Ngày 31-10-1966 tại xã Vinh Quang (nay là xã Phú Lạc và xã Đức Lương), huyện Đại Từ, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc chính thức khai giảng khóa học đầu tiên…
Cách đây 45 năm, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và phát triển giáo dục cho con em dân tộc các tỉnh miền núi trung du phía Bắc Việt Nam, ngày 18 tháng 7-1966, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Quyết định số 127/CP thành lập Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Ngày 31-10-1966 tại xã Vinh Quang (nay là xã Phú Lạc và xã Đức Lương), huyện Đại Từ, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc chính thức khai giảng khóa học đầu tiên. Những ngày đầu dựng trường, mở lớp, trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự thương yêu đùm bọc của nhân dân, sự giúp đỡ chí tình của bạn bè trong nước và quốc tế, bằng sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, giáo viên, sinh viên, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Trường đã góp phần to lớn trong việc bổ sung lực lượng giáo viên cho sự nghiệp phát triển giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc. Cũng trong những năm tháng ác liệt đó, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng trăm cán bộ, giáo viên, sinh viên của Nhà trường đã "xếp bút nghiên" hăng hái lên đường nhập ngũ và lập công xuất sắc, nêu tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. 21 người đã hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho độc lập tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc, truyền thống vẻ vang của Nhà trường. Cuối năm 1970, Trường chuyển về xây dựng tại địa điểm hiện nay: phường Quang Trung - thành phố Thái Nguyên. Năm 1994, khi thành lập Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc trở thành trường thành viên của Đại học, có tên mới là Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên. Trong quá trình phát triển, 2 trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc và Trường Đại học Đại cương thuộc Đại học Thái Nguyên đã được sáp nhập vào Trường.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, các thế hệ cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm luôn khắc sâu, kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang, đồng lòng dốc sức thực hiện tốt sứ mạng được giao. Những năm đầu mới thành lập, Trường chỉ có 7 chuyên ngành đào tạo giáo viên THPT với 168 cán bộ, giảng viên và hơn 400 sinh viên, hiện nay Nhà trường đã có: 7 phòng chức năng, 14 khoa chuyên môn, 1 viện nghiên cứu, 1 trường THPT thực hành, 1 trung tâm ngoại ngữ, 1 trung tâm tin học. Trường có đội ngũ cán bộ giảng dạy, công nhân viên 595 người; có 421 cán bộ giảng dạy, cã 23 phó giáo sư, 255 thạc sĩ, 129 giảng viên đang học NCS. Quy mô đào tạo của Trường gồm 24 ngành Cử nhân Sư phạm, 19 chuyên ngành Thạc sĩ, 7 chuyên ngành Tiến sĩ. Tổng số sinh viên Trường đang đào tạo trong và ngoài trường là hơn 21.000 SV cùng với hơn 1.000 học viên cao học và 70 nghiên cứu sinh. Loại hình đào tạo đa dạng: chính quy, vừa làm vừa học, liên thông, cử nhân quản lý, thạc sĩ, tiến sĩ.
Địa bàn tuyển sinh của Nhà trường từ các tỉnh miền núi trung du phía Bắc nay đã mở rộng ra tất cả các tỉnh miền Bắc, riêng đào tạo sau đại học địa bàn tuyển sinh của Trường đã mở rộng trên phạm vi cả nước. Trường đã đào tạo được trên 52.000 giáo viên các cấp trong đó có 1.282 giáo viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ - một lĩnh vực được Nhà trường xác định là hoạt động trọng tâm, được ưu tiên tập trung chỉ đạo, được huy động tối đa nguồn lực... Kết quả của hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ thể hiện bằng số lượng, chất lượng các công trình được công bố trên các tạp chí chuyên ngành và các công trình được áp dụng vào thực tiễn. Nội dung của các chương trình chuyển giao tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khoa học giáo dục: từ chiến lược giáo dục, tư vấn hoạch định chính sách giáo dục cho địa phương đến hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, cải tiến sách giáo khoa cho giáo viên phổ thông.
