Trong nghề dạy học ai cũng mong muốn mình sẽ là một giáo viên giỏi. Lắng nghe những suy nghĩ, tâm tư của những người trong cuộc để thấy được các góc nhìn của học sinh, phụ huynh về người thầy cũng như những mong muốn xã hội đang đặt ra đối với người giáo viên.
Nghề giáo khó hơn tôi tưởng
Cô giáo Nguyễn Thị Thư Hòa – CĐ Sư phạm Hà Nội đã nói lên cảm nhận này khi bước vào nghiệp giáo.
Tôi đến với nghề giáo đầy nhiệt huyết cùng mong muốn truyền đạt lại kiến thức mà tôi đã được học của các thầy cô trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, nghề giáo khó hơn tôi tưởng dù rất tự tin ở mặt kiến thức chuyên môn của bản thân.
Tôi vẫn nhớ, thời gian đầu khi mới bước vào giảng dạy, có những bài giảng tôi rất tâm huyết, đầu tư nhiều vào giáo án, kiến thức từ ở nhà để truyền đạt cho sinh viên. Nhưng sau những phút say sưa giảng ở trên bảng, tôi hỏi lại học sinh của mình có tiếp thu được không thì phần lớn các em đều lắc đầu không hiểu và ngỡ như tôi đang “tung chưởng”.
Tôi giật mình, băn khoăn vì sao tôi đã đầu tư rất kĩ kiến thức cho bài giảng như vậy mà các em lại không hiểu. Vì kiến thức quá nhiều, quá cao siêu hay vì phương pháp truyền đạt chưa tốt? Tôi đã suy nghĩ nghiêm khắc lại cách dạy của mình.
Kinh nghiệm rút ra là, kiến thức chuyên môn vững vô cùng cần thiết tuy nhiên cách truyền đạt ra sao tới học sinh, làm sao để học sinh dễ hiểu trong một khoảng thời gian ngắn nhất, hứng thú với giờ học mới là điều quan trọng. Nếu giáo viên chỉ say sưa “làm xiếc” với kiến thức mình, nhưng học sinh không hiểu, kiến thức không trở thành của học trò… thì đó là sự thất bại của giáo viên.
Giáo viên giỏi không chưa đủ
Thân Thị Nhung – Sinh viên năm thứ 2, trường ĐH Lao động - Xã hội nói: Em mong muốn được học thầy cô giáo giỏi về kiến thức nhưng cũng tâm lý với học trò. Thầy cô nào có sự hài hước, vui tính trong giờ dạy chúng em cũng cảm nhận được sự gần gũi và bớt phần căng thẳng trong các tiết học.
Em cho rằng, một giáo viên giỏi cần có được kỹ năng giao tiếp hiệu quả, hiểu được lúc nào cần thay đổi cách giao tiếp để đảm bảo học sinh có thể nắm bắt được kiến thức. Một giáo viên giỏi cũng sẵn sàng cho phép học sinh đặt câu hỏi và trả lời, đồng thời giúp cho học sinh khác hiểu được vấn đề…
Với Lê Phương Anh – Sinh viên Học viện Quản lý giáo dục lại cho rằng: Một giáo viên giỏi đồng nghĩa với vững chuyên môn, có phương pháp dạy phù hợp với học sinh để tạo ra hứng thú học tập trong từng tiết học. Em cũng mong các thầy cô giáo hãy biết cách khơi gợi những điểm mạnh, phát huy khả năng của học trò, tạo cơ hội để khả năng ấy được phát triển. Các thầy cô cũng tạo ra những khoảng cách quá lớn khiến học trò sợ mà không dám chia sẻ.
Sợ phải chạy theo cô giỏi
Đó là suy nghĩ của Chị Lê Thanh Bình – Phụ huynh học sinh ở Chùa Bộc – Đống Đa (Hà Nội). Chị cho biết: “Năm đầu tiên con gái tôi đi học. Nghe theo bạn bè tôi cố công xin cho con vào học lớp chọn và có cô giáo giỏi chủ nhiệm.
Thế nhưng khi con học hết lớp 1 thì tôi đã nhận thấy sự sai lầm của mình khi cố gửi con vào lớp học này. Lớp học gần 60 cháu vì vậy cô giáo dù có giỏi cũng không thể quan tâm hết đến từng học sinh trong lớp. Chính vì vậy, con tôi tính cách vốn không bạo dạn, tự tin thì sau một năm học vẫn không cải thiện được chút nào.
Như vậy cô giáo giỏi chưa chắc đã làm nên học sinh giỏi. Cùng đó, khi vào học lớp chọn của trường, con tôi có cảm giác bị ngợp và gặp sức ép lớn khi luôn học hành với tâm trạng lo lắng cuối năm có thể bị loại khỏi lớp (Lớp chọn này cứ cuối năm lại loại ra những học sinh có kết quả học tập thấp nhất và thêm vào những học sinh giỏi).
Sang năm học lớp hai, tôi đã rút con ra khỏi lớp này dù kết quả đủ ở lại. Tôi nhận thấy, dường như cháu học tập với tinh thần vui vẻ hơn, không cảm thấy áp lực nhiều nên kết quả học tập cũng tốt hơn. Điều đáng nói, cô giáo mới của con tôi dù không nằm trong “top” tin đồn giáo viên giỏi nhất trong trường song với cách tiếp cận gần gũi, phương pháp phù hợp đã khiến cháu rất hứng thú với học tập…
“Nếu cho tôi con cá và tôi sẽ có cá ăn trong một ngày, nếu dạy tôi cách câu cá, tôi sẽ có cá ăn suốt đời”. Đây chính là triết lý dành cho một người thầy giỏi. Người thầy cần kiên nhẫn và dễ mến, linh hoạt và uyên bác; có khả năng chịu đựng, thoáng trong tư duy và có khả năng hài hước. Nhiệt tình và thích thú giảng dạy; là người chân thật, giàu trí tưởng tượng và sáng tạo; có khả năng tổ chức, khiêm tốn, nguyên tắc và hữu ích. Theo sách “Điều gì tạo nên một giáo viên giỏi?” của UNESCO xuất bản.
|