An toàn, nghiêm túc và đúng quy chế

14:24, 05/06/2013

Chiều qua (4-6), thí sinh trên cả nước kết thúc môn thi cuối kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2013.

Trong ngày thi cuối, Ban chỉ đạo thi của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra không báo trước tại Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh, Ðác Nông... Ðoàn đã kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong công tác chỉ đạo thi và coi thi... Tại Hà Nam, Thanh tra Bộ GD và ÐT do Phó Chánh thanh tra Phạm Ngọc Trúc làm Trưởng đoàn đã kiểm tra đột xuất tại một số hội đồng thi ở hai huyện Duy Tiên và Kim Bảng. Qua kiểm tra, tại hội đồng thi Trường THPT A Duy Tiên và THPT A Kim Bảng, đoàn lưu ý, nhắc nhở lãnh đạo hội đồng thi tại Trường THPT A Kim Bảng vì có một số thí sinh không ghi họ tên vào đề thi, giấy nháp. Ðặc biệt, ở phía lan-can khu vực thi cũng phát hiện một số "phao" in khổ nhỏ môn Ðịa lý, mặc dù môn Ðịa lý thí sinh đã thi từ những ngày trước. Ðoàn kiểm tra đề nghị, sau mỗi buổi thi, hội đồng coi thi phải lau sạch số báo danh cũ, vệ sinh sạch sẽ, kể cả giấy nháp khu vực phòng thi, khuôn viên trường để tránh sự hiểu lầm, lộn xộn đáng tiếc. Ðoàn kiểm tra của Bộ GD và ÐT do Vụ trưởng Giáo dục thường xuyên (GDTX) Nguyễn Công Hinh kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Thái Bình, Hưng Yên. Kiểm tra đột xuất một số hội đồng coi thi THPT Hùng Vương, THPT Nguyễn Trãi, THPT Lê Quý Ðôn và THPT Nguyễn Công Trứ (Thái Bình) và THPT Hưng Yên (Hưng Yên), đoàn nhắc nhở một số vấn đề về nghiệp vụ coi thi; chú ý việc yêu cầu thí sinh ghi đủ họ tên, số báo danh vào giấy nháp trước khi giám thị ký tên, tránh tình trạng thí sinh có thể trao đổi giấy nháp cho nhau. Riêng hội đồng coi thi THPT Nguyễn Công Trứ (Thái Bình) có một thí sinh vò giấy nháp và chữ viết có một số biểu hiện khác thường nhưng phản ứng của những cán bộ coi thi còn chậm, không kiên quyết, đã được đoàn kiểm tra nhắc nhở thu lại, kiểm tra, xử lý theo quy chế.

 

Ở nhiều địa phương, cùng với chính quyền các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ tổ chức thi. Tỉnh Lâm Ðồng tạo điều kiện cho 2.505 thí sinh dân tộc thiểu số tham dự kỳ thi. Trong đó, 82 thí sinh của xã Ðạ Sar (huyện Lạc Dương) phải di chuyển quãng đường hơn 30 km ra dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT LangBiang đã được xã, huyện bố trí chỗ ở và trợ giúp một phần chi phí sinh hoạt trong những ngày các em xa gia đình đi thi. Tại điểm thi Trường THPT Phan Văn Trị, huyện Phong Ðiền (TP Cần Thơ), Hội phụ huynh học sinh nhà trường đóng góp tiền để trợ giúp một nghìn suất cơm miễn phí cho các thí sinh và cán bộ coi thi. Bố trí chỗ ở và lo 200 suất cơm (mỗi suất 30 nghìn đồng) cho các thí sinh nhà ở xa điểm thi Trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn. Nhiều nhà hảo tâm ở huyện Phong Ðiền, Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt tổ chức đưa đón thí sinh và miễn phí tiền đò... Ở Tuyên Quang, mặc dù trong thời gian tổ chức thi đã xảy ra nhiều đợt mưa to nhưng do công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, nên không xảy ra sự cố.

 

Trong ba ngày thi, số thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi trên cả nước là 49 trường hợp, một thí sinh nhờ người thi hộ. Có hai giám thị bị đình chỉ làm công tác phục vụ coi thi, giảm sáu trường hợp so với năm 2012. Kết thúc kỳ thi, vẫn còn tình trạng thí sinh mang điện thoại di động và sử dụng tài liệu trong phòng thi, như tại tỉnh Ðác Lắc, Ninh Bình.

