Áp lực thi đại học: Tại sao và do đâu?

07:24, 11/06/2013

Với phần lớn người dân Việt Nam, cánh cửa đại học là một trong những điểm mốc quan trọng của đời người. Mỗi khi mùa thi tới, các “sĩ tử” lại gánh trên vai những áp lực tâm lý nặng nề, mà đôi khi, chính các em cũng không biết tại sao và do đâu?

Trải nghiệm buổi tình nguyện “tiếp sức mùa thi” ở một trường THPT khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, mới biết được tình trạng thực tế và những khó khăn của các em. Buổi tình nguyện kéo dài từ sáng tới chiều tối, với tiêu điểm là chùm trò chơi rèn luyện lòng can đảm, nâng cao ý chí quyết tâm vượt thử thách và xác định mục tiêu của chính mình. Ở trò chơi này, những người tham gia phải viết hoặc vẽ những ước mơ, mục tiêu của mình một cách hệ thống lên giấy.

 

Sau 15 phút thoải mái sáng tạo, các em học sinh sẽ bước vào phần “gay go” nhất. Trong suốt một khoảng thời gian không được biết trước, các em phải giơ thẳng hai cánh tay, cầm tờ giấy “chứa đựng ước mơ và hoài bão” trước mặt và không được hạ xuống cho tới khi có thông báo hết giờ.

 

Trò chơi tưởng đơn giản, nhưng đòi hỏi lòng quyết tâm và sự tập trung cao độ. Ngay từ khâu “vẽ ước mơ”, các “sĩ tử” dần bộc lộ những điểm yếu trong việc xác định khả năng và tự định hướng tương lai. Phần lớn các em lúng túng và mất khá nhiều thời gian mới phác thảo được những việc phải làm.

 

Tiếp cận với những câu hỏi như “Em định thi đại học nào?”, “Em nghĩ mình mạnh nhất môn nào, khối nào?”, gần một nửa các em được hỏi không tự tin trả lời được ngay.

 

Một số em còn không biết chính xác ngôi trường mình định thi đào tạo cái gì, hành trang sau tốt nghiệp sẽ là gì.

 

Nhiều em lại không nắm rõ thông tin tuyển sinh cũng như khả năng của chính mình.

 

Có câu hỏi “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”, còn trong những trường hợp này, thì “không biết mình” cũng “chẳng biết người”, liệu tương lai các em sẽ ra sao?!

 

Đáng lo hơn, có những em, khi vừa được hỏi, đã bật khóc như một đứa trẻ. Được trấn an và động viên, một bạn gái (giấu tên) chia sẻ trong nước mắt: “Em không biết em muốn gì, em cũng không biết phải thi vào đâu nữa, em muốn thi vào trường X, nhưng bố mẹ em không thích và ép em thi trường khác”.

 

Chẳng phải chờ đến thế mới biết áp lực từ gia đình, bạn bè cũng như nhà trường trên đôi vai nhỏ của các em nặng tới mức nào. Nhưng giọt nước mắt của em có lẽ sẽ khiến nhiều người không khỏi giật mình!

 

Hiện nay, xu hướng thường thấy ở các em học sinh THPT khi thi đại học là chọn trường theo “mong muốn” của bố mẹ hoặc anh chị đã “đi trước” trong gia đình. Đáng lo ngại hơn, hiện không chỉ các bậc phụ huynh, mà một số lượng khá lớn học sinh cũng có suy nghĩ “chọn trường danh tiếng”, trường “top”, do tâm lý sợ thua bạn kém bè.

 

Ngoài ra, một vấn đề cần lưu ý là các bậc cha mẹ thường quen với việc “nghĩ hộ” con mình, mà quên rằng càng tiến gần tới cánh cửa đại học, phần lớn các em đã-có-thể-có suy nghĩ độc lập và chính chắn.

 

Phỏng vấn chị Thu, người có con trai sắp thi đại học, được biết chị rất tin tưởng vào sức học của con mình, vậy nên từ khi con còn nhỏ, chị đã chú ý không gây áp lực học hành cho con. Tuy nhiên, suy nghĩ ấy làm chị luôn có tư tưởng định hướng cho con du học, vốn đã trở thành tư tưởng phổ biến trong nhiều gia đình.

 

Có lẽ đó sẽ luôn là một định hướng thích hợp cho con chị, nếu không có một ngày, tình cờ chị đọc được những dòng chat con trai mình viết hỏi bạn: “Mẹ tớ có vẻ muốn tớ đi du học, nhưng tại sao cứ phải là du học? Cứ phải ra nước ngoài mới có tương lai sao?”

 

Cậu còn thắc mắc với mẹ mình: “Tại sao mẹ lại muốn con giống anh A, chị B họ hàng?”

 

Và chị chợt nhận ra rằng, con chị muốn là chính mình, muốn được tự quyết định tương lai, và thực chất con mình “đã đặt mục tiêu thi vào một trường trong nước, chọn một ngành để theo đuổi trong tương lai, chứ không hề muốn đi du học lúc này” - Chị Thu chia sẻ.

 

Chị Thu cũng nhắc tới một trường hợp thường xảy ra khi tại các gia đình có con sắp thi đại học, đó là việc làm hồ sơ đăng ký. Chị kể lại lúc bắt đầu biết thông tin, chị “đi mua cả chục bộ đưa con, nhưng thằng bé nhất định chỉ đăng ký hai trường”. Khi chị “bực quá hỏi lý do”, thì nhận được câu trả lời: “Sao mẹ muốn con làm nhiều hồ sơ vậy? Con đã xác định quyết tâm thi trường Z, và con không hề có ý định thay đổi”.

 

Bạn Hằng, một sinh viên tình nguyện trong buổi “tiếp sức mùa thi” cho biết, “áp lực thi cử xuất hiện ngay từ lúc đặt bút đăng ký hồ sơ” và “càng gần ngày thi, áp lực càng nặng nề, thật may mắn vì bố mẹ không hề tạo thêm áp lực cho em”.

 

Hằng cũng kể rằng, bố mẹ thậm chí “tạo điều kiện cho em thoải mái chọn trường đúng với năng lực và ý thích”.

 

Với những hậu thuẫn từ gia đình, Hằng đã tự xem xét kỹ khả năng của mình, tự tham khảo thông tin và chọn một trường “vừa phải, hợp với sức học và ý thích của em”.

 

Nhắc lại những ngày tháng thi cử, cô sinh viên tình nguyện tâm sự: “Thực sự đó là khoảng thời gian áp lực trở nên nặng nề nhất, em chỉ đủ thời gian học, ăn và ngủ. Nhưng quan trọng hơn, là chưa bao giờ em có ý định bỏ cuộc, vì em biết bố mẹ luôn ủng hộ quyết định của mình”.

 

Hằng cũng chia sẻ “bí quyết” chọn trường là cần xác định khả năng nổi trội và ước đoán được kết quả thi, đồng thời có thể “làm thử những bài thi và tìm hiểu kỹ điểm chuẩn năm trước”.

 

Những ngày thi đại học đang tới gần, hằng ngày, tại các “lò” luyện thi, có biết bao nhiêu “sĩ tử” đang miệt mài đèn sách, trong số đó, có được bao “chú cá chép” sẽ “vượt vũ môn”? Có lẽ câu hỏi này, hãy để chính các em tự trả lời chăng?.