45 năm qua, Nhà trường đã triển khai nghiên cứu thành công hơn 1.200 đề tài NCKH cấp Bộ, cấp trường; hơn 3600 đề tài NCKH của sinh viên, hơn 70 giáo trình được in tại các Nhà Xuất bản Quốc gia; đăng tải 3.525 bài báo khoa học trong các tạp chí khoa học ở trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây (2006 - 2010), nhà trường thực hiện 02 đề tài khoa học cấp Nhà nước, 117 đề tài NCKH cấp Bộ; hơn 212 đề tài cấp trường; 1.652 đề tài NCKH của sinh viên, 22 sinh viên đạt giải thưởng sinh viên NCKH toàn quốc trong đó đoạt nhiều giải Nhất cá nhân và tập thể. Trường Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên đã có chính sách ưu tiên phát triển hợp tác quốc tế, thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế với nhiều trường đại học, nhiều tổ chức giáo dục và xã hội trong khu vực và trên thế giới. Trong 5 năm gần đây, Trường đã thiết lập, phát triển quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều trường đại học và các tổ chức giáo dục - xã hội quốc tế của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Lào, Pháp, Hà Lan, Nga và Mỹ. Hoạt động hợp tác quốc tế đã mang lại hiệu quả tích cực cho công tác đào tạo: nhiều cán bộ, sinh viên của Trường có điều kiện được đi đào tạo hoặc tham gia các dự án để nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ tại nước ngoài, một số chương trình đào tạo tiên tiến đã được thực hiện trên cơ sở hợp tác với nước ngoài. Trường đã mở được nhiều khoá học cho các du học sinh Trung Quốc, Lào, Mỹ và Nhật.
Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, Trường đã được Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 01 Huân chương Độc lập hạng Ba, 05 Huân chương Lao động (1 hạng Nhất, 2 hạng Nhì, 3 hạng Ba). Công đoàn Trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đặc biệt, một vinh dự đến với nhà trường khi Trường tròn 45 tuổi đã được Đảng, Nhà nước trao tăng danh hiệu cao quý Huân chương Độc lập hạng Nhất và cũng trong năm 2011 Trường là một trong 80 cơ sở giáo dục của cả nước được vinh danh, trao tặng Biểu tượng Vàng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam lần thứ nhất - năm 2011
45 năm qua, Trường Đại học Sư phạm đã xây dựng nên những truyền thống tốt đẹp và vô cùng quý báu: Đó là lòng nhiệt tình, tâm huyết của các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên đối với sự nghiệp giáo dục ở miền núi, sự nghiệp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc nói riêng, tinh thần khắc phục khó khăn, tự lực cánh sinh, ý thức học hỏi, tự rèn luyện, bồi dưỡng phấn đấu vươn lên trong công tác, học tập, nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, cán bộ và sinh viên, tinh thần đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, sự gắn bó sâu sắc với tập thể của đội ngũ cán bộ, viên chức và sinh viên dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ và Ban Giám hiệu Nhà trường.
Những truyền thống quý báu ấy, đã kết đọng thành sức mạnh để xây dựng một môi trường sư phạm tích cực - yếu tố quan trọng để hình thành nhân cách nhà giáo. Cùng với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo, đây cũng là điều kiện cơ bản để tăng chỉ số hấp dẫn đối với người học, là nơi tạo dựng niềm tin cho xã hội trong điều kiện cạnh tranh chất lượng đào tạo hiện nay.
Mục tiêu phấn đấu của Nhà trường trong thời gian tới là tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng bộ và tính tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên, cán bộ viên chức, giảng viên, sinh viên và học viên; khai thác tốt mọi nguồn lực, phấn đấu xây dựng Trường Đại học Sư phạm đoàn kết, ổn định và phát triển vững mạnh về tư tưởng, tổ chức và chuyên môn; trở thành cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học có tính chuyên nghiệp cao, có chất lượng thực sự, phục vụ đắc lực yêu cầu phát triển giáo dục của cả nước.
Đồng thời, nhà trường cũng xác định những thách thức phải vượt qua: Một là, có sự cạnh tranh chất lượng giáo dục để tăng sức hút với người học đang đặt ra những yêu cầu mới về điều kiện đảm bảo chất lượng; để tăng chỉ số hấp dẫn với người học, phải coi trọng phát triển môi trường giáo dục, chất lượng đội ngũ, chất lượng giảng dạy và NCKH là những điều kiện nền tảng để góp phần thực hiện chiến lược đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Hai là, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ dựa vào năng lực đội ngũ và điều kiện đào tạo, trong khi nhà trường sư phạm phải tập trung mọi nguồn lực cho mục tiêu đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học trước thách thức về trình độ năng lực thực tế của giảng viên; nhiệm vụ chuyển giao khoa học và gắn với giáo dục phổ thông nhiều hơn trong thực trạng quá tải của giảng viên. Ba là, nguồn lực tài chính hạn hẹp trong khi phấn đấu giải quyết nhu cầu thu nhập tăng thêm cho cán bộ và nhu cầu đầu tư lớn cho tương lai.
Thực hiện mục tiêu trên đây và để vượt qua thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất cao của toàn thể cán bộ, công chức, học viên và sinh viên và sự quan tâm giúp đỡ của các cựu sinh viên, của các đồng chí lãnh đạo các cấp và các đơn vị liên quan.