quá mức, nặng về lý thuyết hàn lâm, nhẹ về nội dung thực hành, luyện tập kỹ năng. Đặc biệt, CT không có độ mở cần thiết để GV có thể vận dụng linh hoạt, phù hợp với việc giảng dạy đối với các vùng miền, tương ứng với trình độ phát triển KT - XH và trình độ phát triển giáo dục khác nhau.
Hầu hết các ý kiến đều đánh giá rằng, nội dung trong SGK thể hiện nhiều bất cập, như: Thuật ngữ khoa học trình bày còn khó, trừu tượng, thậm chí chưa chuẩn xác, nhất quán trong ngay một lớp, giữa các lớp, giữa các cấp học. Chẳng hạn như, sách Toán lớp 2, lớp 3; Toán, Vật lý, Sinh học, Ngoại ngữ cấp THPT… Có những khác biệt về nội dung kiến thức giữa sách chuẩn và sách nâng cao không hợp lý, ví dụ như: yêu cầu sách chuẩn lại cao hơn yêu cầu ở sách nâng cao. Cá biệt, có những cuốn sách có những sai sót về kiến thức cơ bản…
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót của CT - SGK, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp trước mắt, đó là: tổ chức nghiên cứu với tinh thần thực sự cầu thị, tất cả các ý kiến nhận xét, đánh giá về CT - SGK; đồng thời sẽ rà soát lại một cách cẩn thận để phát hiện thêm những sai sót và kiên quyết sửa chữa những sai sót đã được phát hiện, kịp thời phục vụ cho năm học 2007-2008.
Những giải pháp lâu dài đối với một số hạn thiếu sót của CT - SGK mà nguyên nhân là do những ràng buộc về hoàn cảnh, điều kiện hiện tại chưa thể vượt qua thì cần được tổ chức nghiên cứu thấu đáo đề chuẩn bị cho việc xây dựng CT giáo dục mới. Dựa trên CT chuẩn quốc gia, hướng dẫn thực hiện phù hợp với các vùng miền khác nhau, xây dựng các nội dung giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện các vùng, miền. Tổ chức biên soạn một số bộ SGK dựa trên CT quốc gia do Bộ GD - ĐT ban hành.
Sau khi lắng nghe những ý kiến góp ý, đề xuất, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận: Để đánh giá CT có quá tải hay không, cần phải có ví dụ cụ thể, ở vùng nào, điều kiện nào thì quá tải. Nếu không có thảo luận quy mô toàn quốc và không có đánh giá định lượng thì không kết luận được. Bộ sẽ tiến hành đánh giá sách hàng năm, từ nay đến năm 2010.
Vấn đề SGK, rất nhiều điểm có thể điều chỉnh được. Với những nội dung SGK sai thì chắc chắn phải sửa, hoặc có những nội dung chưa phù hợp, hoặc trùng lắp thì sắp xếp lại..., chúng ta sẵn sàng điều chỉnh cả CT và SGK nếu chứng minh được điều đó là cần thiết.