 

Theo ghi nhận của tại các địa phương, một vài sự cố xảy ra khiến nhiều thí sinh không thể dự thi. Tại giờ thi môn Toán ở Hội đồng thi THPT Hồng Ðức, thị trấn Nê, huyện Kiến Xương (Thái Bình), thí sinh Ngô Ngọc Quỳnh Phương ở phòng thi số 10 đã bị ngất xỉu. Giám thị đã kịp thời lập biên bản, niêm phong bài thi, đề thi, đồng thời mời bác sĩ Bệnh viện Ða khoa huyện Kiến Xương xuống sơ cứu tại chỗ cho đến khi hết thời gian làm bài mới đưa thí sinh vào bệnh viện cấp cứu. Ngoài ra, tại Hội đồng thi THPT Lê Lợi, TP Phan Thiết (Bình Thuận) có thí sinh do ngủ quên đã đến phòng thi trễ hơn 30 phút so với quy chế  vì vậy đã không được vào phòng thi.

 

Tại hội đồng thi THPT Lộc Bình (Lạng Sơn) có giám thị chưa hiểu đúng về phát đề trắc nghiệm nên còn lúng túng. Việc này đã được phát hiện và hướng dẫn kịp thời cho nên không ảnh hưởng thời gian làm bài của các em. Mưa lớn tại Thừa Thiên - Huế đã gây ra sự cố mất điện, phòng thi của ba hội đồng thi tại các Trường tiểu học Lê Lợi, Nguyễn Tri Phương và THPT Nguyễn Trường Tộ không có ánh sáng, ảnh hưởng việc làm bài của thí sinh, vì vậy Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xem xét và cho các thí sinh dừng làm bài, khi nào có điện thì các em tiếp tục làm bài, thời gian mất điện các em được làm bù để kết thúc tổng thời gian làm bài là 60 phút.

 

Tại các tỉnh Nam Ðịnh, Long An, Quảng Ngãi, Ninh Thuận... nhiều thí sinh cho rằng, đề thi môn Toán vừa sức. Nhận xét về đề thi, em Lê Gia Trung Trực dự thi tại Trường THPT Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc) cho biết: Ðề thi môn Toán năm nay bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12, cho nên học sinh trung bình có thể dễ dàng đạt được sáu đến bảy điểm. Còn em Nguyễn Vũ Ðạt cũng dự thi tại Trường THPT Buôn Ma Thuột nhận định: Câu "tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất" nếu thí sinh nào không tính toán kỹ sẽ dễ bị nhầm. Ðối với môn Ngoại ngữ, nhiều thí sinh khẳng định đề thi năm nay không đánh đố. Thí sinh Ðinh Huy Trung, Hội đồng thi Trường THPT Hòn Gai, TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết: "Em thấy đề Ngoại ngữ khá dễ. Bám sát sách giáo khoa. Ðặc biệt, em rất thích phần câu đọc hiểu, qua đó chúng em hiểu thêm về tổ chức UNICEF. Tuy nhiên, cũng có câu hỏi điền từ vào chỗ trống khá hóc búa. Em nghĩ mình đạt điểm cao". Khác với môn Ngoại ngữ, môn Vật lý, khá nhiều thí sinh hệ giáo dục thường xuyên ra về trong tâm lý thất vọng. Thí sinh Nguyễn Thị Tuyết Trinh, chia sẻ: "Ðề Vật lý khó quá, em chỉ làm được khoảng dưới 50% bài thi".

 

Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, Bộ GD và ÐT tổ chức họp báo, thông báo kết quả coi thi trong ba ngày diễn ra kỳ thi. Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD và ÐT cho biết kỳ thi đã được tổ chức đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Có sự phối hợp đồng bộ, sự giúp đỡ tích cực, có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và các đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác tổ chức thi.

 

Ðáng chú ý, tại buổi họp báo, phóng viên phản ánh rằng ngày 3-6 trên trang mạng xã hội Facebook, thường xuyên cập nhật tình hình của mỗi ngày thi, có thông tin cho rằng xuất hiện clip về sai phạm ở một số hội đồng coi thi. Trước sự việc này,  Bộ GD và ÐT cho biết sẽ tiếp thu toàn bộ những phản ánh nếu xác minh là thật sẽ xử lý theo pháp luật và theo quy chế thi. Bên cạnh đó, điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay, cho phép thí sinh được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình khiến nhiều ý kiến cho rằng, trút việc giám sát thi lên vai học sinh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việc cho phép mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi nhằm mục tiêu tăng kênh giám sát của xã hội, để cán bộ coi thi nghiêm túc hơn.

 

Bất kể ai cũng có quyền giám sát nhưng việc giám sát không phải là bắt buộc, nhiệm vụ chính của thí sinh là vào phòng thi phải làm bài.

 

Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, Bộ GD và ÐT đã chính thức công bố đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2013 trên trang www.moet.gov.vn.

 

Theo quy định của Bộ GD và ÐT, chậm nhất ngày 18-6, các Hội đồng chấm thi xét và đề nghị Giám đốc Sở GD và ÐT sơ duyệt kết quả tốt nghiệp, công bố kết quả tạm thời của kỳ thi; chậm nhất ngày 24-6, các cơ sở giáo dục hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh.