Về liên kết đào tạo hiện nay

08:00, 05/06/2013

Đây là chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội, huy động tiềm năng của các trường nhằm đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương, tạo cơ hội học tập đối với nhiều người trên cơ sở đảm bảo chất lượng, hiệu quả giáo dục, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng và xã hội hóa giáo dục.

Nhờ cách làm này, nhiều người ở vùng sâu, vùng xa, bận nhiều việc, không có thời gian… cũng có thể có điều kiện học tập để nâng cao kiến thức, đáp ứng quy chuẩn về cán bộ trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này đang phát triển như vũ bão, các cơ sở đào tạo liên kết chỉ nhằm vào cái đích lớn nhất là nguồn thu, còn chất lượng giảng dạy thật sự đáng báo động. Hàng loạt sai phạm trong việc liên kết đào tạo ở các trường đại học đã xảy ra do buông lỏng quản lý.

 

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã đưa ra kết luận hết sức bất ngờ: Khi kiểm tra 419 chương trình liên kết đào tạo (trong đó có cả liên kết đào tạo với nước ngoài) tại 18 trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có đến 46,5% chương trình liên kết vừa học vừa làm chưa được Bộ cho phép; một số trường khi hợp đồng đào tạo không xác định đối tượng tuyển sinh, không quy định cụ thể trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia quá trình đào tạo… Thực ra, quy định, quy chế, phân cấp quản lý đều có, nhưng phải chăng sự “dễ dãi” ở việc cấp phép, quản lý lỏng lẻo ở mô hình này đã phát sinh những cuộc chạy đua “lên đời bằng cấp” một cách rầm rộ? Và sự dễ dãi từ đầu vào đến quá trình đào tạo, rồi cuối cùng là đầu ra đã làm người học lao vào cuộc đánh đổi, có cảm giác để kiếm được một bằng cấp thì chỉ cần học phí + thời gian. Điều này có nghĩa là người học hình như ít quan tâm đến vấn đề đầu tư chất xám, chỉ cần đáp ứng yêu cầu “tối thượng” của các cơ sở đào tạo là hoàn thành học phí, điểm danh có mặt thì thế nào cũng có bằng.

 

Và điều đáng nói là “vệ tinh” liên kết của các trường chính là những trung tâm giáo dục từ xa, trung tâm hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề ở các tỉnh. Với những cơ sở giáo dục này, người quản lý đã hiếm, cơ sở vật chất lại càng khó khăn thì không hiểu hàng trăm, hàng ngàn sinh viên được đào tạo ở các cơ sở đó sẽ học hành ra sao? Hệ lụy từ những cuộc chạy đua nâng bằng cấp này chắc chắn sẽ dẫn đến sản phẩm thầy không ra thầy, thợ chẳng ra thợ. Và lẽ đương nhiên khi những “sản phẩm” này đến tay người sử dụng sẽ không thể che giấu được sự thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng.

 

 

Thời gian gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong việc liên kết đào tạo, như đình chỉ tuyển sinh hàng loạt ngành, đình chỉ thành lập nhiều trường không đủ điều kiện. Trên địa bàn tỉnh và trong khu vực trung du miền núi Bắc Bộ, Đại học Thái Nguyên cũng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra tại các cơ sở giáo dục để chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong liên kết đào tạo. Tuy nhiên, từ thực tế hiện nay cho thấy do sức ép về chỉ tiêu (đi kèm với đó là nguồn thu) ở cả các trường công lẫn trường tư đã đẩy nhiều trường vào tình trạng chạy theo số lượng thông qua việc bắt tay liên kết đào tạo từ cao đẳng, đại học đến thạc sĩ… với các tổ chức trong nước và cả nước ngoài. Ở nhiều nơi, học phí cao, song chất lượng đào tạo chưa tương xứng…

 

Đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển, rất cần nguồn nhân lực cao, đạt chuẩn về bằng cấp cũng như chuyên môn. Đây là nhiệm vụ cao cả mà ngành Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò chủ đạo. Thiết nghĩ, các cơ sở giáo dục đại học không thể vì lợi ích trước mắt mà sẵn sàng xem nhẹ chất lượng đào tạo. Cần gắn việc cấp phép đúng với nhu cầu nguồn nhân lực thực tế của địa phương trong chương trình liên kết đào tạo. Việc kiểm soát chương trình liên kết của các cơ sở giáo dục cần chặt chẽ hơn, giới hạn về chỉ tiêu và có biện pháp xử phạt nghiêm minh đối với các cơ sở giáo dục cũng như người đứng đầu cơ sở giáo dục vi phạm những quy định về liên kết đào tạo để củng cố niềm tin của xã hội và người học vào các chương trình liên kết. Đó chính là những đóng góp thiết thực của ngành Giáo dục vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.